Bầu Đức: U19 như những đứa con trai của tôi, sao không lo được!

15/03/2014 07:51
Hoàng Lực
(GDVN) - Ông Đoàn Nguyên Đức chia sẻ: “Sống với HAGL từ năm 11 tuổi, tụi nó như đứa con thứ hai của tôi rồi, tại sao không lo cho nó”.

Bầu Đức quyết định bắt tay xây dựng Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai – Arsenal – JMG từ đầu năm 2007. Để có mặt bằng xây dựng học viện Bầu Đức đã phải “hy sinh” 5ha cao su đang độ cho mủ (bình quân thu được 300 triệu đồng/ha/năm) tính sơ sơ mỗi năm bầu Đức sẽ mất khoảng 1,5 tỉ đồng (chưa tính lũy tiến). 

Xây dựng học viện rồi phải có chi phí cho chuyên gia đi “tuyển quân” từ Bắc và Nam. Sau nhiều tháng “đãi cát tìm ngọc thô”, cuối cùng Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai – Arsenal – JMG cũng lựa chọn được 19 em có năng khiếu nổi trội đến từ khắp vùng miền trên cả nước. Khi đến với học viện của Bầu Đức các em mới ở độ tuổi từ 9, 10, 11 tuổi.

Bầu Đức: "Tụi nó như đứa con thứ hai của tôi tại sao không lo cho tụi nó"
Bầu Đức: "Tụi nó như đứa con thứ hai của tôi tại sao không lo cho tụi nó"

Ở độ tuổi “ăn chưa no lo chưa tới” không ít gia đình phụ huynh lo việc tập luyện bóng đá sẽ ảnh hưởng việc học của con cái họ, rồi các vấn đề ăn mặc sinh hoạt… Để yên lòng bậc phụ huynh, một hợp đồng được ký kết giữa học viện với phụ huynh các cầu thủ năng khiếu được chọn có quy định - bên cạnh việc đào tạo các em trở thành cầu thủ, học viện có bổn phận chăm lo việc học văn hóa, bảo đảm đến khi tròn 18 tuổi tất cả đều tốt nghiệp THPT và đủ khả năng giao tiếp với người nước ngoài bằng tiếng Anh, tiếng Pháp.

Đến thời điểm hiện tại, khi hợp đồng sắp hoàn thành, một kế hoạch khác bất ngờ được vạch ra mà người vui mừng nhất là các cầu thủ trẻ cũng như gia đình của họ, đó là việc Tập đoàn HAGL đơn vị chủ quản Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai – Arsenal – JMG quyết định cho các cầu thủ trẻ sau khi tốt nghiệp THPT sẽ tiến lên học đại học tại trường Đại học Sư phạm TDTT TP. HCM.

Ngày 11/3 vừa qua HAGL và trường ĐH SP TDTT TP.HCM đã ký hợp đồng về việc đào tạo này.

Theo đó từ tháng 10/2014, sau khi nhận bằng tốt nghiệp THPT 19 cầu thủ trẻ của Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai – Arsenal – JMG sẽ trở thành tân sinh viên, câu chuyện những ông cử đá bóng không phải là chuyện xa vời với bóng đá Việt Nam.

Nhiều người không hiểu tại sao Bầu Đức lại quyết định đầu tư lớn như vậy cho bóng đá khi bóng đá nam Việt Nam lâu nay trầm lắng trên cả đầu trường khu vực quốc tế, trầm lắng cả giải thi đấu trong nước.

Cái trầm lắng ở đây chính là hình ảnh bóng đá nam Việt Nam đi xuống, kể từ sau cúp vô địch Suzuki cup năm 2009, liên tục trong những năm qua bóng đá nam không đạt được thứ hạng cao và không tiến sâu vào được trong các giải đấu khu vực. Nếu trước đây tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam luôn đánh giá sau người Thái thì hiện nay chúng ta xếp sau cả Malaysia, Indonesia.

Bên cạnh thất bại đấu trường quốc tế, bóng đá nam Việt Nam cũng làm khán giả trong nước thất vọng khi giải đầu cao nhất là Việt Nam là V.League lại là nơi được biết đến là võ đài công phu, nạn bạo lực sân cỏ, công tác tổ chức giải đấu… Nguyên nhận của sự đi xuống trên chính là sự thiếu bài bản trong việc tổ chức, thiếu bài bản trong đào tạo con người. Cầu thủ tài năng có thừa nhưng đạo đức sân cỏ lại là chuyện đang thiếu.

Trong lúc bóng đá nam Việt Nam đang ảm đạm thì đội U19 Việt Nam với nòng cốt là 19 cầu thủ thuộc Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai – Arsenal – JMG trở thành điểm sáng với những thành công liên tục giải đầu trẻ khu vực và châu lục. Một lối chơi bài bản, mềm mại được các cầu thủ trẻ của Bầu Đức thể hiện làm mãn nhãn người hâm mộ cả nước.

Trở lại câu chuyện quyết định cho các cấu thủ trẻ đi học đại học sau khi hoàn thành chương trình học THPT, chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ông Đoàn Nguyên Đức chia sẻ: “Sống với HAGL từ năm 11 tuổi, tụi nó như đứa con thứ hai của tôi rồi, tại sao không lo cho nó”.

Với Bầu Đức, một người học xong THPT rồi tiến lên học đại học là chuyện hết sức bình thường, dễ hiểu vì theo ông một cầu thủ bóng đá thực thụ phải gồm cả tài năng bóng đá và trình độ văn hóa. Xa hơn nữa điều Bầu Đức lo cho những “cậu con trai” của mình là sau khi kết thúc nghiệp “quần đùi áo số”, các em dễ dàng tìm được công việc để làm từ tấm bằng đại học trong tay.

Đội tuyển U19 Việt Nam với nòng cốt là các học viên Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai – Arsenal – JMG là điểm sáng cho bóng đá nam Việt Nam lúc này (trong ảnh cảnh bạo lục tranh cãi trong một trận đấu của V.League
Đội tuyển U19 Việt Nam với nòng cốt là các học viên Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai – Arsenal – JMG là điểm sáng cho bóng đá nam Việt Nam lúc này (trong ảnh cảnh bạo lục tranh cãi trong một trận đấu của V.League

“Cái quan trọng hơn sau khi ra trường xa hơn khi kết thúc sự nghiệp cầu thủ các cháu sẽ dễ dàng tìm được một công việc phù hợp ổn định ơn với trình độ mình đã được đào tạo. Đặc biệt với tấm bằng đại học có sẵn, các cháu không cần phải tốn thêm thời gian để đi học, như vậy bản thân các cầu thủ yên  tâm, gia đình các cháu cũng yên tâm gửi gắm con em mình vào học viện”, Bầu Đức chia sẻ.

Trước câu hỏi về lời khuyên của Bầu Đức cho các cầu thủ nên làm gì sau khi kết thúc sự nghiệp, Bầu Đức cho rằng: “Điều đó rất khó bởi phải tùy theo khả năng mỗi đứa, sau khi giải nghệ các cháu mỗi người có năng khiếu khác nhau mỗi điều kiện, mỗi môi trường khác nhau có người làm kinh tế, làm công tác huấn luyện… Để có một lời khuyên rất khó nhưng với bằng tốt nghiệp đại học trong tay sẽ là l nền tảng cho các cháu. Đại học là kiến thức cơ bản của xã hội mà mỗi con người cần phải biết cần phải trang bị. Để sau đó ai tiếp thu, phát huy được sẽ phát triển lên”, Bầu Đức nói.

Hoàng Lực