100% mì tôm chứa acid oxalic: Thông tin gây xôn xao nhất tuần qua

13/01/2014 07:46
Bình An (Tổng hợp)
(GDVN) - Những ngày giáp tết, liên tiếp thông tin về thực phẩm bẩn, mất an oàn như mì tôm chứa acid oxalic, giò chả chứa Natri benzoat... khiến người tiêu dùng lo lắng.

100% mẫu mì tôm, măng tươi chứa chất tẩy rửa gây sạn, sỏi thận

Theo công bố của GS-TS Chu Phạm Ngọc Sơn, từ cuối tháng 6 đến ngày 10/12/2013, Cty cổ phần dịch vụ khoa học công nghệ sắc ký Hải Đăng đã tiến hành phân tích 873 các mẫu bún, bánh phở, hủ tiếu; bột nguyên liệu; mì tôm; măng tươi; măng muối; há cảo, nấm mèo, bánh bông lan, bánh cuốn, càrốt, trà... thì phát hiện 363 mẫu (chiếm 41,58%) có axít oxalic rất cao.

Điều đáng nói, trong số đó, qua phân tích 62 mẫu mì tôm (trong nước lẫn nhập khẩu) thì 100% đều có sự hiện diện của axít oxalic với nồng độ khoảng 30,8 - 449mg/kg; 9 mẫu măng tươi thì cả 9 đều có axít oxalic (295 - 3.080mg/kg); 25/26 mẫu măng muối (96,15%) có axít oxalic. Ngoài ra, 35/54 mẫu há cảo, nấm mèo, bánh bông lan, bánh cuốn, càrốt, trà có nồng độ axít oxalic từ 73,5- 293mg/kg... 

“100% sản phẩm mì gói tại Việt Nam chứa chất gây sỏi thận” là thông tin rất sốc đối với người tiêu dùng Việt Nam.
“100% sản phẩm mì gói tại Việt Nam chứa chất gây sỏi thận” là thông tin rất sốc đối với người tiêu dùng Việt Nam.


Bên cạnh đó, theo kết quả giám sát của Cục An toàn thực phẩm (ATTP – Bộ Y tế) cho biết tính đến ngày 19/12/2013 trên tổng số 263 mẫu cho thấy 58 mẫu phát hiện có acid oxalic (chiếm 22,05%), hàm lượng dao động từ 10,7 đến 1809 mg/kg. Chủ yếu phát hiện trong các sản phẩm rau quả tươi, bột mì và một số sản phẩm chế biến từ bột mì (mì gói, mì sợi). 

Trong các mẫu phát hiện acid oxalic có 8 mẫu mì gói có hàm lượng acid oxalic từ 31,9 - 177 mg/kg. Trong đó, 5 mẫu mì gói ngoại của nước ngoài có hàm lượng từ 31,9 - 71,3 mg/kg. Đặc biệt, 1 mẫu bột mì nhập ngoại có hàm lượng acid oxalic là 110 mg/kg. Đồng thời, phát hiện một số mẫu rau củ quả tươi cũng chứa acid oxalic với hàm lượng dao động từ 10,7 - 1809 mg/kg tùy theo chủng loại.

Cũng theo khuyến cáo của Cục ATTP, acid oxalic liều cao có thể gây tử vong. Trong khi đó, bất chấp dư luận dư luận xôn xao, người tiêu dùng hoang mang, lo lắng... dường như các đại gia mì tôm đều "án binh bất động", không có động thái nào giải thích với khách hàng 

Giò chả Minh Hương chứa chất bảo quản vượt mức

Theo báo cáo của Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) thành phố Hà Nội gủi tới Cục An toàn thực phẩm (ATTP - Bộ Y tế) về kết quả kiểm nghiệm mẫu thực phẩm trong đợt 1, phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2014 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Kết quả kiểm tra cho thấy: 12/12 mẫu ô mai đều có hàm lượng chất tạo ngọt và chất bảo quản nằm trong mức giới hạn cho phép; 24/24 mẫu rượu có hàm lượng methanol nằm trong mức giới hạn cho phép;

Tuy nhiên, 2/5 mẫu giò, chả được lấy mẫu tại tại Cơ sở thực phẩm Minh Hương, địa chỉ (39 Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) có hàm lượng Natri benzoat trên 1000mg/kg thực phẩm, vượt quá mức giới hạn cho phép.

