"Thành công của các trường NCL là thành công của ngành giáo dục"

04/02/2014 07:33
Xuân Trung (thực hiện)
(GDVN) - BT Phạm Vũ Luận khẳng định như vậy khi trả lời phỏng vấn Báo Giáo dục Việt Nam, ông cho biết, thành công của các trường NCL là thành công của ngành GD.

Viết tiếp bài "Trăn trở còn nhiều với ngành giáo dục", Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận bày tỏ, ông luôn ý thức rõ trách nhiệm nặng nề của mình. Từ lúc đảm nhiệm công việc của Bộ trưởng, ông đã phải khẩn trương xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục – đào tạo giai đoạn 2011-2020…

“Tôi vất vả một, anh em trong ngành vất vả ba, bốn lần”
PV: Thưa Bộ trưởng, một trong những dấu mốc quan trọng là Ban hành Nghị  quyết về đổi mới giáo dục Việt Nam, là người đứng đầu ngành giáo dục, trực tiếp chỉ huy công cuộc đổi mới lần này, bộ trưởng có thấy tự hào và trách nhiệm của mình nặng tới mức nào?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Tôi luôn ý thức rõ trách nhiệm nặng nề của mình. Từ lúc đảm nhiệm công việc của Bộ trưởng, chúng tôi phải khẩn trương xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục – đào tạo giai đoạn 2011-2020. Khi Thủ tướng phê duyệt Chiến lược, chúng tôi lại ngay lập tức bắt tay xây dựng Luật Giáo dục đại học. 

Rồi việc Quốc hội giám sát chất lượng giáo dục đại học cũng là một khoảng thời gian vất vả, căng thẳng nhưng rất bổ ích. Sau đó là xây dựng Đề án Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo. Khi Trung ương thông Đề án, rồi PISA đạt kết quả tốt thì chúng tôi mừng một chút, còn bây giờ lại tiếp tục lo triển khai thực hiện Nghị quyết TƯ 8. 

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trao đổi với phóng viên. Ảnh Trần Kháng
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trao đổi với phóng viên. Ảnh Trần Kháng
Tôi vất vả một thì anh em trong ngành, nhất là các đồng nghiệp của tôi đang công tác ở biên giới, hải đảo, vùng sâu vùng xa còn vất vả gấp ba, bốn lần. Nhiều lúc tôi động viên anh em: Với lịch sử, chúng ta là những người đến đúng lúc. Có người đến sớm hơn có muốn làm cũng không được làm, các đồng chí đến sau một nhịp,  muốn tham gia làm luật, làm nghị quyết cũng không được làm. Chỉ có chúng ta mới có vinh dự lớn lao này, nên cần cố gắng hết sức để hoàn thành nhiệm vụ.
Liên quan tới chủ trương, chính sách phát triển hệ thống giáo dục đại học ngoài công lập trong thời gian tới, trong Nghị quyết đổi mới cũng đã chỉ rõ nhiệm vụ phải làm là: “Khuyến khích xã hội hóa để đầu tư xây dựng và phát triển các trường chất lượng cao ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo. Tăng tỷ lệ trường ngoài công lập đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học”. Xin Bộ trưởng cho biết, lộ trình để thực hiện nhiệm vụ này, và các trường ngoài công lập sẽ đứng ở vị trí nào trong hệ thống giáo dục quốc dân?
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Tôi đã nhiều lần khẳng định, các trường ĐH-CĐ NCL là một bộ phận của hệ thống giáo dục Việt Nam. Thành công của các trường NCL là thành công của ngành GD. Mỗi sơ xuất, lệch lạc của các trường NCL cũng là yếu kém, chệch choạch của ngành GD. 
Hiện này, chúng tôi cũng đang chuẩn bị nội dung để cùng với Hiệp hội các trường ĐH-CĐ NCL tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động của các trường NCL nhằm tìm ra được các giải pháp hữu hiệu giúp các trường ĐH –CĐ NCL phát triển ổn định, bền vững.
Thưa Bộ trưởng, dư luận quan tâm tới kinh phí tổng thể cho đề án đổi mới giáo dục này hiện nay là bao nhiêu, trong tổng thể đó thì bộ dành bao nhiêu để bảo đảm đời sống cho giáo viên?
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Kinh phí tổng thể của đề án chúng tôi chưa tính xong, vì trong đó bao gồm rất nhiều đề án. Từng đề án sẽ được cân đối và tính toán kinh phí, nhưng ở đây có đặc điểm là các nguồn kinh phí thực hiện các đề án được lồng ghép với nhau, chứ không tách bạch ra.
Nguồn kinh phí để đảm bảo đời sống giáo viên không nằm trong đề án này mà nằm trong đề án đổi mới tiền lương do Uỷ ban cải cách tiền lương chuẩn bị. Đối với giáo viên các trường ngoài công lập, lương, thưởng, phụ cấp là do các trường tự cân đối.
“Sẽ chuyển qua đào tạo theo nhu cầu xã hội”

Vấn đề lương cho giáo viên đã được đặt ra 15 năm nay, nhưng tới nay chưa thực hiện được. Trong đề án đổi mới này một lần nữa có đặt vấn đề lương giáo dục sẽ là cao nhất trong thang bậc lương. Bộ trưởng có thể nói giải pháp thực hiện việc này?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Vấn đề lương giáo viên được đặt ra từ Nghị quyết TƯ2 khoá VIII năm 1996 nhưng chưa làm được do nhiều lý do, cả khách quan và chủ quan. Tôi không có điều kiện hiểu hết giai đoạn trước, nhưng tôi biết giải quyết bài toán tiền lương liên quan đến nhiều nhân tố và điều kiện thuộc các lĩnh vực khác nhau và phải giải quyết từng bước theo nhịp điệu tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế quốc dân. Nghị quyết 29 NQ/TW nêu lại vấn đề này với quyết tâm và giải pháp triển khai mới để sớm đưa chủ trương đúng đắn này vào thực hiện.

