Người vi phạm được nộp phạt tại chỗ cho CSGT

10/02/2014 07:00
NGUYỄN HỒ
(GDVN) - Tổ chức, cá nhân bị xử phạt có thể nộp tiền phạt tại chỗ cho người ra quyết định xử phạt và được nhận biên lai thu tiền phạt.

Bộ Công an vừa công bố Dự thảo 01 THÔNG TƯ “Quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 171/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt”. Dự thảo đang được lấy ý kiến trước khi chính thức ban hành.

Theo đó, Điều 4 của Dự thảo Thông tư quy định về thủ tục xử phạt như sau:

Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt thực hiện theo quy định tại Mục 1 Chương III phần thứ II Luật xử lý vi phạm hành chính, trong đó cần lưu ý:

CSGT xử phạt vi phạm trật tự ATGT (Ảnh minh họa)
    CSGT xử phạt vi phạm trật tự ATGT (Ảnh minh họa)

Trường hợp hành vi vi phạm có mức phạt tiền trên 250.000 đồng đối với cá nhân, trên 500.000 đồng đối với tổ chức (mức tối đa của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó), xảy ra ở trên tàu khi đoàn tàu đã rời ga; ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, miền núi mà việc đi lại gặp khó khăn hoặc xảy ra ngoài giờ hành chính thì sau khi yêu cầu tổ chức, cá nhân vi phạm chấm dứt ngay hành vi vi phạm, người có thẩm quyền xử phạt tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính; nếu hành vi vi phạm rõ ràng, không cần xác minh, thuộc thẩm quyền xử phạt của mình, thì được ra ngay quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Tổ chức, cá nhân bị xử phạt có thể nộp tiền phạt tại chỗ cho người ra quyết định xử phạt và được nhận biên lai thu tiền phạt.

Việc quản lý, sử dụng biên lai thu tiền phạt thực hiện theo quy định tại Chương III Thông tư số 153/2013/TT-BTC ngày 31/10/2013 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục thu, nộp tiền phạt, biên lai thu tiền phạt và kinh phí từ ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính.

Ngoài ra, theo Điều 6 của dự thảo Thông tư, việc tạm giữ phương tiện thực hiện theo quy định tại Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính có một số điểm đáng lưu ý :

Chỉ tạm giữ phương tiện trong trường hợp thật cần thiết để xác minh tình tiết làm căn cứ ra quyết định xử phạt; để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra cho xã hội hoặc để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt.

Việc tạm giữ phương tiện quy định tại điểm a Khoản 1 Điều này phải được chấm dứt ngay sau khi xác minh được tình tiết làm căn cứ quyết định xử phạt, hành vi vi phạm không còn gây nguy hiểm cho xã hội hoặc quyết định xử phạt được thi hành.

Thời hạn tạm phương tiện vi phạm hành chính là 07 ngày, kể từ ngày tạm giữ. Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài đối với những vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần tiến hành xác minh nhưng tối đa không quá 30 ngày, kể từ ngày tạm giữ.

Trường hợp vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp và thuộc trường hợp giải trình theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính mà cần có thêm thời gian để xác minh thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp của mình bằng văn bản để xin gia hạn việc tạm giữ; việc gia hạn phải bằng văn bản, thời hạn gia hạn không được quá 30 ngày.

Thời hạn tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính được tính từ thời điểm phương tiện bị tạm giữ thực tế.

Việc quản lý, bảo quản phương tiện bị tạm giữ theo thủ tục hành chính phải tuân thủ theo các quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 115/2013/NĐ-CP ngày 03/10/2013 của Chính phủ quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Việc xử lý phương tiện bị tạm giữ theo thủ tục hành chính được thực hiện theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 115/2013/NĐ-CP ngày 03/10/2013 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đối với phương tiện có liên quan đến vụ án hình sự hoặc sau khi xác định vi phạm hành chính có dấu hiệu tội phạm thì phải chuyển phương tiện đó và hồ sơ vụ vi phạm cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Đối với phương tiện giao thông vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu tổ chức, cá nhân vi phạm có địa chỉ rõ ràng, có điều kiện bến bãi, bảo quản phương tiện hoặc khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh thì có thể được giữ phương tiện vi phạm dưới sự quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Việc giao phương tiện giao thông vi phạm hành chính cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản và việc đặt tiền bảo lãnh phương tiện giao thông bị tạm giữ theo thủ tục hành chính thực hiện theo quy định tại Điều 14, Điều 15 Nghị định số 115/2013/NĐ-CP ngày 03/10/2013 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Bên cạnh đó, thủ tục thu tiền nộp do chậm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính cũng được quy định rõ theo dự thảo trên:

Quá thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà cá nhân, tổ chức chưa nộp tiền phạt thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp. Không tính chậm nộp tiền phạt trong thời hạn cá nhân vi phạm hành chính được hoãn thi hành quyết định xử phạt theo quy định của pháp luật.

Số ngày chậm nộp tiền phạt bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ theo quy định của Nhà nước và được tính từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp tiền phạt, thời hạn hoãn thi hành quyết định xử phạt đến trước ngày cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính nộp tiền vào Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại nơi Kho bạc Nhà nước ủy nhiệm thu phạt.

NGUYỄN HỒ