"Trung Quốc cần bớt những phát ngôn và hành động hiếu chiến"

07/02/2014 14:12
Hồng Thủy
(GDVN) - Valencia chỉ ra rằng những hành động và phát biểu của Trung Quốc dường như không ăn nhập với tuyên bố trên của Tập Cận Bình.
Học giả Mark Valencia.
Học giả Mark Valencia.

Bưu điện Hoa Nam ngày 7/2 đăng bài phân tích của Mark Valencia, học giả thỉnh giảng cấp cao Viện Nghiên cứu Biển Đông do Trung Quốc lập ra ở tỉnh Hải Nam nhận xét, Trung Quốc cần phải giảm phát ngôn và hành động hiếu chiến của mình để làm dịu những căng thẳng trong khu vực và Mỹ cần giúp đỡ Bắc Kinh bằng cách chứng minh sẵn sàng chia sẻ quyền lực.

Trong năm qua, Trung Quốc đã chứng minh sức mạnh và tham vọng của mình qua một loạt sự kiện mà điển hình là cho chiến hạm tạt ngang mũi tàu tuần dương hải quân Mỹ buộc nó phải đổi hướng, radar tên lửa tàu khu trục ngắm bắn tàu và máy bay hải quân Nhật Bản, đơn phương áp đặt cái gọi là khu nhận diện phòng không ở Hoa Đông, đơn phương tuyên bố quy định đánh bắt cá ở Biển Đông bắt ngư dân các nước phải "xin phép"....và hàng loạt hoạt động diễn tập quân sự hung hăng ở Biển Đông, Hoa Đông.

Ông Valencia cho rằng, có thể hiểu Trung Quốc "muốn được tôn trọng và đóng vai trò lớn, chi phối khu vực và quốc tế". Tuy nhiên bản thân Bắc Kinh cũng muốn tránh chiến tranh hoặc chiến tranh lạnh bởi điều này sẽ làm chậm, ngăn chặn tăng trưởng của họ.

Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình từng tuyên bố, lập luận rằng các nước lớn đang bị ràng buộc bởi việc tìm kiếm quyền bá chủ không áp dụng cho Trung Quốc, không có trong ADN của quốc gia này. 

Cũng theo ông Bình, Trung Quốc hoàn toàn hiểu họ cần một môi trường nội bộ cũng như bên ngoài hòa bình và ổn định để phát triển bản thân.

Tuy nhiên, Valencia chỉ ra rằng những hành động và phát biểu của Trung Quốc dường như không ăn nhập với tuyên bố trên của Tập Cận Bình.

Trung Quốc biết họ vẫn chưa sẵn sàng cho một cuộc đụng độ hết sức với Mỹ và đồng minh ngay cả khi một bộ phận xã hội nước này nghĩ rằng điều đó là không tránh khỏi. 

Nhưng Bắc Kinh mưu cầu quá nhiều quyền lực một cách quá sớm dẫn đến nguy cơ đặt họ vào thế đối lập với môi trường địa chính trị thân thiện mà họ đang tìm kiếm.

Hải quân Trung Quốc liên tục tập trận, phô trương sức mạnh cơ bắp trên các vùng biển nước này nhảy vào tranh chấp khiến khu vực lo ngại.
Hải quân Trung Quốc liên tục tập trận, phô trương sức mạnh cơ bắp trên các vùng biển nước này nhảy vào tranh chấp khiến khu vực lo ngại.

Thật vậy, hành động của Trung Quốc đang tạo ra nỗi sợ hãi mà không phải là sự ngưỡng mộ hay tôn trọng từ các nước láng giềng như Nhật Bản, Úc và phần lớn ASEAN. Có lẽ Trung Quốc cũng không muốn bị láng giềng xa lánh, thậm chí là thù địch hay liên kết chống lại Bắc Kinh.

Để tránh điều này, theo ông Valencia, Trung Quốc cần phải chứng minh bằng hành động rằng họ không tìm kiếm xung đột quân sự, các vùng biển và không phận đi kèm nơi Trung Quốc yêu sách "chủ quyền" là những đấu trường nguy hiểm nhất hiện nay cho những tính toán sai lầm. Sự cố ngoài ý muốn có thể châm ngòi cho xung đột lớn hơn.

Học giả này nhận xét, việc "đạt được thỏa thuận về bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) cũng như Hoa Đông là lựa chọn đúng hướng mặc dù thực hiện nó không dễ", nhưng ít nhất nó chứng tỏ răng Bắc Kinh đang thực sự cố gắng để tránh kịch bản tồi tệ nhất.

Một cử chỉ tích cực khác theo Mark Valencia đó là Trung Quốc cần làm rõ yêu sách chủ quyền họ đưa ra ở Biển Đông, kiềm chế cái các nước láng giềng của Trung Quốc vẫn gọi là "ngoại giao pháp hạm" cũng sẽ giúp làm dịu môi trường khu vực.

Mỹ có thể đáp lại bằng cách giảm hoặc loại bỏ hoạt động theo dõi, trinh sát cự ly gần các hoạt động của quân đội Trung Quốc, không quá thổi phồng và thể hiện sự hiện diện quân sự của mình trong khu vực hoặc giảm, tạm ngừng bán vũ khí cho Đài Loan.

Hồng Thủy