Kiểm nghiệm phát hiện giò chả nhiễm độc hại quá mức cho phép. Ảnh minh họa
Kiểm nghiệm phát hiện giò chả nhiễm độc hại quá mức cho phép. Ảnh minh họa

Bắt giữ gần 2.000 hộp mứt làm nhái

Tờ VnExpress đưa tin, lực lượng chức năng Hà Nội vừa kiểm tra và phát hiện Nguyễn Văn Bản (23 tuổi), ở phường Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội), đang làm giả hai nhãn hiệu mứt nổi tiếng ở thủ đô. Nhà chức trách đã thu giữ hơn 1.000 hộp mứt Tết, gần 600 gói mứt sen cùng nhiều nguyên liệu, dụng cụ để sản xuất hàng giả.

Tại cơ quan công an, Bản khai bắt đầu sản xuất mứt giả từ 26/12/2013 đến nay. Bản mua các loại nguyên liệu, bao bì in nhãn mác nhái các cơ sở nổi tiếng để làm hàng giả.

Những ngày qua, nhà chức trách Hà Nội liên tục phát hiện và thu giữ hàng chục tấn bánh kẹo, mứt, ô mai giả và mang nhãn hiệu Trung Quốc. Gần nhất ngày 5/1, cơ quan quản lý thị trường Hà Nội tịch thu 14 tấn mỳ chính và gần 5 tấn ô mai có xuất xứ Trung Quốc trên hai chiếc xe tải vào nội thành.

Tràn lan tinh dầu ngô nhân tạo trên thị trường

Hiện nay trên thị trường bán tràn lan sản phẩm tinh dầu ngô có nhãn hiệu Mỹ Linh nhưng không rõ địa chỉ, thành phần và hạn sử dụng. Trong khi đó, chai này có màu vàng và mùi hương của ngô non. Chỉ cần một ít tinh dầu này đã có thể pha được nhiều cốc sữa ngô bán cho khách hàng.

Tuy nhiên, ở góc độ chuyên gia về tinh dầu ngô, PGS.TS Trần Huy Thái, phó viện trưởng Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật cho hay, cây ngô không phải là loại cây dùng để khai thác tinh dầu. Mùi của ngô cũng không phải mùi thơm đặc trưng nên không được sử dụng để chiết xuất tinh dầu. Không những thế, cây ngô không có tinh dầu, nếu có cũng dạng vết nên khó có thể tách chiết ra những chai tinh dầu bán tràn lan trên thị trường.

Chai tinh dầu này có thể pha được nhiều cốc sữa ngô giúp người bán lãi gấp 3 lần khi sử dụng nguyên liệu thông thường.
Chai tinh dầu này có thể pha được nhiều cốc sữa ngô giúp người bán lãi gấp 3 lần khi sử dụng nguyên liệu thông thường.

Ở phương diện khác, PGS.TS Trần Minh Hợi, phòng tài nguyên thực vật, Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật, bản chất tinh dầu có hai loại là tinh dầu tự nhiên và tinh dầu nhân tạo. Tinh dầu tự nhiên được chiết xuất từ các loại cây cho dầu. Còn tinh dầu nhân tạo được pha bởi các dung môi hóa chất và hương liệu tạo nên hương thơm tổng hợp tựa như mùi hương tự nhiên. Khi sử dụng tinh dầu nhân tạo có nhiều nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe hơn tinh dầu tự nhiên.

