Tiết lộ sốc về "Ngày hội mua nhà giá gốc"

13/09/2011 16:21
Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS, Hiệp hội BĐS VN... đã chính thức phủ nhận sự liên quan của họ tới chương trình "Ngày hội mua nhà giá gốc".

Mặc dù ban tổ chức Ngày hội mua nhà giá gốc công bố tại họp báo rằng có sự tham gia của nhiều cơ quan quản lý, tổ chức xã hội uy tín nhưng một số đơn vị như Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS, Hiệp hội BĐS VN... đã chính thức lên tiếng phủ nhận sự liên quan của họ tới chương trình này.

Mượn danh ban ngành chức năng

Trong tài liệu thông cáo báo chí, trao đổi tại cuộc họp báo lần 1 hôm 7/9 - công bố sự kiện Ngày hội mua nhà giá gốc, cũng như trên website giới thiệu sự kiện của mình từ thời điểm ngày 12/9 trở về trước, đơn vị trực tiếp tổ chức sự kiện là Công ty CP Truyền thông Asean C&C đều dẫn tên và góc độ tham gia của một loạt cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội nghề nghiệp có uy tín trong lĩnh vực.

Khái niệm nhà giá gốc là khái niệm đánh vào tâm lý - giá gốc là giá do chủ đầu tư đưa ra, người mua không phải qua một kênh trung gian, môi giới nào cả, thì đấy là cái tạo ra sự nhầm lẫn.
Khái niệm nhà giá gốc là khái niệm đánh vào tâm lý - giá gốc là giá do chủ đầu tư đưa ra, người mua không phải qua một kênh trung gian, môi giới nào cả, thì đấy là cái tạo ra sự nhầm lẫn.

Cụ thể ở vai trò chỉ đạo tổ chức sự kiện Ngày hội mua nhà giá gốc, thì có được sự tham gia của Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng, Văn phòng Ban chỉ đạo TW về Chính sách nhà ở và thị trường bất động sản.

Ở góc độ bảo trợ cho chương trình thì có Hiệp hội Bất động sản VN, Hiệp hội các nhà thầu xây dựng VN, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng VN...

Tuy nhiên, sau một thời gian "định thần" thì các ban ngành, tổ chức hội nêu trên đã chính thức lên tiếng.

Trao đổi với PV hôm 12/9, ông Nguyễn Mạnh Hà - Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản khẳng định, Cục không biết chuyện này, bây giờ mới nghe thông tin. Trong ngày 13/9, Cục sẽ báo cáo và làm việc với Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

Một nguồn tin khác từ Bộ Xây dựng cũng khẳng định, việc đơn vị tổ chức tự ý đưa hai đơn vị là Cục Quản lý nhà và Văn phòng Ban chỉ đạo về Chính sách nhà ở và thị trường bất động sản trực thuộc Bộ Xây dựng vào tham gia với tư cách chỉ đạo chương trình là một sự "tự ý", "nhận vơ", "giả vờ" và "bịa đặt".

Trên thực tế, cho đến nay hai cơ quan quản lý chuyên trách kể trên cũng chưa hề có văn bản nào liên quan đến đồng ý, chỉ đạo chương trình.

"Các cơ quan này không hề tham gia vào chương trình ấy. Thành ra họ không biết gì cả. Hơn nữa, Bộ Xây dựng không liên quan và không có chủ trương gì cho chuyện này. Đây không phải là chương trình của Bộ.

Việc tự ý đưa tên các cơ quan nhà nước, tổ chức hội, thậm chí tên một số cơ quan báo chí vào là do ban tổ chức bịa ra hết" - nguồn tin này xác thực.

Trong khi Bộ Xây dựng hiện còn chưa vội vào cuộc xử lý thì ngay từ cuối tuần trước, Hiệp hội Bất động sản VN đã có công văn yêu cầu Công ty Asean C&C phải tháo dỡ ngay việc "mượn danh" Hiệp hội và truyền thông trái phép trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Theo quan sát, trong ngày 12/9, thông tin về các thành phần của Ban tổ chức trên website của chương trình đã âm thầm bị rút bỏ.

