TS Nguyễn Trí Hiếu: "Nợ xấu nhiều ngân hàng đang ở mức nguy hiểm"

27/02/2014 14:19
Hoàng Lực
(GDVN) - Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, những ngân hàng ôm nợ xấu lớn hơn con số 3% sẽ có nguy cơ đổ vỡ lớn do nợ xấu ăn sâu vào lợi nhuận và vốn chủ sở hữu.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam là 3,79%, giảm 1% so với năm 2013. Tuy nhiên soi kỹ những “ông lớn” trong hệ thống ngân hàng, không ít ngân hàng đang có tỷ lệ nợ xấu ở mức cao.

Cụ thể Ngân hàng Agribank dù đã bán xong 2.534 tỷ đồng nợ xấu cho Công ty Quản lý và Khai thác Tài sản Việt Nam (VAMC), nhưng ước tính số nợ xấu còn lại của ngân hàng này là gần 33.519 tỷ đồng. Còn theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 7/2013, nợ xấu các nhà băng tự báo cáo là gần 139.000 tỷ đồng, con số này chiếm tới 25% số nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng. 

TS Hiếu cho rằng ngân hàng lớn đang có tỉ lệ nợ xấu trên 3% đều ở mức nguy hiểm
TS Hiếu cho rằng ngân hàng lớn đang có tỉ lệ nợ xấu trên 3% đều ở mức nguy hiểm

Đứng sau Agribank, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) hiện còn hơn 3.000 tỷ đồng nợ xấu tương ứng với tỷ lệ 4,06%, tiếp đến Ngân hàng Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) cũng đang có số lượng nợ xấu cao chiếm 3.6%. Trong khi đó một số ngân hàng tỉ lệ nợ xấu đang có chiều hướng tăng Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) tỷ lệ nợ xấu tăng lên 3.03%, MBBank nợ xấu tăng lên 2.4%...

Đánh giá con số nợ xấu khủng của một loạt ngân hàng lớn hiện nay, TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng độc lập cho rằng, con số này vẫn ở mức cao, nguy hiểm với các ngân hàng.

TS Nguyễn Trí Hiếu
TS Nguyễn Trí Hiếu

Đối với nền kinh tế, phát triển tỷ lệ nợ xấu của một ngân hàng được coi là an toàn phải ở mức dưới 1%. Với một thị trường rủi do như Việt Nam, tỷ lệ nợ xấu được cho phép ở mức dưới 3%. “Như vậy những ngân hàng có số nợ xấu vượt trên mức 3% đều ở mức nguy hiểm”, TS Hiếu đánh giá.

Theo đó, lo ngại lớn nhất của các ngân hàng có nợ xấu cao là nguy cơ ảnh hưởng lợi nhuận và vốn chủ sở hữu. 

Nêu ví dụ, TS Hiếu cho biết: Một ngân hàng có số nợ xấu 100 triệu đồng, nợ xấu thuộc nhóm 4 (nhóm nợ xấu được trích nguồn tiền dự phòng rủi ro 50%), tài sản thế chấp trị giá 30 triệu đồng, khi đó số nợ xấu còn lại 70 triệu đồng, 70 triệu đồng trừ đi một nửa từ nguồn từ dự phòng rủi ro, 35 triệu đồng số nợ xấu ngân hàng bán lại cho VAMC. Nhưng 35 triệu đồng trích từ quỹ dự phòng rủi ro sau đó sẽ được ngân hàng lấy từ tiền lãi của năm đó. Trong trưởng hợp lãi không đủ ngân hàng buộc phải lấy từ ngồn vốn chủ sở hữu, đây là điều nguy hiểm.

Cũng liên quan đến con số nợ xấu cũng như việc xử lý nợ xấu của VAMC, mới đây NHNN vừa ban hành Thông tư 04 (có hiệu lực từ 1/6/2014), trong đó quy định VAMC phải công khai, minh bạch thông tin về hoạt động của VAMC. Các số liệu thống kê của VAMC phải đảm bảo tính đầy đủ, kịp thời, trung thực, khách quan và chính xác. 

Ngoài con số nợ xấu phải công khai, minh bạch các thông tin về các chính sách quản lý, quy định nội bộ về mua, bán, xử lý nợ xấu theo quy định tại Thông tư 19, VAMC cũng phải công khai quy trình, phương pháp định giá nợ, tài sản, các quy trình, phương pháp bán nợ, tài sản do VAMC xây dựng.

Đánh giá nội dung mới tại Thông tư 04, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đây việc cần làm có ý nghĩa quan trọng. Theo ông Hiếu đáng nhẽ ngân hàng nhà nước nên đưa ra sớm hơn khi đó tránh được dư luận trước đó về con số nợ xấu thực giữa Monndy’s và NHNN đưa ra.

“Thông tin người dân, nhà đầu tư quan tâm lúc này là con số nợ xấu VAMC đã mua là bao nhiêu, còn bao nhiêu chưa được mua? Xử lý nợ xấu được bao nhiêu? Cùng với đó là các thông tin về tài sản thế chấp, nhóm nợ xấu, đánh giá tài sản thế chấp, nhất là tài sản BĐS… Những thông tin đó cần minh bạch để người dân được biết, đồng thời thông tin này hỗ trợ nhà đầu tư khi có ý định mua lại nợ xấu”, ông Hiếu cho biết.

Trên góc độ một nhà đầu tư ông Hiếu cho rằng, giữa nhà đầu tư, VAMC và ngân hàng bán nợ xấu phải thương thảo đánh giá món nợ. Cụ thể nhà đầu tư phải biết tài sản thế chấp giá trị như thế nào? Được đánh giá khi nào? Ai đánh giá? Cùng với đó là tỉ lệ triết khấu, món nợ là 100% nhưng khi bán phải triết khẩu có khi chỉ còn 70%, 50%...

Hoàng Lực