Hiến pháp của nhân dân

01/02/2014 07:24
Theo Nguyễn Tuấn./ Tiền Phong
(GDVN) - GS, TS Trần Ngọc Đường khẳng định: Bản Hiến pháp được xây dựng trong không khí mở cửa và hội nhập. Tư duy pháp lý mới có điều kiện ra đời đã được thể hiện.

Chứa đựng nhiều tư tưởng, quan điểm mới

Là người tham gia vào quá trình soạn thảo, Dự thảo sửa đổi  Hiến pháp 1992, Giáo sư  đánh giá thế nào về giá trị của bản Hiến pháp vừa được Quốc hội thông qua?

Sửa đổi Hiến pháp lần này diễn ra trong điều kiện nước ta đã trải qua gần 30 năm đổi mới. Trong không khí hội nhập, mở cửa, chúng ta không còn đóng khung vào những tư duy chính trị pháp lý của CNXH hiện thực trước đây, mà có điều kiện tìm hiểu kinh nghiệm của nhân loại về xây dựng Hiến pháp cả về nội dung lẫn kỹ thuật lập hiến. Những người trực tiếp làm biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp như chúng tôi cũng nhận thức sâu sắc hơn về bản chất, vai trò, chức năng của Hiến pháp trong xây dựng một nhà nước dân chủ và pháp quyền.

Giáo sư Trần Ngọc Đường, Thường trực Ban biên tập dự thảo sửa đổi hiến pháp (ảnh Internet).

Giáo sư Trần Ngọc Đường, Thường trực Ban biên tập dự thảo sửa đổi hiến pháp (ảnh Internet).

Giá trị ghi nhận của văn bản Hiến pháp lần này có tính ổn định tương đối dài hơn, đáp ứng được nhu cầu và phù hợp với tình hình phát triển của đất nước ta hiện nay và trong tương lai. Bản Hiến pháp cũng đảm bảo chính trị pháp lý vững chắc để chúng ta bước vào thời kỳ mới. Từ đó, chúng ta tiếp tục cải cách, đổi mới về bộ máy nhà nước, tổ chức quyền lực và phát huy dân chủ.

Thưa Giáo sư, so với Hiến pháp vừa được Quốc hội thông qua có những điểm gì đáng chú ý?

Về tổng thể bản Hiến pháp vừa được Quốc hội thông qua có nhiều điểm mới cả về nội dung lẫn kỹ thuật lập hiến. Trong đó điểm mới quan trọng là chủ quyền nhân dân được nhận thức sâu sắc và thể hiện đầy đủ, xuyên suốt, thống nhất trong toàn bộ Hiến pháp.

Chủ quyền nhân dân được thể hiện từ Lời nói đầu khi khẳng định “nhân dân Việt Nam xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp này”. Trước đây, Hiến pháp 1992 ghi nhận nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước của mình thông qua các cơ quan đại diện là Quốc hội  và HĐND, nay Hiến pháp bổ sung thêm nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp.

Tư duy đề cao chủ quyền nhân dân được thể hiện xuyên suốt tại các điều khác của Hiến pháp. Điều 4 Hiến pháp tiếp tục khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo của nhà nước  nhân dân và xã hội, nhưng bổ sung nội dung “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”. Điều 9 nói về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần này cũng có điểm mới khi đề cao và xác nhận vai trò giám sát và phản biện  xã hội của mặt trận, đó cũng chính là đề cao nhân dân. Những chương về Quốc hội, chính phủ, Tòa án, Chính quyền địa phương cũng thấm nhuần tư tưởng đề cao nhân tố con người.

Tôn trọng và bảo vệ quyền con người 

Hiến pháp 1992 sửa đổi đưa chương trình quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân từ chương VI lên chương II, việc này thể hiện điều gì thưa Giáo sư?

Đưa lên chương II không phải sự dịch chuyển vị trí một cách đơn thuần mà nó thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng và nhà nước ta là đề cao con người. Tư duy nhân dân là chủ thể quyền lực của nhà nước, xem con người là động lực của sự phát triển. Không quan niệm nhân dân là chủ thể đưa chương trình này lên vị trí thứ hai. Bởi nhân dân là chủ thể của quyền lập hiến nên quy định nhân dân có quyền gì trước, sau đó mới ủy quyền, giao quyền gì cho nhà nước ở chương sau. Thừa nhận khái niệm quyền con người cho nên đã mở ra tư duy mới lập hiến so với Hiến pháp 1992.

