Ngân hàng cảnh báo hàng loạt chiêu lừa đảo mới

27/02/2014 10:32
Bình An (Tổng hợp)
(GDVN) - Hàng loạt các ngân hàng lại vừa đưa ra cảnh báo với khách hàng của mình cần phải cẩn trọng với các chiêu lừa đảo.

Theo các ngân hàng, gần đây lại xuất hiện một số đối tượng đánh cắp được thông tin của khách hàng, sau đó dùng sim điện thoại rác tự xưng là nhân viên, tổ chức từ thiện, công an điều tra, cán bộ thi hành án và nhân viên ngân hàng... để thông báo là khách hàng có trúng thưởng và thận chí là dọa dẫm khách hàng có dính líu đến các vụ án hình sự.

Các đối tượng này yêu cầu khách hàng phải nộp hoặc chuyển một khoản tiền nào đó vào một tài khoản để nhận viện trợ, nhận thưởng hoặc giải quyết các vụ án. 

Dù thủ đoạn này không phải là mới nhưng nhiều người vấn mắc phải. Các ngân hàng vẫn khuyến nghị nếu có bất kỳ nghi vấn nào liên quan đến tội phạm đề nghị khách hàng phải báo ngay đến cơ quan chức năng và ngân hàng. 

Tuy nhiên, trước những cảnh báo này thì không ít ý kiến cho rằng vấn đề nằm ở chỗ bảo mật thông tin của khách tại các ngân hàng. Vì sao nhiều đối tượng xấu lại biết được tên tuổi, số tài khoản cũng như cả số điện thoại của khách để gọi điện lừa đảo khiến khách hàng có thể bị mắc lừa.

Ngày 25/2, Văn phòng Công an (CA) TP.HCM đã có văn bản cảnh báo về tình trạng tội phạm dùng thủ đoạn gọi điện thoại cho người dân giả danh cơ quan CA đe dọa, cho rằng họ có liên quan đến hoạt động rửa tiền, đồng thời đề nghị chuyển tiền vào một tài khoản bí mật để kiểm tra, rồi chiếm đoạt.

Theo CA TP.HCM, sau khi triệt phá một số nhóm lừa đảo bằng thủ đoạn trên, trong những ngày gần đây vẫn còn tình trạng các đối tượng khác tiếp tục sử dụng phương thức, thủ đoạn trên để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân.

Báo cáo của CA TP.HCM cho thấy, từ đầu tháng 1/2014 đến ngày 20/2, CA TP.HCM đã ghi nhận có 8 trường hợp nạn nhân tại TP.HCM  bị lừa, số tiền thiệt hại lên đến 2,264 tỷ đồng đồng. 

Điển hình là trường hợp xảy ra lúc 15 giờ ngày 20/2/2014 với bà Nguyễn Thị T. (quận 1, TP. HCM). Bà T. nhận được điện thoại gọi vào máy điện thoại bàn tại nhà, một người đàn ông tự xưng tên Hiếu CA TP Hà Nội thông báo bà T. có liên quan đến vụ mua hàng cấm và rửa tiền nên đã báo cho ngân hàng niêm phong tài khoản và nhà của bà T. 

Sau đó, đối tượng yêu cầu bà T. đến ngân hàng Sacombank (quận 1, TP. HCM) chuyển 800 triệu đồng vào số tài khoản 060078906300. Đến 16h cùng ngày, bà T. đến ngân hàng Sacombank chuyển tiền vào tài khoản trên. Sau khi chuyển tiền xong, bà T. mới biết mình bị lừa nên đến cơ quan CA trình báo.

Với trường hợp của ông Trần Tiến S. (ngụ quận Bình Thạnh) vào lúc 9h ngày 9/1/2014, ông S. nhận được điện thoại từ số 0439424244 của một người tự xưng là cán bộ của Bộ CA đang điều tra chuyên án có liên quan đến ông S. nên yêu cầu gửi 400 triệu đồng vào tài khoản số 060077595549. Sau đó ông S. đã đến ngân hàng Sacombank (số 159 Phan Xích Long, phường 7, quận Phú Nhuận) gửi tiền vào số tài khoản trên. Hầu hết các nạn nhân sau khi chuyển tiền vào tài khoản theo yêu cầu của các đối tượng mới biết mình bị lừa và trình báo cơ quan CA. 

Các đối tượng đều sử dụng thủ đoạn giả danh nhà mạng nhắc nợ cước điện thoại, sau đó dẫn dụ nạn nhân bấm theo số hướng dẫn để gặp đối tượng giả danh CA. 

Tiếp đó, đối tượng thông báo cho biết nạn nhân đang đứng tên một tài khoản của một ngân hàng với số tiền lớn có liên quan đến hoạt động rửa tiền mà lực lượng CA đang điều tra, đồng thời gợi hỏi nạn nhân có bao nhiêu tiền gửi tiết kiệm trong ngân hàng và đề nghị họ gửi toàn bộ số trên vào tài khoản “thanh tra Công an” để điều tra làm rõ. Do các nạn nhân tin tưởng đây là tài khoản của cơ quan CA nên đã chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng lừa đảo.

CA TP.HCM nhận định, đây là hoạt động tội phạm có tổ chức gồm nhiều đối tượng tham gia, hoạt động trên phạm vi các tỉnh, thành phố trong nước và ở cả ngoài lãnh thổ Việt Nam. Hiện cơ quan CA đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng để tiếp tục điều tra, truy bắt các đối tượng phạm tội.

Bình An (Tổng hợp)