Giáo sư Carl Thayer: Việt Nam bảo lưu các giải pháp bảo vệ chủ quyền

13/02/2014 13:35
Hồng Thủy
(GDVN) - Vương Nghị đã từng tìm cách chống lại Việt Nam kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế như Philippines đã và đang làm.
Giáo sư Carl Thayer, học viện Quốc phòng Úc, một chuyên gia về vấn đề Biển Đông.
Giáo sư Carl Thayer, học viện Quốc phòng Úc, một chuyên gia về vấn đề Biển Đông.

Reuters ngày 13/2 đưa tin, khi Tổng thống Philippines Benigno Aquino so sánh hành động của Trung Quốc ở Biển Đông giống như phát xít Đức nhăm nhe lãnh thổ Tiệp năm 1938 và kêu gọi sự hỗ trợ toàn cầu chống lại yêu sách (bất hợp pháp) của Bắc Kinh ở Biển Đông, ông đã đặt trọng tâm vào vụ kiên Trung Quốc áp dụng, giải thích sai Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).


Hãng tin Reuters dẫn bình luận của giới phân tích, với các bên tranh chấp Biển Đông thì đưa Trung Quốc ra tòa là một cách hợp pháp, bất chấp việc Bắc Kinh từ chối tham gia. Phán quyết cuối cùng của tòa án dù không được thực hiện cũng sẽ có trọng lượng đạo đức và chính trị đáng kể.

"Nếu nhiều quốc gia, bao gồm các thành viên ASEAN cùng lên tiếng ủng hộ việc áp dụng luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp, Bắc Kinh có thể kết luận rằng nếu họ coi thường phán quyết của tòa án là lựa chọn tai hại, ngay cả khi đường lưỡi bò của Trung Quốc được chứng minh là bất hợp pháp", học giả Bonnie Glaser nói tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế ở Washington.

Tư lệnh Bộ tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Samuel Locklear và Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách các vấn đề Đông Á - Thái Bình Dương Daniel Russel tuần trước đều lên tiếng ủng hộ hành động của Philippines trong việc tìm kiếm một giải pháp hợp pháp và hòa bình.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel.

"Có một mối quan tâm ngày càng lớn rằng các hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông hiện nay phản ánh một nỗ lực ngày một gia tăng của Bắc Kinh để nhằm khẳng định quyền kiểm soát các khu vực trong cái gọi là đường 9 đoạn (đường lưỡi bò), bất chấp sự phản đối của các nước láng giềng trong khi không đưa ra lời giải thích nào hoặc làm rõ yêu sách trên cơ sở luật pháp quốc tế", Russel nói.


Vấn đề Biển Đông cũng có thể trở thành tâm điểm trong chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tới Bắc Kinh tuần này.

Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia về Biển Đông tại Học viện Quốc phòng Úc ở Canberra cho biết, trong chuyến công du Hà Nội hồi tháng 9 năm ngoái, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã từng tìm cách chống lại Việt Nam kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế như Philippines đã và đang làm.

Tuy nhiên cho đến nay Việt Nam đã đương đầu với áp lực và rõ ràng bảo lưu quyền thực hiện bất kỳ giải pháp nào nếu thấy lợi ích quốc gia của mình bị đe dọa, giáo sư Thayer nhận định.
Hải quân Trung Quốc liên tục gia tăng các hoạt động quân sự bất hợp pháp, leo thang căng thẳng ở Biển Đông, đặc biệt là khu vực quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Hải quân Trung Quốc liên tục gia tăng các hoạt động quân sự bất hợp pháp, leo thang căng thẳng ở Biển Đông, đặc biệt là khu vực quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

5 luật sư người Anh, Mỹ mà Manila ủy thác đang hoàn thiện hồ sơ đệ trình tòa án trước thời hạn 30/3 để chứng minh rằng đường 9 đoạn trong tuyên bố của Trung Quốc ở Biển Đông là không hợp lệ theo UNCLOS.


Paul Reichler, một luật sư từ công ty luật Foley Hoag ở Washington cho biết Hội đồng Trọng tài Liên Hợp Quốc về Luật Biển đã thông qua các quy tắc hiệu quả cho phép các bên liên quan có thể tham gia phiên tòa (khởi kiện Trung Quốc áp dụng giải thích sai UNCLOS ở Biển Đông như Philippines đã làm).

Trong khi chưa có bên nào làm điều này, "vẫn còn nhiều thời gian để (các bên liên quan) tham gia", Paul Reichler nói với Reuters.

Hồng Thủy