Bóng đá Việt Nam: Bao giờ cho xứng chữ "chuyên"?

13/09/2011 07:20
Thanh Phong
(GDVN) - Tôi là CĐV nhiệt thành của bóng đá VN nhiều năm qua và vẫn luôn canh cánh một câu hỏi: Khi nào V-League thật sự lên “chuyên”?
Lời tòa soạn: Sau khi bầu Kiên có bài phát biểu thẳng thắn, đầy tâm huyết tại hội nghị tổng kết mùa giải 2011, báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được rất nhiều email của độc giả phân tích, mổ xẻ những sai sót, bất cập của V-League về vấn đề trọng tài, bạo lực, nạn mua bán điểm, diễn kịch… Báo Giáo dục Việt Nam sẽ lần lượt đăng tải những ý kiến này để tạo ra một diễn đàn cho người hâm mộ bóng đá Việt Nam. Sau bài viết của bạn đọc Vũ Hoàng Việt, Bạn đọc Thanh Phong (Hai Bà Trưng - Hà Nội) tiếp tục gửi những dòng tâm huyết về cho tòa soạn.

Tôi là một CĐV nhiệt thành của bóng đá Việt Nam đã nhiều năm qua. Trải qua bao mùa giải V-League kể từ lúc nó được “gắn mác” lên chuyên, tôi vẫn luôn canh cánh trong lòng một câu hỏi. Khi nào thì “nó” thật sự lên “chuyên” thế?

Quả thực đó là một câu hỏi khó mà có lẽ cho đến nay dù V-League đã qua 11 “tuổi xuân” nhưng tôi vẫn chưa thấy thực sự thỏa lòng với mong ước được chứng kiến một giải đấu văn minh, chuyên nghiệp theo đúng nghĩa của nó. Năm nào cũng có những vết đen tồn đọng mà chưa được giải quyết triệt để. Tôi nhớ ngày còn nhỏ, theo chân ông đi xem những trận đấu ở giải hạng Nhất những năm 90, nó hân hoan và náo nhiệt ra sao thì bây giờ lại tẻ nhạt và đìu hiu đến lạ.

Những năm tháng không thể nào quên

Tôi còn nhớ mỗi khi Công an Hà Nội và CLB Quân đội thi đấu vào những năm cuối thập niên 90 luôn thu hút được sự chú ý và quan tâm đặc biệt của người hâm mộ Hà thành. Hồi đó, mua được một tấm vé vào sân Hàng Đẫy hay Cột Cờ để xem các cầu thủ thi đấu hai đội thi đấu quả là một điều may mắn. Trước mỗi trận đấu diễn ra, cả thành phố như mở hội, người hâm mộ đổ đến SVĐ và phải xếp hàng dài hoặc chen lấn mới mua một tấm vé. Ngày đó, được vào sân xemThành Tôn, Lã Xuân Thắng, Nguyễn Minh Hiếu… đối đầu với Hồng Sơn, Việt Hoàng, Quang Hà… trong những trận đấu đỉnh cao quả là một niềm hạnh phúc lớn lao.
Khán giả đến sân trong một trận đấu giữa Nam Định và HAGL năm 2003 - Ảnh: Quang Minh
Khán giả đến sân trong một trận đấu giữa Nam Định và HAGL năm 2003 - Ảnh: Quang Minh

Ấy vậy mà, sau hơn 10 năm mọi thứ đã đổi khác. Chứng kiến những khán đài thưa thớt khán giả, người dân thờ ơ với trái bóng tròn mà tôi không khỏi chạnh lòng. Chẳng lẽ sau bao nhiêu năm đổi mới, cải cách mà giải VĐQG Việt Nam vẫn chưa đi lên, chưa chuyển mình hay là bởi người hâm mộ giờ đây đã không còn quan tâm đến bóng đá như trước?

Không phải! Người hâm mộ vẫn rất quan tâm đến bóng đá. Tôi nghĩ vậy, bởi chính cá nhân tôi vẫn luôn quan tâm V.League, những câu chuyện giữa tôi với đám bạn mỗi khi lê la vỉa hè cũng vẫn chỉ bóng đá là nhiều. Thế nhưng càng ngày, người hâm mộ càng ít đến sân là vì sao? Vì những trận bóng đá ngày nay đã không còn quá hấp dẫn như trước. Bạo lực, tiêu cực xảy ra ngày càng nhiều làm những người hâm mộ chân chính ngán ngẩm. Nói thật, có những trận đấu, chúng tôi ngồi nhà cũng đã đoán trước được đội nào sẽ giành phần thắng. Vậy chúng tôi đến sân xem để làm gì?
Bạo lực sân cỏ vẫn chưa thể kiểm soát.
Bạo lực sân cỏ vẫn chưa thể kiểm soát.

