UNESCO vinh danh Đờn ca tài tử Nam Bộ là di sản của nhân loại

12/02/2014 09:41
Việt Văn
(GDVN) - Tối ngày 11/2, đại diện UNESCO - bà Katherine Muller Marin đã trao bằng vinh danh nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND TP.HCM tổ chức trọng thể Lễ đón nhận bằng của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) vinh danh nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tại Hội trường Thống Nhất (quận 1, TP.HCM). 

Đây là di sản văn hóa phi vật thể thứ 8 của Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa đại diện của nhân loại và được bảo vệ ở cấp độ quốc tế.

Bà Katherine Muller Marin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội trao bằng vinh danh cho đại diện các tỉnh thành quê hương của Đờn ca tài tử Nam Bộ
Bà Katherine Muller Marin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội trao bằng vinh danh cho đại diện các tỉnh thành quê hương của Đờn ca tài tử Nam Bộ

Trước đó, nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 5/12/2013.

Quyết định trên được đưa ra tại Phiên họp Uỷ ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể lần thứ 8 của UNESCO diễn ra tại thành phố Baku, nước Cộng hoà Azerbaijan.

Đờn ca tài tử Nam Bộ là một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo được sáng tạo dựa trên dòng nhạc lễ, nhã nhạc cung đình và những giai điệu ngọt ngào, sâu lắng của dân ca miền Trung và dân ca miền Nam. 

Đây là loại hình nghệ thuật đặc sắc của vùng miệt vườn sông nước Nam Bộ, là sự kết hợp tinh tế - hòa quyện giữa tiếng đờn, lời ca và điệu diễn, vừa phản ánh tinh hoa văn hóa ngàn năm văn hiến của dân tộc vừa mang những nét đặc trưng của người dân vùng đất phương Nam.

Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ là một gạch nối giữa nghệ thuật truyền thống từ ngàn xưa với nghệ thuật của ngày mai và đã góp phần tạo nên sự giao lưu đa dạng cần thiết của văn hóa dân tộc và văn hóa nhân loại.

Ban nhạc của Đờn ca tài tử gồm có bốn loại là đàn kìm, đàn cò, đàn tranh và đàn bầu. Tuy nhiên, sau này, biên chế ban nhạc có sự thay đổi và có thể thêm các loại nhạc cụ khác như guitar phím lõm hay thậm chí là violon
Ban nhạc của Đờn ca tài tử gồm có bốn loại là đàn kìm, đàn cò, đàn tranh và đàn bầu. Tuy nhiên, sau này, biên chế ban nhạc có sự thay đổi và có thể thêm các loại nhạc cụ khác như guitar phím lõm hay thậm chí là violon

Thay mặt UNESCO, bà Katherine Muller Marin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội đã trao bằng vinh danh nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và được bảo vệ ở cấp độ quốc tế, thể hiện sự trân trọng và ngưỡng mộ của cộng đồng quốc tế đối với loại hình nghệ thuật độc đáo này của Việt Nam.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng việc UNESCO vinh danh nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, thể hiện sự trân trọng và ngưỡng mộ của cộng đồng quốc tế đối với loại hình nghệ thuật độc đáo này của Việt Nam.

Chương trình hành động Quốc gia nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Đờn ca tài tử Nam Bộ:

1. Đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục nhằm nâng cao nhận thức người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ với việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, Đờn ca tài tử Nam Bộ nói riêng.

2. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hành sáng tạo và truyền lại nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trong các gia đình, các nhà trường, câu lạc bộ cộng đồng nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng trong nhân dân.

3. Tăng cường nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả các hoạt động kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa truyền dạy trình diễn việc bảo tồn phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, đưa Đơn ca tài tử Nam Bộ vào nội dung đào tạo bồi dưỡng tại các cơ sở đào tạo chuyên ngành.

4. Hỗ trợ cộng đồng phục hồi lưu truyền các bài tổ, tính ngưỡng và các lễ hội liên quan đến nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, mở rộng các hình thức và môi trường sinh hoạt mới phù hợp với mục tiêu bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trong cuộc sống đương đại.

5. Phối hợp với cơ quan truyền thông, các Hội nghề nghiệp thường xuyên tổ chức hoặc định kỳ các chương trình giới thiệu quảng bá về Đờn ca tài tử Nam Bộ với nhiều hình thức nhằm giáo dục thẩm mỹ về giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ đến công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ.

6. Có chính sách đãi ngộ, khen thưởng và phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước cho các nghệ nhân Đờn ca tài tử có nhiều đóng góp xuất sắc trong việc bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử.

7. Tạo mọi điều kiện để nghệ nhân Đờn ca tài tử Nam Bộ có nhiều cuộc giao lưu trình diễn ở nước ngoài, thường xuyên tổ chức Liên hoan nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ tại các địa phương và định kỳ 3 năm một lần tổ chức Liên hoan nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ toàn quốc. 

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo hướng dẫn và đồng hành cùng các địa phương có nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ thực hiện tốt Chương trình hành động Quốc gia này. Đồng thời yêu cầu sở Văn hóa Thể thao và Du lịch các tỉnh có nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ căn cứ tình hình cụ thể của địa phương kịp thời xây dựng các đề án chi tiết, cụ thể hóa những nội dung của Chương trình  hành động Quốc gia báo cáo UBND các tỉnh thành phê duyệt và triển khai.

Việt Văn