Vọng mãi niềm đau giữa biển Tây... - Kỳ 1:

Thổ Chu - ký ức đau thương

07/01/2014 14:35
Theo Tuổi Trẻ
(GDVN) - Cuộc thảm sát đẫm máu lên tới hơn 500 người dân của ta ở Thổ Chu sao lại ít được nhắc tới trong sách sử quá?

 Hỏi ra mới hay hồi đó chúng lùa dân lên tàu chở đi giết sạch, nhân chứng không còn ai! Có thật là không còn ai? Lần theo những sợi chỉ thông tin mỏng manh, chúng tôi lên đường ra Thổ Chu, rồi từ Thổ Chu đến với một số điểm đảo trên vùng biển Tây Nam. May quá, vẫn còn đó những nhân chứng của cuộc thảm sát dã man ngày ấy sống và kể lại...

Trưa 7-1-1979, thủ đô Phnom Penh của Campuchia được giải phóng. Đêm đó, gia đình ngư dân Tư Sĩ ở hòn Mấu (xã đảo Nam Du, huyện Kiên Hải, Kiên Giang) ngồi quanh chiếc radio nghe bản tin phát đi và vỡ òa niềm vui. Họ tin rằng sẽ được gặp lại những bà con xóm giềng cật ruột từng chung sống trên đảo Thổ Chu bị quân Pol Pot bắt dẫn đi biệt mù tăm tích từ năm 1975 sẽ được trở về. Nhưng không! Không một ai trong số 513 người dân đảo bị bắt đi từ gần bốn năm trước trở lại. Và mãi mãi họ không thể về quê quán nữa. Cuộc thảm sát bi thương hơn 500 sinh mạng cư dân Thổ Chu dường như lâu nay còn ít người biết đến.

Campuchia được giải phóng khỏi chế độ diệt chủng ngày 7-1-1979 - Ảnh tư liệu
Campuchia được giải phóng khỏi chế độ diệt chủng ngày 7-1-1979 - Ảnh tư liệu

Đi tìm nhân chứng

Đầu tháng 5-1975, khi VN vừa bước vào ngày hòa bình thống nhất đầu tiên, những chiếc tàu chở quân Khmer Đỏ ập lên đảo Thổ Chu, nơi có hơn 500 cư dân VN sinh sống bình an từ bao năm. Trước đó, quân đội Sài Gòn trấn giữ đảo đã theo tàu quân sự di tản, trên đảo chỉ còn lại dân. Thổ Chu lại cách xa đất liền hơn 200 cây số nên quân giải phóng chưa kịp ra tiếp quản thì quân đội Khmer Đỏ đã lợi dụng điều này đổ bộ chiếm đóng đảo.

Vài tuần sau, những người dân ở đây bị quân Khmer Đỏ lùa lên tàu đưa về một hòn đảo Campuchia giết chết không còn một ai. Câu chuyện này về sau mới biết được, khi quân đội cách mạng Campuchia và quân tình nguyện VN giải phóng những hòn đảo này. Các anh đã tìm thấy rất nhiều căn cước (chứng minh nhân dân) đề tên của dân Việt. Một cuộc thảm sát người Việt rất kinh hoàng đã xảy ra trên những hòn đảo này dưới tay quân Khmer Đỏ! Hơn 500 dân của đảo chỉ mỗi gia đình ông Tư Sĩ “cao số” may mắn thoát được.

Chuyến công tác của chúng tôi ra quần đảo Thổ Chu cùng với hải quân Vùng 5 gom góp những gì còn lại vào tháng trước để tái hiện phần nào dấu vết câu chuyện bi thương. Nhưng nhân chứng của Thổ Chu những ngày tháng 5-1975 không còn ai sống trên hòn đảo này. Gia đình ông Tư Sĩ lại đang sống tại hòn Mấu, cách Thổ Chu hơn trăm cây số, hải trình của đoàn công tác lại không ghé qua hòn Mấu. Thổ Chu hôm nay xinh đẹp và trù phú, chứng nhân của nỗi đau ngày ấy có chăng là những rặng dừa cao vút san sát vây quanh bãi Ngự. Kết thúc cuộc hành trình trên biển Tây Nam, chúng tôi quyết định sẽ tìm cách ra hòn Mấu để gặp ông Tư Sĩ...

...Chuyến tàu đò Rạch Giá ra Nam Du xuất bến lúc 10 giờ đêm, dông gió mịt mù suốt hải trình. Tàu cập xã đảo Nam Du lúc 4 giờ sáng. Tìm chỗ tá túc đợi mặt trời lên để tìm thuyền đi từ Nam Du qua hòn Mấu. Hòn Mấu chỉ là một đảo nhỏ, may cho chúng tôi, vừa đặt chân lên đảo đã gặp ngay con rể của ông Tư Sĩ. Dắt chúng tôi đến quán cà phê nhỏ trên hòn Mấu, một lão ngư với mái tóc bạc trắng đang ngồi trầm ngâm trước ly cà phê. Ông là Tư Sĩ. Câu chuyện về Thổ Chu dường như đã quá đầy ắp trong tâm trí ông, cứ thế tuôn ra như khơi chạm mạch nguồn.

