Trí thức hay thực chất chỉ là những kẻ tham nhũng ngân sách?

21/02/2014 10:20
Vũ Tuấn Anh – Viện Quản Lý Việt Nam
(GDVN) - Đã đến lúc nhà nước và bộ giáo dục cần hành động để đảm bảo những đồng tiền học bổng đến đúng người và thu hồi lại...

Nhân phẩm của trí thức

Thời nào cũng vậy kẻ sĩ luôn luôn được thiên hạ đánh giá cao. Quan trọng hơn nữa, thiên hạ yêu cầu và đòi hỏi nhân phẩm từ kẻ sĩ. Trong những năm gần đây, những kẻ sĩ đi du học theo học bổng của nhà nước hoặc từ những nguồn của nhà nước lại không có nhân phẩm khi không thực hiện đúng những cam kết của mình.


Một đứa trẻ con trong xã  hội cũng được dạy dỗ và hiểu rằng làm đúng những gì mình cam kết và hứa là mức độ tối thiểu của nhân phẩm.

Học bổng nhà nước đang bị lợi dụng bởi một số "tri thức" thiếu nhân phẩm
Học bổng nhà nước đang bị lợi dụng bởi một số "tri thức" thiếu nhân phẩm

Các dự án học bổng nhà nước hoặc các học bổng theo quan hệ của nhà nước như ADB, WB, Fullbright luôn luôn kèm theo điều kiện rất rõ ràng ngay từ lúc thông báo học bổng rằng các ứng viên sau khi nhận học bổng phải cam kết quay trở lại Việt Nam để đóng góp cho phát triển.

Một điều kiện rất rõ ràng của các học bổng này đó là các ứng viên phải là cán bộ công nhân viên nhà nước mới có thể có học bổng hoặc trúng tuyển học bổng.

Trên thực tế, có rất nhiều ứng viên tìm đủ mọi cách để có thể trở thành cán bộ nhà nước chỉ để mai phục tìm học bổng có nguồn ngân sách đi học.  

Khi nhận học bổng các ứng viên đều biết rất rõ và tường tận những giá trị mình nhận và các trách nhiệm cùng nghĩa vụ phải thực hiện với người trả tiền cho họ đi học – nhà nước.

Trước khi nhận học bổng  thì họ vui vẻ hoặc giả vờ vui vẻ  khi là cán bộ công chức nhà nước. Hoàn thành xong các chương trình thạc sỹ và tiến sỹ bằng những đồng tiền ngân sách  có nguồn gốc từ mồ hôi công sức của 84 triệu dân đóng góp.

Họ bắt đầu so đo , phê phán , đòi hỏi mức lương cho xứng đáng tấm bằng và trình độ của họ tại cơ quan nhà nước. Họ quên đi mất một lẽ căn bản nhất của nhân phẩm đó là họ mới chỉ nhận hoàn toàn chưa có đóng góp gì lại cho đất nước đã cử họ đi.

Họ viện dẫn những khó khăn và môi trường làm việc, lương bổng để lẩn tránh nghĩa vụ với những giá trị và quyền lợi họ đã nhận được trong suốt 3-4 năm.

Họ than phiền về đủ mọi thứ mà bản thân họ hiểu rất rõ khi ký vào tờ giấy nhận tiền.  Họ so sánh quyền lợi tại nước ngoài với các khó khăn ở trong nước Việt Nam mà quên đi một điều căn bản – chính vì tấm vé học bổng đó mới đưa họ ra nước ngoài.

Một cách thẳng thắn, nếu không có tiền nhà nước thì họ vẫn chỉ là những cán bộ bình thường . Cam kết với những gì  mình ký là mức độ tối thiểu của nhân cách một con người trong mọi xã hội.

Thật đáng lên án những cá nhân tự xé toạc những tờ giấy cam kết do chính mình ký để tìm cách thụ hưởng những lợi ích và giá trị bản thân cho mình và gia đình.

Một luận điệu mà các tiến sỹ hay thạc sỹ này hay đưa ra khi từ chối trách nhiệm mà họ phải thực hiện là môi trường khoa học và nghiên cứu tại Việt Nam chưa phát triển.

