Sở GD&ĐT Quảng Trị: Đề ra chỉ tiêu xếp loại để ngăn ngừa thành tích?

14/01/2014 17:10
Xuân Trung
(GDVN) - Các đơn vị thuộc Sở trong quá trình xếp loại tháng, học kỳ, năm phải theo tỷ lệ: Xuất sắc không quá 30%, trung bình, kém không dưới 10%, còn lại Khá.

Những ngày qua, trên mạng xã hội xuất hiện một công văn số 2242 về việc đánh giá, xếp loại đối với CBGVNV của Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị. Trong văn bản đề ngày 16/12/2013 gửi về các Phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị trực thuộc Sở (gọi chung là đơn vị) về việc thực hiện quy định trên có những quy định khiến nhiều người thắc mắc.

Trước đó, ngày 18/9/2013 Sở GD&ĐT Quảng Trị  đã có văn bản hướng dẫn số 1629 về việc thực hiện điểm nhấn năm 2013, trong đó yêu cầu các đơn vị tổ chức đánh giá, xếp loại CBGVNV  trên cơ sở chuẩn xếp loại của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, qua theo dõi, tổng hợp báo cáo từ các đơn vị nhận thấy, nhiều đơn vị thực hiện việc đánh giá chưa thực chất, tỷ lệ xếp loại các mặt giữa các đơn vị không đồng đều, chưa đảm bảo công bằng.

Đánh giá, xếp loại giáo viên cần thực chất. Ảnh minh họa
Đánh giá, xếp loại giáo viên cần thực chất. Ảnh minh họa

Do vậy, Sở GD&ĐT Quảng Trị đã đề ra một tỷ lệ cố định đối với các đơn vị nêu trên, yêu cầu thực hiện đúng như chỉ đạo. 

Ngay lập tức, trên mạng xã hội rất nhiều người đặt câu hỏi: “Đây là sự thật sao? Một bình luận đã nêu: “Vô lý đến cùng cực. Người có năng lực thật sự không ai đủ khả năng soạn ra cái này”. Có những người nửa mừng, nửa lo: Đọc đoạn đầu thấy mừng, đọc đoạn sau...thất vọng! "Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược "…

Nhiều người cũng hoài nghi về công văn này, không biết có phải quy định của Sở GD&ĐT tỉnh mình hay không? Để xác minh sự việc, chúng tôi đã liên hệ với ông Hoàng Đức Thắm, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị. Ông Thắm thừa nhận, có quy định này.

Lý do có quy định này được ông Thắm đưa ra là, hiện nay Sở đang tiến hành xếp loại giáo viên hàng tháng, và qua mấy tháng (từ tháng 9, 10, 11)  các trường làm rất hình thức, chỉ xếp loại xuất sắc và khá, không có giáo viên xếp loại trung bình, yếu kém.

“Tôi thấy cơ sở, đơn vị làm như vậy là hình thức nên có bàn và thống nhất đi đến cách như trên. Tuy nhiên, tỷ lệ xếp loại này cũng là tương đối, nhưng nếu không có quy định về tỷ lệ như vậy thì các trường làm qua loa và việc xếp loại hàng tháng không có tác dụng” ông Thắm cho hay. 

Cũng theo ông Thắm, tỷ lệ này cũng không để phản án năng lực, đạo đức của giáo viên, vì trong bó đũa cũng có chiếc ngắn chiếc dài nên mới có phân loại như vậy. Ông Thắm cho biết, ông đang đi kiểm tra vấn đề này. 

Lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị cũng khẳng định, quy định như vậy để các trường bình xét với nhau cho khách quan, tuy nhiên có những trường chất lượng giáo viên đồng đều thì tỷ lệ này cũng không cứng nhắc, vẫn co giãn được. Theo ông Thắm, nếu để cho giáo viên trong tổ tự đánh giá, bình xét với nhau, xếp loại thường hay nể nang sẽ thường là xếp một loại: Xuất sắc.

Thông tin với chúng tôi, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị cũng cho hay, đây là năm đầu tiên Sở thực hiện quy định này, trong quá trình làm thí điểm, sẽ tiếp thu ý kiến dư luận và sẽ có điều chỉnh cho phù hợp với thực tế hơn. Vì theo ông Thắm, nếu quá dễ dãi các cấp cơ sở chỉ xếp một loại là khá hoặc giỏi mà thôi. 

Trước câu hỏi, liệu Sở đưa ra một tỷ lệ như vậy có khách quan không khi chất lượng giáo viên từng vùng miền có khác nhau? Ông Thắm cho hay, ông cũng cũng đang phân vân điều này, vì trường có chất lượng giáo viên đồng đều thì chất lượng sẽ tăng. Cũng đang trong thời gian thí điểm để xem dư luận có ý kiến gì không?

Nhiều ý kiến cho rằng liệu đây có phải là chạy theo thành tích? Ông Thắm khẳng định, đây là việc làm không chạy theo thành tích, vì nếu theo thành tích thì sẽ chỉ chạy theo Khá, Giỏi. Việc này chính là ngăn ngừa bệnh thành tích.
Xuân Trung