Ngày nay, cầu thủ kiếm tiền dễ và nhanh lắm. Chứ ngày xưa, những cầu thủ được cả nước mến mộ như Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Văn Sỹ Hùng… đâu có được đãi ngộ tốt như ngày nay nhưng ra sân vẫn luôn thi đấu hết mình với tinh thần vì màu cờ sắc áo đó thôi.

Vậy nguyên nhân do đâu? Tại sao đã hơn chục năm bóng đá Việt Nam lên chuyên nghiệp rồi nhưng càng ngày khán giả đến sân càng ít mà đó số người tẩy chay, quay lưng với giải đấu thì lại càng tăng. Muốn được chứng kiến không khí sục sôi khi ‘Gạch’ và ‘Gỗ’ gặp nhau giờ khó lắm. V-League giờ tiêu cực xảy ra ngày càng nhiều, các CLB vung tiền để đua chức vô địch khiến giá cầu thủ trên thị trường chuyển nhượng tăng cao không thể kiểm soát, trọng tài tiêu cực, bạo lực sân cỏ hoành hành, CĐV làm loạn… Cái “mác” giải đấu số một Đông Nam Á mà người đã đã gắn cho V-League giờ đây đã đến lúc nên xem lại.

VFF cần cải tổ

Những những tồn đọng, nhức nhối như một “khối u” trong suốt nhiều năm phát triển qua vẫn chưa được VFF và BTC “cắt bỏ”. Công tác tổ chức lỏng lẻo, lãnh đạo chưa làm hết trách nhiệm, những vấn đề nổi cộm như công tác trọng tài, an ninh, bạo lực sân cỏ hay tiêu cực vẫn chưa được xử lý triệt để. Lãnh đạo VFF và BTC giải làm việc còn chưa đến nơi đến chốn, không dám thẳng thắn nhìn nhận vấn đề.
VFF cần cải tổ bộ máy lãnh đạo.
VFF cần cải tổ bộ máy lãnh đạo.

Hôm trước, tôi nghe phát biểu của ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) mà hả lòng hả dạ. Ông nói đúng lắm, nói đúng vào thực trạng tồn đọng của V-League mùa giải qua. Nó như một “vết nhơ” mà nếu không kịp thời “gột sạch” thì sẽ chẳng có ông bầu nào dám tiếp tục gắn bó với bóng đá nữa. Hiếm khi nào có một vị lãnh đạo CLB dám nói thẳng, nói thật, nói đúng vấn đề như ông bầu Kiên. Ngày trước tôi cũng có thấy ông Đoàn Nguyên Đức đăng đàn phát biểu về công tác điều hành, tổ chức giải còn nhiều yếu kém của VFF và BTC giải, thế nhưng đến nay những kiến nghị của bầu Đức vẫn chưa được xử lý triệt để. Nó làm đã ông Đức nhức nhối đến độ phát chán không thèm đếm xỉa gì nữa.

Những nhà lãnh đạo trong VFF cần dũng cảm nhìn nhận vấn đề. Nếu không hoàn thành nhiệm vụ thì nên tự động xin rút lui để những con người khác có năng lực lên thay thế. Tôi thiết nghĩ, VFF cần phải làm một cuộc “đại phẫu” để cắt bỏ những “u nhọt” đang đeo bám mình trong suốt những năm qua. VFF không được bao che hay biện minh cho những sai phạm, hạn chế của mình về công tác tổ chức giải đấu.
Bầu Kiên nói rất trúng ý người hâm mộ.
Bầu Kiên nói rất trúng ý người hâm mộ.

Việc cấm vĩnh viễn hai trọng tài Trọng và Quyết mới chỉ những biện pháp xử lý nhỏ lẻ, chưa triệt để. Điều chúng tôi cần là một cuộc “đại phẫu” toàn bộ bộ máy VFF. Những ai không đủ năng lực để tiếp tục công việc nên xin rút lui. Tôi hoàn toàn ủng hộ những phát biểu và đóng góp thẳng thắn của bầu Kiên, ông Dũng và càng mong có thêm nhiều sự đóng góp thẳng thắn khác của lãnh đạo các CLB và các ban ngành liên quan để sớm xử lý triệt để những sai sót của BTC giải nhằm đưa giải đấu đến với 2 chữ “chuyên nghiệp” đúng nghĩa. Đó mới là những điều những người hâm mộ bóng đá chúng tôi thực sự cần vì một tương lai bóng đá Việt Nam.

* Bạn yêu thích bóng đá Việt Nam và quan tâm, trăn trở tới những vấn đề tồn tại của bóng đá Việt? Theo bạn, ý tưởng thành lập Super Liga có khả thi không và nếu giải đấu được thành lập, bạn có đến sân để ủng hộ giải đấu? Hãy gửi ý kiến đóng góp, bình luận của bạn để giúp bóng đá Việt Nam phát triển qua hộp thảo luận ở cuối bài (Gõ tiếng Việt có dấu)! Trân trọng!
Thanh Phong