Thận trọng hoa quả sấy khô nhiễm chì
Thời điểm giáp Tết là dịp các loại ô mai, trái cây sấy khô được nhiều cơ sở, doanh nghiệp sản xuất tung ra thị trường phục vụ nhu cầu ăn chơi Tết của người dân. Tại các siêu thị lớn ở Hà Nội, các mặt hàng này cũng chỉ được đóng gọi mà không có tem, nhãn mác, nhà sản xuất cụ thể.
Theo khảo sát tại chợ Đồng Xuân - một đầu mối chuyên cung cấp hàng hoá bán buôn cho các tỉnh phía Bắc - vào bất cứ sạp đồ khô nào đều thấy các loại hoa quả sấy khô được bày bán tràn lan. Các mặt hàng phổ biến như mơ, xí muội, nho, táo, hạt sen, long nhãn, nho khô, táo sấy
Các chuyên gia cho biết, nếu lượng chì tồn tại trong cơ thể quá cao sẽ gây tổn thương gan, thận, não, tủy xương, dây thần kinh... Tùy theo lượng chì đưa vào cơ thể mà có thể gây ngộ độc cấp tính hoặc mãn tính.

Chì nhiễm vào máu sẽ gây thiếu máu, suy dinh dưỡng. Nhiễm vào xương gây ngộ độc xương làm xương không phát triển vì không có khả năng tổng hợp các chất canxi trong máu.

Hoa quả sấy được bày bán ở các chợ không nhãn mác, bao bì.
Hoa quả sấy được bày bán ở các chợ không nhãn mác, bao bì.
Vịt cao su chứa phụ gia cực độc tràn lan tại Việt Nam
Những chú vịt cao su được đựng trong túi nilon, túi cước không có nhãn mác, xuất xứ. Mỗi túi gồm 10 con trở lên loại nhỏ, giá 5000 đồng/ con, loại to hơn thì giá dao động từ 8000 – 10.000 đồng/con.
Theo quan sát, những con vịt này đều được làm từ cao su, khi mở túi nilon có mùi hắc, khó chịu. Đặc biệt, nếu người mua trực tiếp sờ tay vào con vật sẽ cảm giác như chúng được phủ lớp phấn.

Cơ quan chức năng đã phát hiện sản phẩm này chứa đến 21% phthalate (DEHP). Đây là chất phụ gia cực độc gây ung thư, dậy thì sớm và biến dị thường được dùng trong các sản phẩm nhựa.

Sản phẩm bày bán tràn lan không nhãn mác, xuất xứ...
Sản phẩm bày bán tràn lan không nhãn mác, xuất xứ...

Bóng bơm hơi Trung Quốc nhiễm chất gây ung thư

Tờ Chất lượng Việt Nam dẫn lời ông Trần Văn Xiêm, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa miền Nam, cho biết kết quả kiểm nghiệm của Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 về mẫu đồ chơi trẻ em bóng bơm hơi xuất xứ Trung Quốc đã phát hiện độc chất phthalate (DEHP) cao hơn 400 lần mức cho phép.

Đề cập về vấn đề độc hại từ loại đồ chơi phổ biến này, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm, ĐH Bách Khoa cho biết, Chất DEHP (Diethylhexyl phthalate) là một chất gây ung thư, có khả năng làm suy giảm sự phát triển của bộ phận sinh dục nam, khiến cho cơ quan sinh sản của nam giới bị teo lại. 

Bóng bơm hơi Trung Quốc chứa chất độc hại đặc biệt nguy hiểm cho người sử dụng.
Bóng bơm hơi Trung Quốc chứa chất độc hại đặc biệt nguy hiểm cho người sử dụng.

Những phụ nữ bị nhiễm Phthalates trong máu cao, nếu sinh con trai, em bé sẽ bị bất thường ở cơ quan sinh dục. (Ví dụ: tinh hoàn và bộ phận sinh dục nhỏ, khoảng cách giữa cơ quan sinh dục và hậu môn ngắn hơn bình thường...). DEHP còn gây ra những ngộ độc cấp tính có thể gây tử vong./.

Bình An (Tổng hợp)