Báo Trung Quốc doạ Việt Nam bằng hạm đội tàu sân bay Liêu Ninh

07/01/2014 06:15
Đông Bình
(GDVN) - Theo tuyên truyền của báo chí TQ "Việt Nam hoàn toàn không thỏa mãn với tàu ngầm cỡ nhỏ của CHDCND Triều Tiên, hy vọng sở hữu tàu ngầm lớn hơn.
Tàu ngầm Hà Nội lớp Kilo về tới cảng Cam Ranh, Việt Nam vào ngày 31 tháng 12 năm 2013
Tàu ngầm Hà Nội lớp Kilo về tới cảng Cam Ranh, Việt Nam vào ngày 31 tháng 12 năm 2013

Mạng quân sự sina Trung Quốc ngày 6 tháng 1 đưa tin, Biển Đông là khu vực qua lại của tàu thương mại bận rộn nhất thế giới, nhưng bắt đầu từ năm 2013, vùng biển này trở thành vùng biển đáng sợ do tập trung vài chục tàu ngầm tấn công.

Bài báo quên nói đến “mối đe dọa từ tàu ngầm Trung Quốc” cũng như những gì Bắc Kinh đang toan tính thực sự ở khu vực, nhưng lại tập trung bàn ra tán vào về lực lượng tàu ngầm của Việt Nam. Bài báo cho rằng, hiện nay, Việt Nam có lực lượng tàu ngầm "quy mô lớn nhất ở Biển Đông". Trên thực tế, Việt Nam chỉ vừa nhận được 1 chiếc tại Cam Ranh, cả khu vực ĐNÁ cộng lại cũng không nhiều tàu ngầm, tàu chiến như Trung Quốc.

Theo bài báo, ngay từ năm 2009, Việt Nam đã đặt mua 6 tàu ngầm thông thường Type 636M (NATO gọi là lớp Kilo) của Công ty xuất khẩu vũ khí quốc doanh Nga, giá trị hợp đồng lên tới trên 2 tỷ USD. Tàu ngầm đầu tiên mang tên Hà Nội có số hiệu HQ-182, bàn giao cho Việt Nam vào tháng 9 năm 2012.

Chiếc tàu ngầm thứ hai mang tên Hồ Chí Minh, số hiệu HQ-183, đang bắt đầu chạy thử. Chiếc tàu ngầm thứ ba mang tên Hải Phòng, số hiệu HQ-184, hạ thủy vào tháng 8 năm 2013. Công tác chuẩn bị mấy chiếc tàu ngầm khác cũng sắp bắt đầu.

Ba chiếc còn lại đang trong quá trình chế tạo, lần lượt là tàu ngầm Đà Nẵng số hiệu HQ-185, tàu ngầm Khánh Hòa số hiệu HQ-186 và tàu ngầm Bà Rịa-Vũng Tàu số hiệu HQ-187.

Tàu ngầm Hà Nội là tàu ngầm diesel lớp Kilo do Nga chế tạo, chiếc đầu tiên trong lô 6 chiếc lớp Kilo Việt Nam mua của Nga.
Tàu ngầm Hà Nội là tàu ngầm diesel lớp Kilo do Nga chế tạo, chiếc đầu tiên trong lô 6 chiếc lớp Kilo Việt Nam mua của Nga.

Ngày 1 tháng 1 năm 2014, chiếc tàu ngầm động cơ diesel Type 636 lớp Kilo đầu tiên của Việt Nam mang tên Hà Nội đã về đến quân cảng vịnh Cam Ranh ở nam trung bộ Việt Nam. Nó sắp được đưa vào hoạt động. Người Việt Nam luôn trông đợi đối với tàu ngầm.

Việt Nam từ lâu đã quan tâm đến tàu ngầm

Theo bài báo, trong chiến tranh chống Pháp, Quân đội Việt Nam rất quan tâm đến sử dụng chiến thuật tập kích bất ngờ. Việt Nam quan tâm đến tàu ngầm từ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, nhưng không được cung cấp.

Sau này, đến năm 1997, Việt Nam đạt được một thỏa thuận với CHDCND Triều Tiên, mua được 2 tàu ngầm cỡ nhỏ lớp Yugo, lực lượng tàu ngầm của Việt Nam là trung đoàn tàu ngầm 196, đến tháng 1 năm 2010 thì Việt Nam công khai lực lượng này.

Tàu ngầm lớp Yugo có lượng giãn nước khi nổi là 76 tấn, khi lặn là 90 tấn. Tàu này dài 20 m, động lực là 1 động cơ diesel (suy đoán là 160 mã lực). Tốc độ lớn nhất của tàu ngầm lớp Yugo là 4 hải lý/giờ (khi lặn), 10 hải lý/giờ (khi nổi), khả năng chạy liên tục là 1.500 hải lý với tốc độ 10 hải lý/giờ (khi nổi), 50 hải lý với 4 hải lý/giờ (khi lặn).