Chương II, Hiến pháp (sửa đổi) phân biệt con người và quyền công dân mà Hiến pháp 1992 chưa phân biệt được. Đồng thời quy định quyền con người , quyền công dân một cách đầy đủ, chính xác có tính khả thi và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Nhà nước ta ký kết hoặc thừa nhận.Một điểm rất mới nữa là lần này Hiến pháp xác định rõ quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế trong trườgn hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng theo quy định của luật.

ở bản Hiến pháp này, quyền con người là quyền tự nhiên vốn có của con người, do đó, nhà nước thừa nhận. Hơn nữa, nhà nước phải tôn trọng, cao hơn nữa là bảo vệ và đảm bảo cho các quyền đó được thực hiện.

các quy định về quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp 1992 sửa đổi đã phù hợp với Công ước quốc tế mà Nhà nước ta là thành viên. Trước đây, luật trong nước một đằng, luật quốc tế một nẻo, không thống nhất, không phù hợp nhau. Lần này chúng ta đã nghiên cứu rất kỹ khi chúng ta là thành viên, phải thể hiện sao thống nhất và phù hợp.

Tuy nhiên, vẫn còn ý kiến cho rằng, Hiến pháp (sửa đổi) chưa được kỳ vọng?

kỳ vọng thì rất nhiều, ngay bản thân tôi cũng có những mong muốn, kỳ vọng riêng. Cụ thể, tôi mong có thêm một cơ chế bảo vệ Hiến pháp có tính độc lập như nghị quyết của Đảng đề ra.

Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng mong muốn cũng phải phù hợp với thực tiễn  của Việt Nam, của thế giới. Nhiều khi mong muốn lại thoát ly thực tiễn, mong muốn cũng chủ quan. Đối chiếu với những quy định Hiến pháp với thực tiễn Việt Nam, tôi nhận thấy về cơ bản là phù hợp. Với đặc thù của hệ thống chính trị, kinh tế- Xã hội thì mong muốn đó cũng chỉ nằm trên giấy, không khả thi. Việc xây dựng Hiến pháp phải xuất phát từ thực tiễn.

Xin cảm ơn Giáo sư.

Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo: Mở ra cơ chế để nhân dân phúc quyết Hiến pháp. Điểm  nổi bật, tiến bộ nhất của Hiến pháp mới về tư tưởng về chủ nghĩa lập hiến hiện đại, tức là xây dựng hiến pháp là công việc của nhân dân. Nhân dân không chỉ trao quyền cho Nhà nước mà ngược lại, Nhà nước cũng phải có nghĩa vụ tôn trọng bảo vệ quyền con người, quyền cơ bản của nhân dân. 

Ngay tại điều 2 Hiến pháp khẳng định “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân”. Nhân dân là người làm chủ nhà nước, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân. Đồng thời, bộ máy Nhà nước phải được tổ chức để có sự kiểm soát quyền lực, tránh lạm quyền, tha hóa quyền lực. Theo đó, quyền lực nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Trong quá trình lấy ý kiến nhân dân, thảo luận tại Quốc hội có ý kiến mong muốn Hiến pháp quy định chế định bảo vệ Hiến pháp độc lập (Hội đồng hiến pháp). Quan điểm của Đảng ta cũng yêu cầu phải nghiên cứu, tìm một cơ chế bảo vệ hiến pháp có hiệu quả, bởi hiến pháp là đạo luật thiêng liêng , một văn bản chính trị - pháp lý có giá trị cao nhất. Tuy nhiê, với nguyên tắc chỉ sửa những vấn đề đã rõ nhưng chưa đạt đồng thuận cao thì chưa trách như các dự thảo trước đó. Theo hiến pháp mới, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dâ, các cơ quan khác của nhà nước và toàn thể nhân dân có trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp. “Mọi hành vi vi phạm Hiến pháp đều bị xử lý”.

Việc sửa đổi Hiến pháp lần này cũng mở ra cơ chế mới đó là trưng cầu dân ý để phúc quyết Hiến pháp. Phúc quyết về bản chất cũng là để nhân dân thể hiện quyền lực, trí tuệ của mình trong việc xây dựng hiến pháp. Điều 120 quy định “Việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp do Quốc hội quyết định”.

Theo Nguyễn Tuấn./ Tiền Phong