Tác giả đưa ra kết luận "100% mì tôm chứa chất gây sỏi thận" lên tiếng

02/01/2014 13:29
Hoàng Lực
(GDVN) - GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP.HCM chính thức lên tiếng về thông tin "100% mì tôm chứa chất gây sỏi thận".

Sau khi đưa ra kết luận "100% mì tôm chứa chất acid oxalic có thể gây sỏi thận" từ cuộc phân tích 62 mẫu mì tôm (trong nước lẫn nhập khẩu) kéo dài gần 6 tháng (cuối tháng 6 đến ngày 10/12/2013) gây nên sự hoang mang lớn trong người tiêu dùng, GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP.HCM, Chủ tịch Hội đồng KHCN của Công ty Dịch vụ KHCN Sắc Ký Hải Đăng chính thức lên tiếng về thông tin này.

Thông tin 100% mẫu mì tôm chứa axit oxalic khiến dư luận hết sức bàng hoàng.
Thông tin 100% mẫu mì tôm chứa axit oxalic khiến dư luận hết sức bàng hoàng.

Theo đó, qua trao đổi với phóng viên báo điện tử Giáo Dục Việt Nam, GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn khẳng định: “Đúng là 100% mẫu mì tôm (62/62 mẫu) kiểm tra acid oxalic tại Công ty Dịch vụ KHCN Sắc Ký Hải Đăng đều có axit oxalic với nồng độ khoảng 30,8 - 449 ppm, tập trung nhiều nhất trong khoảng 100-200 ppm”.

Tuy nhiên GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn khẳng định, ông không thêm cụm từ "mì tôm có acid oxalic cao dễ gây sỏi thận" như báo chí đưa tin.

GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn cho biết, khởi nguồn của nghiên cứu này là do khách hàng, trong đó có cơ quan chức năng mang đến Công ty Dịch vụ KHCN Sắc Ký Hải Đăng đề nghị kiểm tra acid oxalic chứ không nằm trong một chương trình nghiên cứu nào của Sắc Ký Hải Đăng.

GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch Hội Y tế Công cộng TP HCM người công bố thông tin 100% mẫu mỳ tôm chứa chất acid oxalic tại một Hội thảo An toàn thực phẩm tại TP.HCM (Ảnh: Thời đại xanh-Green age).
GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch Hội Y tế Công cộng TP HCM người công bố thông tin 100% mẫu mỳ tôm chứa chất acid oxalic tại một Hội thảo An toàn thực phẩm tại TP.HCM (Ảnh: Thời đại xanh-Green age).

Khi PV hỏi về các nhãn hàng mì ăn liền mà Sắc Ký Hải Đăng lấy mẫu phân tích, GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn cho biết: “Trên nguyên tắc, chỉ có cơ quan chức năng mới có quyền công bố, còn phòng kiểm nghiệm không được phép công bố tên hãng sản xuất”.

Theo GS Sơn, trong tự nhiên mì làm từ bột mì, mà bột mì có sẵn acid oxalic tự nhiên. Số liệu khoa học cũng đã công bố, tùy theo lúa mì, thổ nhưỡng, điều kiện khí hậu nơi trồng, hàm lượng acid oxalic trong lúa mì có thể đến 700 ppm.

“Do đó đương nhiên, mì làm từ bột mì có acid oxalic và hàm lượng bao nhiêu còn tùy theo cách chế biến. Tôi cũng nhấn mạnh không phải chỉ có mì ở Việt Nam là có acid oxalic mà là khắp thế giới, nơi nào làm mì từ bột mì hay mở rộng ra thực phẩm nào làm từ bột mì đều có acid oxalic”, GS Sơn nói.

Hiện người ta chia ra 4 loại thực phẩm có acid oxalic: Thực phẩm có rất nhiều acid oxalic (vài ngàn đến vài chục ngàn ppm) như khế, rau dền,... Thưc phẩm có nhiều acid oxalic (đến vài ngàn ppm) như măng, nhiều loại hạt như hạt điều rang, hạt hạnh nhân rang...; Thực phẩm có acid oxalic trung bình (vài trăm ppm) như lúa mì và thực phẩm có rất ít acid oxalic (vài ppm đến vài chục ppm) như gạo...

Acid oxalic vào cơ thể có xu hướng kết tủa khi gặp dinh dưỡng có chứa canxi. Nếu sử dụng lâu dài thực phẩm có chứa acid oxalic, sự kết tủa này sẽ có hại cho thận, gây sỏi thận hoặc đọng lại các khớp xương.

Tuy nhiên, GS Sơn cho rằng không phải cứ ăn thực phẩm giàu acid oxalic là bị sỏi thận vì còn phải tùy thuộc cơ địa của mỗi người.

“Từ xưa đến nay, ta ăn biết bao nhiêu rau củ quả có nhiều acid oxalic, nhưng số trường hợp bị sỏi thận theo tài liệu y học là rất ít, nghiên cứu in vivo trên người cũng còn khá ít để có thể kết luận. Tất nhiên, những người có yếu tố di truyền hay tiền sử sỏi thận và trẻ con không nên dùng rau củ quả có nhiều acid oxalic, chỉ là nguyên tắc phòng ngừa”, GS Sơn nhấn mạnh.

GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn lý giải, vấn đề chính khi ông đưa ra thông tin acid oxalic là do theo quy định của Việt Nam, acid oxalic không nằm trong danh sách phụ gia thực phẩm cho phép, do đó người sản xuất không được cho thêm acid oxalic tổng hợp vào một số loại thực phẩm như bún, bánh phở nhằm tẩy trắng.

“Riêng với trường hợp mì tôm, không có vấn đề tẩy trắng, cho nên không có vấn đề người sản xuất thêm acid oxalic vào mì”, GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn cho biết thêm.

Trong khi đó đánh giá mức độ ảnh hưởng của thông tin trên, ông Trần Quang Trung - Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm (ATTP - Bộ Y tế) cho rằng: “Thông tin được Hội Y tế công cộng TP.HCM công bố không rõ. Kết quả nghiên cứu của GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn mới chỉ là những kết quả nghiên cứu của họ. Tuy nhiên, Cục ATTP sẽ xem xét bởi mì tôm của nước ta còn phải hội nhập, xuất khẩu... nếu thông tin như vậy thì rất nguy hiểm”.

Theo đó, ông Trung cho rằng: Axit oxalic trong tự nhiên cũng có như rau muống, măng... tuy nhiên hiện nay quốc tế cũng chưa có quyết định hàm lượng là bao nhiêu hay việc quy định cấm chất này như thế nào.

“Không ai cố tình đưa những hóa chất nguy hiểm vào trong chế biến thực phẩm. Bất kể một loại hóa chất nào chứ không riêng axit oxalic. Mì tôm của nước chúng ta từ trước đến nay xuất khẩu đi rất nhiều nước chứ không riêng chỉ sử dụng trong nước, bởi vậy mà chất lượng rất an toàn, chưa hề có một lô hàng xuất khẩu nào bị trả về”, Cục trưởng Cục ATTP khẳng định.

Hoàng Lực