Ban tổ chức: mỗi người một việc


Trước đó, hôm 8/9, khi được chất vấn về vấn đề này, ông Nguyễn Huy Du - Phó Chủ tịch HĐQT, Giám đốc dự án của Asean C&C đã tỏ ra ấp úng.

Ông Du cho rằng, "không có các đơn vị đấy thì Ngày hội mà thành công, mọi người vẫn hưởng ứng, ủng hộ thôi".

Bất chấp việc sự kiện chưa được cấp phép tổ chức, chưa được sự đồng ý tham gia của các cơ quan ban ngành, hiệp hội, ban tổ chức sự kiện đã tự ý đưa thông tin, truyền thông, quảng bá rầm rộ.

Vị này diễn giải, ban tổ chức phân công ra mỗi người một việc. Trong đó, đảm bảo có các đơn vị tham gia để có tiền tổ chức sự kiện và làm thế nào để nhiều người tham gia ngày hội là nhiệm vụ chính của Asean C&C. Còn về mặt chuyên môn nghiệp vụ thì có các đơn vị phối hợp.

Theo Công văn bảo trợ thông tin cho sự kiện này của Báo Xây dựng được ông Du cung cấp lúc đó nêu rõ:

1. Báo xây dựng đồng ý bảo trợ truyền thông chính thức theo đề nghị của Công ty CP Truyền thông Asean C&C gồm bảo trợ thông tin cho chương trình; 2. Lãnh đạo báo xây dựng tham dự và phát biểu tại lễ khai mạc sự kiện; 3. Cử phóng viên, cán bộ cố vấn chuyên môn các sự kiện; 4. Phối hợp với ban tổ chức mời lãnh đạo Bộ xây dựng và các chuyên gia tham gia tổ chức hội thảo về nhà ở theo nghị định 71.

Sau khi chỉ ra, ông Du cắt nghĩa thêm: "Tức là chúng tôi đã phân chia rất rõ công việc bên nào làm cái gì. Còn bên chúng tôi, một lượng việc khổng lồ là nhiều doanh nghiệp và nhiều người tới, hỗ trợ làm sao cho giao dịch thành công, còn chủ trương thực ra đã nhờ các đơn vị đó làm phần còn lại".

Asean C&C làm sai quy trình?


Trong khi đó, trao đổi với PV hôm 12/9, ông Nguyễn Anh Dũng - Tổng biên tập Báo Xây dựng lại cho biết, ông không biết kế hoạch và cũng không đồng tình khi Asean C&C đưa các thông tin gây hiểu lầm nói trên.

Ông trần tình, trước thời điểm tổ chức họp báo lần thứ nhất - công bố sự kiện hôm 7/9, phía ông đã đề cập với Asean C&C, trong trường hợp không xin được giấy phép tổ chức họp báo từ Cục Báo chí thì chương trình dự phòng dự kiến chỉ mời một nhóm nhỏ báo chí thôi. Nhưng sau đó, phía ông đã xin được giấy phép thì bên Asean C&C lại sử dụng cái tài liệu dự phòng với rất đông cơ quan báo chí.

Việc báo cáo, xin phép thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam tổ chức chương trình này, về trách nhiệm của đơn vị bảo trợ thông tin, ông Dũng cho rằng bên ông đã làm đàng hoàng. Nhưng ở đây phía Asean C&C không làm theo quy trình, "sai một ly đi một dặm".

"Đáng lẽ phía Asean C&C phải lập các chương trình, giao cho mình phê duyệt phải biết được nội dung, kế hoạch của họ trước về thông tin cái gì, như thế nào, nội dung, khách mời... Chứ đến lúc họp báo, họ đánh ra các thông tin ấy chứ tôi có ký gì đâu.

Ở đây tôi cần gì phải mời ai. Tôi đại diện cho cơ quan truyền thông của Bộ là được chứ làm sao phải mời Thứ trưởng, Bộ trưởng làm gì. Tôi chỉ là người đứng ra tổ chức cho Asean C&C tiếp xúc với báo chí thôi".

