Thủ tướng Nhật: Bằng mọi giá vận động ASEAN hợp tác tự do hàng hải

26/12/2013 13:30
Hồng Thủy
(GDVN) - "Sử dụng bất cứ phương tiện cần thiết nào để đảm bảo rằng "tự do hàng hải" xuất hiện trong văn bản (tuyên bố chung ASEAN-Nhật Bản)", ông Shinzo Abe nói
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Asahi Shimbun ngày 26/12 đưa tin, tự do hàng hải đang trở thành vấn đề trung tâm giữa Mỹ, Nhật Bản với Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng gia tăng hoạt động.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã quyết định nhấn mạnh vấn đề này tại hội nghị thượng đỉnh Đông Á ngày 9/10 vừa qua ở Brunei với các thành viên ASEAN. 
Cho đến giây phút cuối cùng, ông Shinzo Abe vẫn thúc các quan chức Bộ Ngoại giao Nhật bản phải vận động các đối tác ASEAN đưa vấn đề này vào tuyên bố chung ASEAN - Nhật Bản.

"Sử dụng bất cứ phương tiện cần thiết nào để đảm bảo rằng "tự do hàng hải" xuất hiện trong văn bản (tuyên bố chung ASEAN-Nhật Bản)", ông Shinzo Abe nói với các quan chức ngoại giao.

Kể từ tháng 12 năm ngoái khi nhậm chức Thủ tướng, ông Shinzo Abe đã nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải trong các cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo nước ngoài.

Lãnh đạo ASEAN - Nhật Bản sau hội nghị thượng đỉnh tại Tokyo ngày 14/12.
Lãnh đạo ASEAN - Nhật Bản sau hội nghị thượng đỉnh tại Tokyo ngày 14/12.

Ý định rõ ràng của Thủ tướng Nhật Bản là gửi thông điệp mạnh mẽ đến Bắc Kinh trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục đe dọa các nước láng giềng bằng cách phái đội tàu đánh cá ra Hoa Đông và xuống Biển Đông (đánh bắt trái phép).

Ông đã tìm mọi cách để đưa "tự do hàng hải" vào trong tuyên bố của Tổng thống nước chủ nhà Brunei hồi tháng 10. Vấn đề này một lần nữa được khẳng định rõ ràng, chắc chắn và sâu sắc hơn trong tuyến bố chung ASEAN - Nhật Bản tại một hội nghị thượng đỉnh ở Tokyo dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 14/12 vừa qua.

Tự do hàng hải là một khái niệm trọng tâm trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) trong đó đặt ra các quy tắc toàn diện về những hành vi trên biển, thường được xem là "Hiến pháp cho các đại dương" đã được 166 nước tham gia.

UNCLOS chia các khu vực hàng hải thành "lãnh hải" - nơi các quốc gia ven biển có quyền chủ quyền; "vùng đặc quyền kinh tế" - nằm bên ngoài lãnh hải trong phạm vi từ 200 hải lý tính từ đường cơ sở và vùng biển quốc tế không phải lãnh hải hay vùng đặc quyền kinh tế của bất cứ nước nào.

Hồng Thủy