Cả nước có 20 tỉnh, 65 ổ dịch, 61.611 con gia cầm mắc bệnh, chết

25/02/2014 13:55
NGUYỄN HỒ
(GDVN) - Tin từ Cục Thú y (Bộ NNPTNT) cho biết, ngày 24/2, cả nước có thêm 3 tỉnh có dịch H5N1 là Phú Thọ, Bình Định và Trà Vinh.
Hiện nay, cả nước còn 65 ổ dịch tại 20 tỉnh có dịch Cúm gia cầm H5N1, số gia cầm mắc bệnh, chết là 61.611 con, toàn bộ số gia cầm trong đàn mắc bệnh đã được địa phương tiêu hủy. Cụ thể:
Tại Đắk Lắk: Dịch Cúm gia cầm đã xảy ra ở 2 hộ chăn nuôi tại 2 xã của huyện Buôn Đôn và Cư Kuin làm 1.651 con gia cầm mắc bệnh. 

Tại Long An: Dịch Cúm gia cầm đã xảy ra ở 3 hộ chăn nuôi tại 3 xã của 2 huyện Châu Thành và Tân Trụ làm 600 con gia cầm mắc bệnh. Ngày 14.2.2014, UBND tỉnh Long An đã có Quyết định số 552/QĐ-UBND về việc công bố dịch cúm H5N1 trên gia cầm xã Quê Mỹ Thạnh (huyện Tân Trụ) và xã Bình Quới (huyện Châu Thành) tỉnh Long An.

Tăng cường kiểm tra, phòng dịch (Ảnh minh họa)
Tăng cường kiểm tra, phòng dịch (Ảnh minh họa)
Tại Kon Tum: Dịch Cúm gia cầm đã xảy ra ở 5 hộ chăn nuôi tại 4 xã của 3 huyện Ngọc Hồi, Sa Thầy và TP Kon Tum làm 4.042 con gia cầm mắc bệnh.
Tại Tây Ninh: Dịch Cúm gia cầm đã xảy ra ở 6 hộ chăn nuôi ở 6 xã tại 02 huyện Châu Thành và Bến Cầu làm 2.348 con gia cầm mắc bệnh. Ngày 14.2.2014, UBND tỉnh Tây Ninh đã có Quyết định số 350/QĐ-UBND về việc công bố dịch cúm gia cầm tại huyện Châu Thành. Lưu hành vi rút H5N1 trên địa bàn tỉnh thuộc Clade 2.3.2.1.C
Tại Cà Mau: Dịch Cúm gia cầm đã xảy ra ở 2 hộ chăn nuôi tại 2 huyện Trần Văn Thời và TP Cà Mau làm 146 con gia cầm mắc bệnh. Lưu hành vi rút H5N1 trên địa bàn tỉnh thuộc Clade 2.3.2.1C (TP. Cà Mau) và Clade 1.1 (huyện Thới Bình).
Tại Khánh Hòa: Dịch Cúm gia cầm đã xảy ra ở 12 hộ chăn nuôi tại 9 xã của 3 huyện Cam Lâm, Diên Khánh và TX Ninh Hoà làm 10.207 con gia cầm mắc bệnh. Ngày 12.2.2014, UBND tỉnh Khánh Hoà đã có Quyết định số 319/QĐ-UBND về việc công bố dịch bệnh Cúm gia cầm (H5N1) tại thị xã Ninh Hoà. Lưu hành vi rút H5N1 trên địa bàn tỉnh thuộc Clade 2.3.2.1.C
Tại Quảng Ngãi: Dịch Cúm gia cầm đã xảy ra ở 5 hộ chăn nuôi tại 5 xã của 2 huyện Đức Phổ và Nghĩa Hành làm 4.383 con gia cầm mắc bệnh.
Tại Nam Định: Dịch Cúm gia cầm đã xảy ra ở 1 hộ chăn nuôi của huyện Giao Thuỷ làm 510 con gia cầm mắc bệnh. Ngày 11.2.2014, UBND tỉnh Nam Định đã có Quyết định số 241/QĐ-UBND về việc công bố dịch cúm gia cầm A H5N1 trên địa bàn xã Giao Hà, huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định.
