“Nhiều cán bộ dòng đời mới chỉ xô nhẹ cũng đã đổ”

23/01/2014 07:33
VIẾT CƯỜNG
(GDVN) - “Tôi thấy có nhiều anh dòng đời mới chỉ xô nhẹ cũng đã đổ rồi. Vậy, anh tha hóa, biến chất là do chính bản thân anh mà thôi”.

Qua những kỳ họp Quốc hội, dư luận đánh giá nhiều Đại biểu chất vấn dường như cho “có lệ”, thiếu đi sâu vào thực tiễn nên người được trả lời chất vấn trả lời cũng được mà không trả lời thì cũng…không sao.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, một người từng là Đại biểu Quốc hội “nổi tiếng” với những phát ngôn châm ngòi, xốc dậy và hâm nóng hội trường nhất là ở những phiên chất vấn và trả lời chất vấn cũng thừa nhận “quả là có việc như vậy”.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước

Theo ông có hai nguyên nhân. Một là do những đại biểu đó chưa đủ tầm, chưa chịu nghiên cứu, tìm hiểu sâu về những vấn đề sẽ hỏi.

Lí do thứ hai là họ bị phụ thuộc hoặc lo sợ sẽ bị chính người được chất vấn “để ý” nên hạn chế hỏi những câu “hóc búa”.

Từ đó Tướng Thước đưa ra giải pháp, nên hạn chế chức danh Đảng, Nhà nước đối với một số đại biểu để họ có quyền độc lập.

“Lấy ví dụ như một ông Giám đốc sở Y tế của tỉnh trúng cử Đại biểu Quốc hội. Đến lúc chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế, chắc hẳn ông này cũng không dám phát biểu mạnh vì dù sao vẫn dưới cấp, phụ thuộc nhiều vào Bộ trưởng. Hỏi những câu bình thường thì không sao. Nhưng hỏi câu “gai góc” thì không ổn rồi” – Tướng Thước nhận định.

Điều này ở quốc hội khoa 9, Tướng Thước cũng đã đưa ra quan điểm trên. Ông cho rằng, đôi khi các đại biểu biết “cấp trên có vấn đề” nhưng không dám nói. Nói ra chưa biết hậu quả sẽ như thế nào rồi sau này muốn xin gì cũng khó.

“Nhiều vị đại biểu lo lắng như thế. Còn riêng tôi, thấy gì bức xúc là phải phát biểu ngay, kể cả ngày mai “về vườn” – Tướng Thước mạnh dạn nói.

Theo ông, những vị đại biểu thường có câu chất vấn “hóc búa” nhiều người cũng không ưa. Trừ nhân dân (ông cười).

Tướng Thước từng là một tư lệnh quân khu, trực tiếp tham gia chỉ huy nhiều chiến dịch lớn trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Trong những trận sinh tử vởi kẻ thù, nhiều phen “suýt chết” nên khi hòa bình dường như chẳng có gì khiến ông phải sợ hãi.

Ông kể, trong những kỳ họp Quốc hội, thấy ông phát biểu nhiều, phát biểu “liều”, một số người bảo ông này sao nói lắm thế. Mỗi lần nghe “anh em” chê vậy, ông rất thẳng thắn: “Đế quốc Mỹ tôi còn chả sợ thì tôi sợ gì ai”.

Với ông, điều duy nhất làm ông sợ hãi chính là sợ mình hư. Ông dẫn lại điều răn dạy trong đạo Phật: “Kẻ thù lớn nhất của đời người chính là mình”.

Ông nói: “Nhiều anh khi sa ngã hay đổ cho “dòng đời xô đẩy”. Không thể đổ lỗi như vậy được. Tôi thấy có anh dòng đời mới chỉ xô nhẹ cũng đã đổ rồi. Vậy, anh tha hóa, biến chất là do chính bản thân anh mà thôi”.

“Dẫu cho "dòng đời" thay đổi nhưng mình phải cố giữ được nhân cách tốt, trở thành những người tử tế, có ích cho gia đình, cho đất nước. Các cán bộ Đảng, Nhà nước càng cần phải vững vàng trước những cám dỗ của xã hội” – Tướng Thước nói./.

VIẾT CƯỜNG