4 điểm mập mờ thông tin, đánh lừa người tiêu dùng

Trao đổi với PV. và một số báo báo chí chiều 12/9, ông Nguyễn Hữu Cường - Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho biết, ngay từ ngày 18/8, ông Nguyễn Trung Thành đại diện công ty Asean C&C đã đến gặp và đặt vấn đề mời cập lạc bộ tham gia chương trình.

Tuy nhiên xem xong kịch bản, ông Cường cho biết đã phản biện, khuyến cáo và tư vấn xem xét lại 4 điểm còn mập mờ, dễ gây hiểu lầm mà đơn vị tổ chức đưa ra. Nhưng sau không thấy được tiếp thu:

Thứ nhất, tuyên bố sẽ có 1.000 giao dịch thành công được thực hiện trong 2 ngày 24-25/9. Theo ông Cường, với những người trong nghề, để thành công được 1 giao dịch mua bán bất động sản có thể mất rất nhiều công sức của người tư vấn cho người mua và người bán.

Thông thường, người mua phải thỏa mãn về sản phẩm, phải xem được tận nơi, hồ sơ pháp lý, phải so sánh giá cả, đối chiếu, rồi mới quyết định mua nhà, nên sự kiện chỉ diễn ra trong 2 ngày thôi thì không thể xảy ra 1.000 giao dịch được. Đó là không thật.

Thứ hai, cách dùng từ "Ngày hội", khiến ông Cường cảm nhận, ngay từ đầu đã không phù hợp, vì ngày hội là ngày lễ lớn do Nhà nước quy định được in trên tờ lịch. Ngày ấy toàn dân được nghỉ được gọi ngày lễ, ngày hội.

Thứ ba, không có cơ quan chức trách của nhà nước đứng ra giám sát, thẩm định: Đơn vị tổ chức triển lãm cho mọi người mang hàng đến hay nói cách khác, là chủ cho thuê, để các chủ đầu tư mang hàng vào, cũng như siêu thị bán hàng.

Nếu là chủ siêu thị thì cũng phải có các cơ quan quản lý về y tế, kiểm dịch động thực, vật, chất lượng, mẫu mã hàng hóa... về để quản lý, kiểm định đảm bảo không xảy ra dịch bệnh, mất an toàn vệ sinh thực phẩm hay chất lượng hàng hóa.

Có bao nhiêu chủng loại hàng hóa thì tương ứng có những bấy nhiêu tổ chức được Nhà nước trao thẩm quyền, cấp phép để thẩm định theo chức năng quyền hạn của những đơn vị làm dịch vụ - ông Cường lập luận.

Như vậy tương tự, đơn vị tổ chức sự kiện cũng phải có đơn vị thẩm định lại hàng hóa của chủ đầu tư, bởi chủ đầu tư nào chẳng tự khẳng định hàng của mình là tốt, đảm bảo chất lượng, đấy là giá gốc và tôi công khai bán giá gốc.

Nhất là trong bối cảnh từ đầu năm đến giờ, thị trường đã chứng kiến công an khởi tố, bắt giam nhiều cá nhân, doanh nghiệp bán bất động sản trái pháp luật. Vậy thì ai sẽ là người bảo vệ quyền lợi khách hàng sau ngày hội?

Bốn là khái niệm nhà giá gốc: Ông Cường cho rằng, một mặt hàng khi đem ra trao đổi trên thị trường thì rất khó để thấy người sản xuất ra lại khai thật là tôi mua, tôi làm thế này, hết tưng đây, chưa kể thuế.

Nạn kê khai, luồn lách, né luật, gian dối, nâng giá ảo để trốn thuế không phải chỉ riêng quốc gia nào. Cho nên khái niệm nhà giá gốc là khái niệm đánh vào tâm lý - giá gốc là giá do chủ đầu tư đưa ra, người mua không phải qua một kênh trung gian, môi giới nào cả, thì đấy là cái tạo ra sự nhầm lẫn.

Vị đại diện câu lạc bộ nêu quan điểm, các cách gọi này, thông qua các phương tiện truyền thông tạo ra hiệu ứng giả nhằm phục vụ lợi ích kinh doanh bất minh, thu lợi mang tính cá nhân ngay từ đầu.

Theo vef.vn