Sinh viên VN - Lào chia sẻ kinh nghiệm học tập ở nước ngoài

16/02/2014 08:02
Phạm Liễu
(GDVN) - "Khi có cơ hội được ra nước ngoài học tập, các bạn nên tranh thủ cơ hội đó. Các bạn không chỉ học tập kiến thức, mà còn được học về kinh nghiệm quản lý..."

Ngày 15/2, tại hội trường nhà A Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Trung tâm Hợp tác và Đào tạo với nước ngoài tổ chức "Gặp gỡ triển khai nhiệm vụ 2014 đối với lưu học sinh Lào và sinh viên Việt Nam".

Phát biểu tại cuộc gặp gỡ, Phó hiệu trưởng nhà trường, TS Lê Khắc Đóa cho biết: "Số lượng giáo viên cơ hữu của nhà trường hiện có 1.200 giảng viên, trong đó có 19 giáo sư, 40 phó giáo sư, 74 tiến sĩ, 45 thạc sĩ. 

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã kiểm tra số lượng 1.200 giáo viên với chỉ tiêu tuyển sinh như vậy có đạt chỉ tiêu của Bộ không, thì tất cả đều khớp. Trong hơn 70 trường bị ngừng tuyển sinh, không có tên trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội".

Phó hiệu trưởng nhà trường, TS Lê Khắc Đóa phát biểu tại cuộc gặp gỡ.
Phó hiệu trưởng nhà trường, TS Lê Khắc Đóa phát biểu tại cuộc gặp gỡ.

Ngày 14/4/2005, Hiệu trưởng trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã thành lập Trung tâm Hợp tác và Đào tạo với nước ngoài. Đến nay, số lượng học sinh Lào đang học tập tại trường đã lên tới con số 100, số lượng sinh viên này tập trung học tập sinh hoạt tại cơ sở 2 của trường ở Từ Sơn (Bắc Ninh).

Chia sẻ cảm nhận về môi trường học tập tại trường Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, một sinh viên Lào tỏ ra hết sức thích thú khi cho biết: Môi trường học tập tại đây cực kỳ tốt. Bên cạnh đó, trường có cơ sở vật chất khang trang, khuôn viên nhà trường đẹp, ký túc xá gần trường tạo kiều kiện học tập thuận lợi cho các bạn du học sinh Lào học tập khi ở xa nhà.

Cũng trong khuân khổ cuộc gặp gỡ, các bạn học sinh Lào và các bạn sinh viên Việt Nam đã được nghe hai Tiến sĩ trẻ mới bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Đài Loan chia sẻ kinh nghiệm học tập ở nước ngoài. 

Một tiến sĩ mới tốt nghiệp tại trường ĐH Trung Nguyên (Đài Loan) cho biết: "Khi có cơ hội được ra nước ngoài học tập, các bạn nên tranh thủ cơ hội đó để học tập. Theo đó, các bạn không chỉ học tập kiến thức, mà còn được học về kinh nghiệm quản lý, văn hóa ở nước các bạn đang học tập. Nếu học tập ngoại ngữ trong nước, thời gian học có thể từ 2 - 3 năm nhưng chưa chắc các bạn đã thành thạo, nhưng ra nước ngoài, vì có môi trường tiếp xúc tốt nên các bạn sẽ được trau dồi kiến thức ngoại ngữ thuần thục hơn". 

Bên cạnh đó, TS Nguyễn Quang Vĩnh người vừa bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại trường Phùng Giáp (Đài Loan) chia sẻ: "Môi trường học tập ở Đài Loan gần như "copy" hoàn toàn môi trường học tập ở Mỹ, thành ra sinh viên sẽ có cơ hội phát huy tính năng động rất cao. Họ đánh giá cao quá trình thực hành chứ không phải lý luận. Bởi vậy, sinh viên phải có ý thức chủ động trong việc học tập"./.

Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội là trường đại học tư thục được thành lập tháng 6/1996  do Giáo sư Trần Phương - Chủ tịch Hội khoa học Kinh tế Việt Nam, nguyên ủy viên Trung ương ĐCS Việt Nam (khóa IV, V), nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng làm hiệu trưởng. 

Trường xác định sứ lệnh là đào tạo các nhà kinh tế thực hành và các nhà kỹ thuật - công nghệ thực hành, tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Qua 17 năm hoạt động, đến nay trường đã có hơn 20.000 sinh viên tốt nghiệp. Hiện nhà trường đang đào tạo các trình độ như: sinh viên đại học, học viên thạc sĩ, sinh viên cao đẳng, liên kết đào tạo với nước ngoài với số lượng lên tới 40.871 sinh viên, học viên.
Năm 3013, trường đã tuyển và nhập học 8.080 sinh viên. Dự kiến kỳ tuyển sinh năm nay, nhà trường sẽ tuyển và nhập học bằng hoặc nhiều hơn chỉ tiêu năm 2013.
Phạm Liễu