Tại Phú Yên: Dịch Cúm gia cầm đã xảy ra ở 2 hộ chăn nuôi tại 1 xã của huyện Đông Hoà làm 2000 con gia cầm mắc bệnh.
Tại Lào Cai: Dịch Cúm gia cầm đã xảy ra ở 25 hộ chăn nuôi tại xã 4 xã của huyện Bảo Thắng làm 10.850 con gia cầm mắc bệnh. Ngày 14.2.2014, UBND tỉnh Lào Cai đã có Quyết định số 399/QĐ-UBND về việc công bố dịch Cúm A/H5N1 trên địa bàn huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai.
Tại Bà Rịa-Vũng Tàu: Dịch Cúm gia cầm đã xảy ra ở 1 hộ chăn nuôi của huyện Xuyên Mộc làm 700 con gia cầm mắc bệnh.
Tại Nghệ An: Cúm gia cầm đã xảy ra ở 6 hộ chăn nuôi tại 6 xã của 5 huyện Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Yên Thành, TX Hoàng Mai và Nghĩa Đàn làm 1.852 con gia cầm mắc bệnh.
Tại Hà Tĩnh: Dịch Cúm gia cầm đã xảy ra ở 7 hộ chăn nuôi của 2 xã của huyện Cẩm Xuyên làm 1.225 con gia cầm mắc bệnh.
Tại Quảng Bình: Dịch Cúm gia cầm đã xảy ra ở 1 hộ chăn nuôi của huyện Bố Trạch làm 2.270 con gia cầm mắc bệnh.
Tại Cần Thơ: Dịch Cúm gia cầm đã xảy ra ở 7 hộ chăn nuôi của 3 xã của 3 huyện Bình Thuỷ, Phong Điền và quận Ô Môn làm 6.077 con gia cầm mắc bệnh. Ngày 20/2/2014, UBND thành phố Cần Thơ đã có Quyết định số 469/QĐ-UBND về việc công bố dịch cúm gia cầm H5N1 trên địa bàn xã Tân Thới, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ. Lưu hành vi rút H5N1 trên địa bàn tỉnh thuộc Clade 2.3.2.1.C
Tại Vĩnh Long: Dịch Cúm gia cầm đã xảy ra ở 6 hộ chăn nuôi tại 6 xã của 4 huyện Bình Minh, Tam Bình, Trà Ôn và Vũng Liêm làm 9.522 con gia cầm mắc bệnh. Lưu hành vi rút H5N1 trên địa bàn tỉnh thuộc Clade 2.3.2.1.C
Tại Thanh Hóa: Dịch Cúm gia cầm đã xảy ra ở 2 hộ chăn nuôi của 2 xã thuộc huyện Tĩnh Gia làm 275 con gia cầm mắc bệnh. Ngày 19.2.2014, UBND tỉnh Thanh Hoá đã có Quyết định số 500/QĐ-UBND về việc công bố dịch cúm gia cầm A/H5N1 trên đàn gia cầm tại xã Tân Trường, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hoá.
Tại Phú Thọ: Dịch cúm gia cầm đã xảy ra ở 2 hộ chăn nuôi gà của 2 xã thuộc 2 huyện Thanh Ba và Tam Nông làm 1.113 con gia cầm mắc bệnh. Ngày 22.2.2014, UBND tỉnh Phú Thọ đã có Quyết định số 414/QĐ-UBND về việc công bố dịch cúm gia cầm H5N1 trên địa bàn xã Đông Lĩnh, huyện Thanh Ba.
Tại Bình Định: Dịch cúm gia cầm đã xảy ra ở 3 hộ chăn nuôi của 3 xã thuộc 3 huyện Tây Sơn, Phù Cát, Tuy Phước làm 240 con gà và 550 con vịt mắc bệnh.
