Vì sao Trung Quốc hủy bỏ nhãn hiệu cà phê "Buon Ma Thuot"?

21/02/2014 09:18
Phạm Liễu
(GDVN) - Dù anh có đăng ký được nhãn hiệu rồi, nhưng nếu nhãn hiệu đăng ký không trung thực và làm tổn hại đến người tiêu dùng thì có thể hủy bỏ...
Hàng loạt nhãn hiệu Việt Nam bị đánh cắp nguyên nhân từ đâu? Chúng ta cần làm gì để bảo vệ thương hiệu của chính mình? Đó là những câu hỏi mà DN cần nghĩ đến.

Hàng loạt nhãn hiệu Việt Nam bị đánh cắp

Ngày 19/2, ông Trịnh Đức Minh - Phó giám đốc Sở KHCN Đắc Lắc, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột cho biết, cơ quan chức năng Trung Quốc đã hủy bỏ nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột do một công ty tại tỉnh Quảng Đông đăng ký bảo hộ độc quyền trước đó. 

Trên thực tế, đã có rất nhiều thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam đã bị nước ngoài đánh cắp, và việc đòi lại thương hiệu cũng là việc vô cùng gian nan do mất rất nhiều thời gian và chi phí.

Vào năm 1998, cơ sở sản xuất kẹo dừa Bến Tre của bà Phạm Thị Tỏ đã bị một đối tác làm nhái và đăng ký độc quyền thương hiệu này tại Trung Quốc. Một năm sau đó, chủ nhãn hiệu kẹo dừa Bến Tre đã phải rất vất vả mới đòi lại được thương hiệu.

Năm 2001, Công ty cà phê Trung Nguyên đã phát hiện thương hiệu của mình bị đăng ký ở nhiều quốc gia. Sau đó, phải mất 2 năm thương thảo và tiêu tốn hàng trăm nghìn đô la Mỹ, Trung Nguyên mới lấy được thương hiệu của mình từ tay một công ty ở Mỹ. Ngay sau đó, cà phê Trung Nguyên đã đăng ký bảo hộ thương hiệu của mình tại hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Trung Nguyên phải mất 2 năm thương thảo và tiêu tốn hàng trăm nghìn đô la Mỹmới lấy được thương hiệu của mình từ tay một công ty ở Mỹ.
Trung Nguyên phải mất 2 năm thương thảo và tiêu tốn hàng trăm nghìn đô la Mỹmới lấy được thương hiệu của mình từ tay một công ty ở Mỹ.
Một năm sau đó, vào năm 2002, thương hiệu Vinataba của Tổng công ty thuốc lá Việt Nam đã bị một công ty ở Indonesia chiếm đoạt và đăng ký thương hiệu ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và 9 nước Asean. Nhưng rồi, Tổng công ty thuốc lá Việt Nam cũng phải chi đến 1 tỷ đồng cho việc bảo vệ thương hiệu.
Cũng chung số phận bị đánh cắp thương hiệu bởi các công ty Thái Lan và Mỹ, phải mất 3 năm ròng rã thực hiện các thủ tục, mới đây thương hiệu nước mắm Phú Quốc mới được Ủy ban Châu Âu (EC) cấp quy chế bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Liên hiệp Châu Âu (EU).
Còn chỉ dẫn địa lý của thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuật tỉnh Đắc Lắc vào năm 2010 đã bị công ty Quảng Châu - Buôn Ma Thuật Coffee tại tỉnh Quảng Đông đăng ký nhãn hiệu độc quyền trong vòng 10 năm tại Trung Quốc.
Đừng để "mất bò mới lo làm chuồng"
Mới đây nhất, sau gần 1 năm phía Việt Nam nộp đơn yêu cầu hủy đăng ký thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuật, phòng đăng ký xét xử và xem xét lại thuộc Bộ Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc vừa ra phán quyết hủy bỏ nhãn hiệu cà phê mang nhãn hiệu Buôn Ma Thuật trên toàn lãnh thổ Trung Quốc.

Nói về hành trình dành chiến thắng, ông Phạm Vũ Khánh Toàn, Trưởng văn phòng Luật sư Phạm và Liên danh - đơn vị đại diện của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắc Lắc thực hiện việc kiện đòi thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuật ở Trung Quốc cho biết: "Chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ luật nhãn hiệu của Trung Quốc và thấy có những điều khoản tương đồng với Việt Nam cũng như các nước khác.

Trung Quốc hủy bỏ nhãn hiệu cà phê "Buon Ma Thuot".
Trung Quốc hủy bỏ nhãn hiệu cà phê "Buon Ma Thuot".
Đó là, dù anh có đăng ký được nhãn hiệu rồi, nhưng cơ quan thẩm quyền xem xét, nếu thấy nhãn hiệu đăng ký không trung thực và làm tổn hại đến người tiêu dùng thì có thể hủy bỏ hiệu lực của việc đăng ký bảo hộ này.
Theo đó, chúng tôi đã đưa ra một loạt chứng cứ, cơ sở pháp lý dựa trên luật quốc tế cũng như luật của Trung Quốc. Đồng thời, chúng tôi đã đề xuất phương án và được đối tác Trung Quốc nhất trí cao. Sự nhất trí cao này rất thuận lợi ở việc tiết kiệm được thời gian. 
Thường các doanh nghiệp rất ngại khi tranh chấp, kiện tụng ở nước ngoài chính là bởi chi phí luật sư rất cao. Bản thân chúng tôi ngay từ đầu đã chủ động đưa ra phương án của mình giúp phía Việt Nam tiết kiệm được rất nhiều chi phí".
Nói về bài học cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc bảo vệ thương hiệu của mình, luật sư  Phạm Vũ Khánh Toàn cho rằng: "Các chỉ dẫn địa lý cũng là tài sản quốc gia, vì vậy, chính quyền các địa phương cũng nên tìm hiểu các thị trường tiềm năng trên thế giới để tìm cho mình những biện pháp bảo vệ chỉ dẫn địa lý sớm nhất có thể. Tránh trường hợp "mất bò mới lo làm chuồng"./.

Nguồn VTV

Phạm Liễu