Ông Tư Sĩ - Ảnh: Quang Vinh
Ông Tư Sĩ - Ảnh: Quang Vinh

Đảo nhỏ, một thuở bình yên...

Quần đảo Thổ Chu nằm ở phía tây nam đảo Phú Quốc và được xem là ở cực tây nam của VN, thuộc xã đảo Thổ Châu, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Nằm cách Rạch Giá 198km, Thổ Chu là đảo lớn nhất trong quần đảo này.

“Tui bất đắc dĩ thành người làm chứng của chuyện này. Chẳng ai muốn rơi vào cảnh sống chết tấc gang ấy cả. Giờ tuổi cũng lớn rồi, kể lại vầy cũng là để sau này con cháu mình biết - ông Tư Sĩ mở đầu câu chuyện - Năm 1971 đó, chế độ cũ bắt lính tơi bời, tui bàn với vợ chắc phải dong thuyền ra đảo Thổ Chu trốn quân dịch. Gửi lại hòn Mấu hai đứa con lớn cho cha mẹ nuôi dưỡng, rồi cùng vợ đưa ba đứa con nhỏ ra đi. Thằng lớn là Nguyễn Văn Toại khi đó 9 tuổi, và hai con gái mới một, hai tuổi chưa biết gì. Tài sản là chiếc ghe 1 tấn, trên ghe là gạo, đường, cuốc xẻng và vài chỉ vàng phòng thân. Lúc tàu nổ máy rời hòn Mấu, tôi không quay đầu nhìn lại, còn vợ tôi dằn lòng mà vẫn khóc nấc khi xa con”.

Lùa bàn tay xương xẩu lên mái tóc bạc phơ, ánh mắt ông Tư Sĩ dường như lấp lánh hơn khi nhớ về miền đất cưu mang vợ chồng ông ngày đó:

“Thuyền nhắm hướng Thổ Chu chạy miết, trưa hôm sau lên đảo, cập thuyền chỗ rặng dừa bãi Ngự đã thấy có năm hộ dân là người miền Trung sinh sống. Sống với nhau trên đảo nên ai cũng tốt bụng, đùm bọc nhau lắm! Họ chỉ dạy tui làm rẫy, khuyên nuôi đồi mồi để bán cho thương lái người Hà Tiên làm giàu. Hai vợ chồng tui khai hoang làm được 1 ha rẫy trồng xoài, trồng dừa, đu đủ... rồi đánh bắt cá và tập tành nghề nuôi đồi mồi. Đêm xuống tui soi đèn đào lỗ trên bãi biển tìm ổ trứng đồi mồi. Lúc đó đồi mồi ở Thổ Chu nhiều lắm. Một ổ đồi mồi nằm dưới cát cho khoảng 200 quả trứng, đem về ấp và xây bồn nuôi. Sau hai năm nuôi, đồi mồi to bằng cái đĩa ba tấc bán với giá mỗi con một chỉ vàng. Tui đã bán 30 con được ba cây vàng, gom tiền mua ximăng, tấm lợp, để chuẩn bị cất nhà gần ngay mốc chủ quyền trên đảo.

Đến năm 1974, chế độ cũ đưa thêm hàng trăm hộ dân ra đảo để khai hoang lập ấp, thành lập chính quyền xã Thổ Châu. Lúc đó trên đảo có một tiểu đội hải quân VN Cộng hòa và một hải đội neo đậu tàu dưới bãi Ngự. Cuộc sống trên đảo bình yên, hai vợ chồng cũng yên tâm làm lụng kiếm sống chờ khi cất được nhà sẽ đưa con từ hòn Mấu ra chung sống. Ngoài việc trồng rẫy, vợ tôi còn mở tiệm may vá và hay giúp người dân trên đảo lúc họ túng thiếu. Cư dân trên đảo sống gắn bó tối lửa tắt đèn có nhau. Mọi người hiểu rằng nơi đảo hoang xa đất liền hàng trăm cây số thì láng giềng sống chết phải có nhau.

Đọc cuốn sách Đời chiến sĩ của đại tướng Phạm Văn Trà, chúng tôi cứ ám ảnh mãi bởi một câu chuyện bi thương nhắc lại trong hồi ký của ông:

“Với tâm trạng rất buồn, anh Ba Trung (phó tư lệnh Quân khu 9, chỉ huy trưởng chiến dịch giải phóng các đảo thuộc vùng biển Tây Nam) truyền đạt nhiệm vụ mà như tâm sự, như giãi bày một phẫn uất: “Tình hình xấu quá rồi. Quân Pol Pot đã chiếm một số đảo của ta hơn một tháng nay. Chúng tàn sát đồng bào ta rất dã man. Được Tư lệnh Quân khu phân công trực tiếp giải quyết tình hình các đảo, vừa rồi tôi đã sử dụng một lực lượng của quân khu, có hải quân tăng cường đổ bộ bí mật lên đảo Thổ Chu, bất ngờ tiêu diệt gọn một tiểu đoàn Pol Pot, bắt 300 tên. Nhưng điều đáng buồn là khi ta giải phóng đảo, quân Pol Pot đã sát hại trên 500 bà con ta sinh sống lâu đời ở đây”. (trang 250)

Theo Tuổi Trẻ