Tại Trà Vinh: Dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại 2 hộ chăn nuôi thuộc 2 xã, 1 huyện Tiểu Cần làm 1.050 con gia cầm mắc bệnh. Ngày 24.2.2014 UBND tỉnh đã có quyết định số 215/QĐ-UBND về việc công bố dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.
Về mặt dịch tễ, qua phân tích của giới chuyên môn, có thể thấy,trung bình mỗi ngày xuất hiện 02 ổ dịch mới; Trung bình mỗi tỉnh có 03 ổ dịch xảy ra tại 02 huyện.
Dịch gia tăng (Trung bình 4-7 ổ dịch/ngày) từ sau dịp Tết nguyên đán từ ngày 5.2.2014. Từ 10-14.2.2014, số lượng ổ dịch xuất hiện nhiều nhất.
Trong năm 2014, vi rút cúm H5N1 nhánh 1.1 đã được phát hiện tại ổ dịch trên gà tại Bạc Liêu, Kiên Giang, và Cà Mau; Hầu hết các ổ dịch trên gia cầm (gà, vịt, ngan) tại các tỉnh có dịch do vi rút H5N1 nhánh 2.3.2.1C. Việc cập nhật thông tin lưu hành vi rút Cúm gia cầm đã được Cục Thú y gửi các địa phương thường xuyên, cụ thể tại văn bản số 31/TY-DT ngày 06/01/2014, văn bản số 168/TY-DT ngày 10.2.2014 của Cục Thú y.
Về nguyên nhân xảy ra dịch:
Thứ nhất, do Thời tiết trong tháng 1-2/2014 lạnh cả 3 miền Bắc, Trung, Nam là môi trường thuận lợi để vi rút H5N1 tồn tại và lây lan.
Thứ hai, trong dịp Tết nguyên đán, gia tăng việc đi lại, mua bán gia cầm, sản phẩm gia cầm của người dân dẫn đến vi rút có điều kiện phát tán.
Thứ ba, nhiều địa phương không triển khai công tác tiêm phòng định kỳ đợt 2 năm 2013 và chưa tổ chức tiêm phòng đợt 1/2014 cho nên các đàn gia cầm không có miễn dịch bảo hộ vi rút Cúm H5N1.
Thứ tư, công tác thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng thường xuyên môi trường chăn nuôi không được thực hiện trong thời gian qua tại nhiều địa phương.
Thứ năm, qua công tác giám sát thường xuyên của Cục Thú y cho thấy tỷ lệ lưu hành vi rút H5N1 trên đàn thuỷ cầm tại các chợ buôn bán gia cầm trong năm 2013 gần 6%.
Cuối năm 2013 và đầu năm 2014, nhánh vi rút 2.3.2.1C đã xâm nhập vào các tỉnh phía Nam và gây bệnh thay cho nhánh 1.1 lưu hành phổ biến tại các tỉnh phía Nam trong những năm trước đây. Nguyên nhân có thể do quá trình vận chuyển gia cầm từ phía Bắc vào Nam, sau đó lây lan qua các đàn vịt chạy đồng trong vùng dẫn đến việc nhánh 2.3.2.1C xuất hiện và lưu hành rộng rãi tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Cục Thú ý cung đưa ra nhận định, Các ổ dịch vừa qua xảy ra chủ yếu trên đàn gia cầm nuôi tại các hộ gia đình và đã được chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn thú y phát hiện và xử lý kịp thời nên chưa có hiện tượng lây lan diện rộng (4 tỉnh có 1 hộ bị dịch; 6 tỉnh có 2 hộ có dịch,...; trung bình mỗi tỉnh có 03 ổ dịch xảy ra tại 02 huyện). Riêng các tỉnh Khánh Hòa và Lào Cai có số lượng lớn gia cầm mắc bệnh phải tiêu hủy.
Thời gian tới, nguy cơ xảy ra dịch nhỏ lẻ ở các địa phương là rất cao. Nếu các địa phương tăng cường công tác giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời thì vẫn kiểm soát được dịch.
NGUYỄN HỒ