Theo mạng sina Trung Quốc, Việt Nam sẽ có lực lượng tàu ngầm "mạnh nhất" khu vực.
Theo mạng sina Trung Quốc, Việt Nam sẽ có lực lượng tàu ngầm "mạnh nhất" khu vực.

Do tàu ngầm có tính chất “du kích”, nên Việt Nam rất coi trọng đối với loại trang bị này. Hai tàu ngầm mua của CHDCND Triều Tiên đã trang bị cho lự lượng đặc công của Hải quân ở Hải Phòng (cũng gọi là trung đoàn 820).

Theo tuyên truyền của báo chí TQ "Việt Nam hoàn toàn không thỏa mãn với tàu ngầm cỡ nhỏ của CHDCND Triều Tiên, hy vọng sở hữu tàu ngầm lớn hơn. Năm 1997, một chiếc tàu ngầm Type 877 lớp Kilo của Hạm đội Thái Bình Dương Nga được bảo dưỡng tại vịnh Cam Ranh, cấp cao Hải quân Việt Nam quyết định lập tức đến xem xét, tàu ngầm lớp Kilo đã để lại ấn tượng sâu sắc".

Từ năm 2000, Việt Nam bắt đầu đàm phán với Nga về việc mua sắm tàu ngầm. Tháng 12 năm 2009, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng thăm Moscow, Nga và Việt Nam đã ký hợp đồng mua sắm tàu ngầm phiên bản cải tiếp Type 636.

Báo giá khi đó là mỗi chiếc khoảng 300-350 triệu USD. Loại tàu ngầm Việt Nam mua là 636MV. Cùng năm, có tin cho biết, tổng giá trị hợp đồng này đạt 2 tỷ USD, chi phí tăng dùng để mua vũ khí trang bị và thiết bị phụ trợ khác.

Tàu ngầm Hà Nội đã về nước bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc
Tàu ngầm Hà Nội đã về nước bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc

Theo giới thiệu của phía Nga, tàu ngầm 636MV của Việt Nam mua có khác biệt nhất định với tàu Type 636MK do Trung Quốc mua, giống Type 636.3 của Hải quân Nga.

Tàu ngầm Type 636MV trên mặt nước có thể đạt tốc độ 17 hải lý/giờ, tốc độ khi lặn là 20 hải lý/giờ. Độ sâu lặn tối đa đạt 350 m, có thể hoạt động liên tục 45 ngày, thủy thủ đoàn 57 người. Dự trữ đạn dược là 18 quả ngư lôi và tên lửa.

Vỏ ngoài tàu ngầm Type 636MV có đường kính 10 m, vỏ trong có đường kính 7 m, có thể lắp hệ thống do thám âm thanh nước và hệ thống chỉ huy tác chiến cỡ lớn. Để tăng cường hiệu quả chạy êm, vận tốc quay của trục điện cơ cũng từ 500 vòng/phút đã giảm xuống 250 vòng/phút, dùng chân vịt trục đơn thay thế cho 2 chèo truyền thống.

Để có thể sử dụng tàu ngầm lớp Kilo mua của Nga, năm 2000 Việt Nam bắt đầu sắp xếp huấn luyện sĩ quan tàu ngầm, đào tạo tiếng Anh.

Việt Nam chuẩn bị được 50 người, nhưng Ấn Độ mãi 4 năm sau mới chính thức tiến hành chương trình huấn luyện. Trải qua một thời gian đào tạo, Việt Nam lại cử người đến Nga huấn luyện tàu ngầm, đến cuối năm 2012, Hải quân Việt Nam đã điều 3 tốp binh sĩ đến Nga đào tạo.

Ngày 16 tháng 4 năm 2012, tốp học viên thứ hai khi xuất phát đã được Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam đích thân đưa tiễn.

Nga cam kết mạnh mẽ hỗ trợ Việt Nam xây dựng lực lượng tàu ngầm- nguồn báo QĐND
Nga cam kết mạnh mẽ hỗ trợ Việt Nam xây dựng lực lượng tàu ngầm- nguồn báo QĐND

Tại Nga, những binh sĩ này được huấn luyện chặt chẽ hơn, binh sĩ tàu ngầm Việt Nam và Algeria được đào tạo 5 tháng tại Nga, sau khi kết thúc sát hạch được nhận bằng tốt nghiệp, đây là giấy thông hành của mỗi binh sĩ tàu ngầm. Sau đó, các binh sĩ được thực tập 2 tháng trên tàu ngầm, do Quân đội Nga đích thân hướng dẫn, họ được nhanh chóng làm quen với thiết bị, môi trường của tàu ngầm, nhanh chóng thích ứng với sinh hoạt trên tàu ngầm.