Trong môi trường đó họ không phát triển được cái gọi là tài năng hay kiến thức của họ. Ngụy biện đó rất nguy hiểm vì nó dường như rất có lý. Tuy nhiên nhìn vào bản chất nó không chính xác. Mục đích các chương trình học bổng của nhà nước nhằm tạo nguồn cán bộ và chuyên gia phục vụ cho mục đích phát triển của đất nước quan trọng hơn phát triển tài năng và nghề nghiệp của mỗi cá nhân.

Câu chuyện nhà bác học Đặng Văn Ngữ quay trở về Việt Nam và chế penicillin vẫn còn nóng hổi cho mỗi tri thức khi ngửa tay nhận những đồng tiền chắt chiu từ ngân sách.

Các tiến sỹ nhận học bổng của nhà nước là gánh vác trách nhiệm giúp cho tri thức nước nhà phát triển. Đất nước Việt Nam còn nghèo hèn, kém và cần sự đóng góp từ họ. Khi cấp học bổng nhà nước cho các tri thức, nhà nước đã thực hiện triết lý sống cao cả - Cho Để Nhận trong khi đó các thạc sỹ và tiến sỹ lại hành xử theo một phương cách vô học Nhận Rồi Bùng.

Họ có thể ở lại và viện dẫn những lý do này nọ rất hấp dẫn. Khi họ không thực hiện đúng cam kết những gì họ đã ký thì nhà nước cần sử dụng tới những luật lệ và qui định hành chính để xử lý nhằm thu hồi tiền học bổng của họ.

Tiền học bổng cũng là ngân sách nhà nước và có nguồn gốc từ đóng góp tiền thuế của nhân dân. Hành xử chiếm dụng tiền ngân sách không quay trở lại về bản chất cũng là một hiện tượng tham nhũng của công và cần phải xử lý một cách nghiêm túc. 

Cần hành động

Không thể nào chấp nhận tiền của công tương đương với  vài con vịt có thể dẫn tới án tù trong khi đó các cá nhân “ tham nhũng sạch “ hàng chục hàng trăm ngàn USD tiền ngân sách học bổng  lại ung dung rao giảng những khó khăn và thách thức cho chính quyền lợi của bản thân họ.

Các thạc sỹ tiến sỹ khi chiếm dụng một xuất học bổng nhà nước đồng thời ở lại đã tước đi cơ hội của một người khác sẵn sàng nhận học bổng và quay trở lại. Do đó việc truy cứu trách  nhiệm và thu lại số tiền học bổng mà cá nhân đó đã nhận cần phải thực hiện một cách quyết liệt và hệ thống giữa ba bộ - bộ giáo dục và đào tạo, bộ ngoại giao và bộ đã cử cán bộ đi học để thu hồi tiền học bổng và trao lại cho những cá nhân xứng đáng hơn trong xã hội.

Các biện pháp có thể từ biện pháp hành chính tới những biện pháp cao hơn như cấm nhập cảnh vào Việt Nam với những cá nhân không thực hiện cam  kết với nhà nước. Các biện pháp mạnh hơn nữa có thể khởi tố đương sự với tội chiếm dụng tiền ngân sách nhà nước.

Nhân phẩm và giá trị là những điều rất căn bản để tạo ra những cá nhân đóng góp cho xã hội. Chúng ta hy vọng gì ở những cá nhân có học hàm , học vị cao đóng góp cho đất nước khi  bản thân họ đã xé toạc tờ cam kết  khi ký nhận học bổng.

Một thế hệ những nhà khoa học và tri thức không có nhân phẩm tối thiểu sẽ lại dạy và truyền đi những điều xấu xa cho thế hệ trẻ - tương lai của Việt Nam. Đã đến lúc nhà nước và bộ giáo dục cần hành động để đảm bảo những đồng tiền học bổng đến đúng người và thu hồi lại cho đủ từ những cá nhân “tham nhũng sạch“  tiền học bổng nhà nước.

Vũ Tuấn Anh – Viện Quản Lý Việt Nam