Vụ chi tiền tỷ “bôi trơn" đầu vào cao học: Bản lĩnh chịu trách nhiệm!

02/03/2014 08:08
QUỐC TOẢN
(GDVN) - Vụ chi tiền “bôi trơn” đầu vào cao học đã trở thành tâm điểm của dư luận thời gian gần đây. Câu hỏi ai đủ bản lĩnh chịu trách nhiệm thì vẫn bị bỏ ngỏ (?!)
“Bong bóng” trách nhiệm…!
Vụ việc 40 học viên tại TTGDTX tỉnh Thanh Hóa bỏ ra số tiền lên tới hơn 1 tỷ đồng đóng cho cán bộ trung tâm này để đấu mối “bôi trơn” đầu vào cao học lớp cao học Quản lý kinh tế đã gây bức xúc cho dư luận thời gian gần đây. Những dấu hiệu tiêu cực chỉ bị lộ khi kết quả thi không đạt như mong muốn của nhiều học viên.

Do không thể “nuốt trôi” số tiền mà các học viên đã lo lót cho cán bộ trung tâm nhằm “chạy” đầu vào cao học nên các cá nhân liên quan đã khắc phục hậu quả bằng cách trả lại tiền cho học viên.

TTGDTX tỉnh Thanh Hóa cũng đã thi hành các hình thức kỷ luật cảnh cáo đối với ông Bùi Sĩ Hồng - Trưởng Phòng QLĐT và bà Lê Thị Liên - cán bộ Phòng QLĐT; khiển trách đối với ông Lê Trọng Sơn - Phó phòng QLĐT.

Tuy nhiên, đã nhiều tháng trôi qua, sự việc vẫn dừng lại ở việc kiểm điểm cá nhân có sai phạm. Trong khi đó trách nhiệm quản lý của người đứng đầu trung tâm này thì vẫn chưa được làm rõ(?). Trước sự việc trên, dư luận tỏ vẻ hoài nghi trước sự im lặng của đơn vị chuyên trách (Sở GD&ĐT Thanh Hóa).
Câu hỏi đặt là, liệu ai đủ bản lĩnh nhận trách nhiệm trước những sai phạm có liên quan?
Trước “búa rìu” dư luận, ông Đào Phan Thắng – Giám đốc TTGDTX Thanh Hóa một mực khẳng định, lãnh đạo trung tâm hoàn toàn không biết sự việc các học viên lén lút “qua mặt” lãnh đạo nộp tiền “chống trượt” cho cán bộ trung tâm. 

(ảnh minh họa)
(ảnh minh họa)

Chẳng lẽ việc học viên nộp lén lút nộp  tiền “chống trượt” cho cán bộ TTGDTX cũng phải báo cáo cho lãnh đạo trung tâm và bàn dân thiên hạ được biết? Như thế sao gọi là lén lút?

Đó là chưa nói đến chuyện trước đó, TTGDTX đã có vài lần vi phạm trong việc đấu mối cho các học viên nộp tiền “chống trượt” đầu vào cao học như phản ánh của nhiều học viên.

Những sai phạm mang tính “truyền thống” đã bị lãnh đạo TTGDTX tỉnh Thanh Hóa phủ nhân và khẳng định không có liên quan gì(?!)
Để qua mắt thiên hạ, ông Thắng đưa ra lý lẽ “đổ tội” cho cấp dưới: “Trong quá trình tổ chức ôn thi, cán bộ phòng quản lý đào tạo (QLĐT) của trung tâm không trình báo với Ban giám đốc TTGDX tỉnh Thanh Hóa về chương trình, kế hoạch dạy ôn, thời gian ôn, số lượng người tham gia, lệ phí ôn thi theo thỏa thuận giữa học viên và giảng viên mời dạy; số tiền học viên đã nộp thêm để bồi dưỡng và tăng cường trách nhiệm cho cán bộ giảng dạy lớp ôn thi Cao học”.
Cứ theo như lý giải của ông Thắng thì chỉ cán bộ cấp dưới của ông mới có lỗi, chứ lãnh đạo trung tâm không có lỗi (?!).