Tàu ngầm Việt Nam và chiến lược Biển Đông

Báo Trung Quốc cho rằng, năm 2011, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh tuyên bố: "Xây dựng lực lượng tàu ngầm mạnh là một trong những kế hoạch lâu dài của Quân đội Nhân dân Việt Năm trước năm 2020, cơ bản trong 5-6 năm tới, chúng ta sẽ có 1 lữ đoàn tàu ngầm".

Trong khi đó, Việt Nam đối mặt với Trung Quốc trong tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông (Trung Quốc đòi chủ quyền bất hợp pháp đối với các đảo, đá ngầm trong "đường lưỡi bò" trên Biển Đông, gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam).

Theo bài báo, Việt Nam hiện nay kiểm soát 29 hòn đảo trên Biển Đông. Năm 2012, Quốc hội Việt Nam đã thông qua "Luật biển Việt Nam", xác định rõ đường cơ sở lãnh hải, vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các hòn đảo.

Tuy nhiên, mạng sina Trung Quốc lại đi tuyên truyền sai sự thật là các đảo, đá ngầm ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của họ, cho họ là người đã phát hiện và khai thác sớm nhất (?). Bài báo dẫn lại những tuyên bố phi pháp của Trung Quốc về chủ quyền trên Biển Đông hòng đánh lừa dư luận.

"Hố đen đại dương"
"Hố đen đại dương"

Theo bài báo, Việt Nam dốc sức xây dựng, phát triển lực lượng Hải, Không quân không phải là ngẫu nhiên, mà là để bảo đảm cho thực hiện chiến lược biển do Việt Nam đưa ra.

Đại hội lần thứ 11 của Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ rõ, cần tập trung tăng cường xây dựng trang bị cho Hải, Không quân, tàu ngầm lớp Kilo nếu triển khai ở vịnh Cam Ranh sẽ có lợi cho Hải quân Việt Nam kiểm soát và trấn giữ tuyến đường hàng hải quan trọng của Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Đồng thời, vịnh Cam Ranh hướng ra Biển Đông rất gần, có vị trí chiến lược quan trọng.

Theo bài báo, tàu ngầm thông thường là trang bị hải quân được các nước nhỏ trên thế giới theo đuổi, lựa chọn đầu tiên dùng cho chiến thuật "phi đối xứng", trông đợi dùng đầu tư ít để có được khả năng răn đe lớn nhất.

Báo Trung Quốc cho rằng, đối mặt với ưu thế chất lượng và số lượng binh lực liên tục tăng lên của Hải quân Trung Quốc trên Biển Đông, Việt Nam bắt đầu từng bước điều chỉnh chiến lược quân sự ở Biển Đông, tập trung xây dựng chiến trường phía nam Biển Đông, đặc biệt là hướng cửa ra vào eo biển Malacca, xây dựng một "vùng phục kích tàu ngầm".

Có tin cho biết, Việt Nam trở thành nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ ba của Nga
Có tin cho biết, Việt Nam trở thành nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ ba của Nga

Báo TQ cho rằng trong 5-6 năm tới, Việt Nam sẽ có khả năng “phong tỏa cục bộ” cửa ra vào phía đông eo biển Malacca. Một khi xảy ra xung đột vũ trang (...), nếu gặp khó khăn to lớn ở vùng biển phía bắc, Hải quân Việt Nam sẽ phong tỏa tuyến đường hàng hải đi vào eo biển Malacca. Mục tiêu cuối cùng của Hải quân Việt Nam là xây dựng một lực lượng dưới nước trang bị nhiều hơn tàu ngầm tiên tiến do Nga chế tạo, tăng cường khả năng răn đe trên Biển Đông.

Đồng thời, cùng với việc phát triển hải quân, Việt Nam đang rất chủ động nhập khẩu vũ khí không quân từ Nga. Trong 10 năm gần đây, Việt Nam đã tăng mạnh số lượng máy bay chiến đấu thế hệ thứ ba.

Hiện nay, Không quân Việt Nam biên chế 12 máy bay chiến đấu Su-27SK/UBK và 24 máy bay chiến đấu Su-30MK2. Việt Nam và Nga cũng đã đàm phán khởi thảo hợp đồng mua thê 12 máy bay chiến đấu Su-30MK2, tổng trị giá khoảng 600 triệu USD.