Ngoài vấn đề lương, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm tới các chế độ đối với giáo viên như phụ cấp nghề nghiệp, thâm niên, phụ cấp thu hút cho thầy cô giáo miền xuôi lên miền núi giảng dạy, chế độ, điều kiện làm việc cho các GS, PGS… 

Vừa rồi, tiếp tục có thêm chính sách cho các thầy cô giáo lên miền núi công tác lâu dài tiếp tục được hưởng phụ cấp thu hút sau 5 năm đầu (theo chế độ trước đây). Khi Thủ tướng ký quyết định này, tôi mừng đến mất ngủ. Năm nay chúng tôi cũng vừa tổ chức tôn vinh các nhà giáo tiêu biểu, đặc biệt là những thầy cô giáo trực tiếp đứng lớp ở khu vực vùng sâu, vùng xa, động viên các thầy cô nâng cao lòng tự hào, ý thức trách nhiệm đối với nghề nghiệp.
Hiện nay nhiều nhóm đang nỗ lực góp ý và nỗ lực cho công cuộc đổi mới như quỹ Hòa bình của nguyên phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, nhóm Cánh buồm, nhóm học thế nào của GS. Ngô Bảo Châu, vậy Bộ GD&ĐT đã tiếp nhận những đóng góp đó như thế nào để hỗ trợ cho trận đánh lớn?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Đúng là có nhiều nhóm độc lập hoạt động nghiên cứu về giáo dục. Cá nhân tôi cũng thường xuyên tiếp xúc, làm việc với các nhóm khác nhau... Về nguyên tắc, chúng tôi trân trọng và lắng nghe tất cả các ý kiến đa chiều, vì trong lĩnh vực GD-ĐT có đặc điểm là khó ai có được cái nhìn toàn diện. 

Chúng tôi thu thập có hệ thống tất cả những ý kiến đóng góp cho ngành và phải nói rằng, các quyết định của chúng tôi vừa qua trong việc đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT đã dựa trên việc tiếp nhận và xử lý thông tin của các kênh khác nhau, thuộc nhiều tầng lớp nhân dân trong xã hội.

Với những gì Bộ đã làm trong năm qua, Bộ trưởng có thể cho biết hình dung của mình về giáo dục trong những năm tới?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Tôi tin tưởng sâu sắc rằng việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT sẽ mang lại nhiều thay đổi lớn, về đại thể có thể nói tóm tắt như sau:

Đối với GD đại học và GD nghề nghiệp, chúng ta sẽ chuyển sang đào tạo theo nhu cầu của xã hội và nhu cầu của thị trường lao động; sẽ tiến tới thực hiện cơ chế đặt hàng trên cơ sở hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng của một số loại hình dịch vụ đào tạo. 

Các cơ sở GD đại học sẽ được trao quyền tự chủ đi đôi với trách nhiệm cao trước xã hội. Công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý trong ngành GD&ĐT sẽ được đẩy mạnh, hiệu lực và hiệu quả quản lý được nâng cao. Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và cán bộ nghiên cứu khoa học được tăng cường mạnh mẽ. 

Các cơ sở GD đại học sẽ được phân tầng, phân loại theo định hướng nghiên cứu, định hướng ứng dụng, định hướng thực hành trên cơ sở năng lực, kết quả kiểm định chất lượng GD các nhà trường. Chất lượng nguồn nhân lực sau đào tạo của Việt Nam sẽ được nâng lên, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và từng bước tiệm cận yêu cầu của hội nhập quốc tế.

Đối với GD phổ thông, sẽ có sự thay đổi lớn về chương trình GD, sách giáo khoa (SGK) và tổ chức quá trình GD trong nhà trường. Chương trình và SGK mới sẽ được thiết kế với những nội dung phù hợp với tâm lý, kỹ năng, nhận thức của học sinh phổ thông, gần với cuộc sống, thiết thực giúp các em hình thành phẩm chất và năng lực của người lao động mới.

Về phương pháp dạy và học, chúng ta sẽ chuyển từ dạy nhiều, tự học ít như hiện nay sang dạy ít, tự học nhiều. Vai trò của người thầy sẽ không chỉ là truyền thụ kiến thức cho học sinh, mà còn là hướng dẫn học sinh cùng thảo luận theo từng nhóm để hoàn thành nhiệm vụ bài học. 

Về đánh giá, kiểm tra và thi cử, chúng ta sẽ chuyển cách thi, kiểm tra hiện nay (chủ yếu là kiểm tra việc tiếp thu kiến thức của học sinh) sang thi, kiểm tra năng lực và phẩm chất được hình thành của học sinh. 
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng.
Xuân Trung (thực hiện)