Khen cho tài “chữa cháy” của vị Giám đốc TTGDTX tỉnh Thanh Hóa trước sự việc liên quan đến trách nhiệm của lãnh đạo trung tâm. Tuy nhiên, không biết lãnh đạo TTGDTX cố tình quên hay không nhớ việc tổ chức lớp ôn thi cho các học viên, bởi trước đó chính lãnh đạo trung tâm này đã ký công văn chấp thuận cho cán bộ của mình tổ chức sắp xếp ôn thi cho lớp cao học này:

“Giao cho cán bộ trung tâm toàn quyền quyết định sự việc phòng QLĐT làm thủ tục báo cáo đăng ký phòng học và tiếp tục tham gia quản lý lớp”.

Như vậy không có chuyện lãnh đạo TTGDTX không biết việc tổ chức ôn thi, và càng khó chấp nhận việc lãnh đạo trung tâm này thoái thác trách nhiệm quản lý, để xảy ra sai phạm "động trời" như trên.
Sự việc trên đã diễn ra nhiều tháng nay, nhưng ngay cả phía đơn vị chuyện trách, quản lý (Sở GD&ĐT Thanh Hóa) vẫn chưa có động thái chỉ đạo mạnh mẽ để giải quyết. 
Vậy, trách nhiệm quản lý của lãnh đạo TTGDTX Thanh Hóa đến khi nào mới  được làm sáng tỏ (?).

…và câu chuyện “sính” bằng cấp

Cũng liên quan đến chuyện hơn 40 học viên tại TTGDTX nộp tiền “bôi trơn” đầu vào cao học, có thể thấy rằng, sự việc trên chỉ bại lộ khi phía điểm trường tổ chức kỳ thi cao học làm chặt chẽ công tác tuyển sinh đầu vào. Lúc đó, năng lực của các học viên mới được đánh giá một cách chuẩn mực.

Liên hệ thực tế cho thấy, cũng xuất phát từ quan niệm bằng cấp chính là thước đo năng lực, tại  nhiều cơ quan nhà nước, việc dựa vào bằng cấp để đánh giá hiệu quả học tập, năng lực của công chức, viên chức đã trở thành thực trạng đáng báo động hiện nay.  

Chạy đua lấy bằng thạc sĩ (ảnh minh họa)
Chạy đua lấy bằng thạc sĩ (ảnh minh họa)

Nhân nói đến chuyện bằng cấp, nhiều học giả đã lên tiếng phản ứng gay gắt tình trạng đào tạo tràn lan sau đại học. Tuy nhiên, cứ nhìn vào thực tế thì có thể thấy người học để lấy bằng thì nhiều nhưng chất lượng giáo dục thì càng ngày càng giảm.

Còn nhớ cách đó không lâu, trả lời trên báo điện tử GDVN về những bất cập trong đào tạo sau đại học, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, nguyên nhân của tình trạng học – đạo tạo thạc sĩ tràn lan là do tâm lý sính bằng cấp của một bộ phận, bên cạnh đó chính các cơ quan nhà nước khi tuyển dụng cũng đề cao bằng cấp (chứ không mấy khi đề cao thực hành).
“Còn các cơ quan nhà nước thì cứ phải bằng đẹp mới lọt cửa, đó chính là vì nhiều lãnh đạo ở các cơ quan nhà nước cũng leo lên từ bằng cấp chứ họ không có thực chất nên chính họ không đánh giá được người thực sự có khả năng và người chỉ có cái bằng", PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nhận định.
Chưa có thước đo chuẩn mực để đánh giá tỷ lệ giữa bằng cấp và hiệu quả công việc, tuy nhiên cứ nhìn vào thực tế “ học giả, bằng thật” thì đủ biết năng lực của người ta ra sao.
QUỐC TOẢN