Không quân Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường kho vũ khí hàng không của mình cả về số lượng và chất lượng. Động thái mua sắm lớn như vậy là do Việt Nam có tài chính "hùng hậu". - báo TQ suy đoán.

Truyền thông TQ nói rằng, "giá trị sản xuất tài nguyên dầu khí của Việt Nam trên Biển Đông chiếm 30% GDP trở lên. Mỗi năm thu được trên 20 tỷ USD, vì vậy, Việt Nam đã trở thành nước được lợi lớn nhất ở Biển Đông, cũng là nước chủ trương quyền lợi lớn nhất (trước Trung Quốc)".Thực tế đây là các phần lãnh thổ có chủ quyền, bằng chứng lịch sử của Việt Nam, Trung Quốc muốn vơ vào của mình.

Máy bay chiến đấu Su-27 của Không quân Việt Nam
Máy bay chiến đấu Su-27 của Không quân Việt Nam

Báo Trung Quốc coi Nga là “ngư ông đắc lợi”, Nga thống nhất với Trung Quốc trong vấn đề biển Hoa Đông, nhưng áp dụng thái độ hợp tác với Việt Nam trong vấn đề Biển Đông, không chỉ xuất khẩu rất nhiều vũ khí cho Việt Nam (năm 2013 Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ ba của Nga), mà còn tiến hành hợp tác thăm dò, khai thác dầu khí trên Biển Đông với Việt Nam.

Theo bài báo, điều đáng chú ý là, Nga không hề giấu giếm việc hỗ trợ Việt Nam, theo đó, bài báo cho rằng, có ý “nhằm vào Trung Quốc”. Bài báo còn tuyên truyền cho rằng, hiện nay, các nước cũng đang can thiệp vào vấn đề Biển Đông.

Năm 2013, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã thăm Việt Nam và đều cho biết sẽ viện trợ tàu tuần tra cho Cảnh sát biển Việt Nam. Đáp lại, Việt Nam nhất định sẽ tạo thuận lợi hơn cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản ở Biển Đông.

Bài báo cho rằng, điều này đã làm gia tăng sức ép cho Trung Quốc cho bảo vệ cái gọi là "chủ quyền" (bất hợp pháp) của họ trên Biển Đông. Hơn nữa sức ép chiến lược này vượt xa sức ép từ lực lượng tàu ngầm của Việt Nam (mua 6 chiếc của Nga).

Được biết, Nhật Bản sẽ cung cấp tàu tuần tra cho Việt Nam (ảnh minh họa)
Được biết, Nhật Bản sẽ cung cấp tàu tuần tra cho Việt Nam (ảnh minh họa)

Bài báo suy đoán, do các nguyên nhân nói trên, Việt Nam đã mở rộng sức mạnh trên biển, trên không, thông qua vũ khí trang bị để bảo vệ lợi ích trên Biển Đông, mở rộng phạm vi kiểm soát quân sự trên Biển Đông, củng cố các đảo, đá ngầm đang kiểm soát trên Biển Đông.

Đồng thời, hải quân các nước xung quanh đều đang nhanh chóng tiến hành tăng cường sức chiến đấu, tiến tới mở rộng lợi ích mình ở Biển Đông nhằm tranh đoạt điểm cao khống chế trong tranh chấp biển quốc tế, gây sức ép cho cái gọi là "trỗi dậy hòa bình" của Hải quân Trung Quốc.

Theo bài báo, hiện nay, Hải, Không quân Trung Quốc đã sơ bộ xây dựng được hệ thống răn đe trên biển-trên không ở Biển Đông có hiệu quả. Bài báo đe dọa, Việt Nam sẽ không theo kịp trình độ kỹ thuật hải quân với "cụm tấn công tàu sân bay Liêu Ninh" trên Biển Đông, coi cụm tàu sân bay này là một sự bảo đảm "có hiệu quả" để Hải quân Trung Quốc kiểm soát biển Đông, ngăn chặn các sự kiện bất ngờ.

Tàu ngầm Hà Nội sẽ tăng cường năng lực bảo vệ chủ quyền biển đảo cho Việt Nam.
Tàu ngầm Hà Nội sẽ tăng cường năng lực bảo vệ chủ quyền biển đảo cho Việt Nam.

Trên thực tế, khi tham vọng "đường lưỡi bò" đã có tính chất bất hợp pháp thì việc xây dựng, triển khai quân sự có liên quan của Trung Quốc cũng có tính chất bất minh.

Xu thế kiên quyết khẳng định và đòi hỏi chủ quyền bất hợp pháp này cần phải hết sức cảnh giác và có biện pháp ứng phó kịp thời trong mọi tình huống.

Đông Bình