Ukraine không còn nguyên vẹn sẽ gây ra đại chiến ở khu vực?

18/03/2014 09:50
Việt Dũng
(GDVN) - Phương Tây cho rằng, "ngoại giao đã chết", Nhà Trắng và điện Kremlin đã chuẩn bị cho sau ngày 16, một cuộc đại chiến giữa trừng phạt và chống trừng phạt.
Tổng thống Nga Vladimir Putin: Nga sẽ sử dụng vũ lực đối với Ukraine trong trường hợp cực đoan nhất
Tổng thống Nga Vladimir Putin: Nga sẽ sử dụng vũ lực đối với Ukraine trong trường hợp cực đoan nhất

Tờ "Hình ảnh" Đức cho rằng, 1,96 triệu người Crimea sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý do nước cộng hòa này tổ chức, quyết địa tương lai của Crimea: ở lại Ukraine hay gia nhập Liên bang Nga đã được quyết định bằng những lá phiếu của "người Crimea". Điều này được cho là "thời khắc quan trọng nhất của thế giới năm 2014".

Kết quả trưng cầu dân ý xem ra đã định, kết cục chỉ có một: cuộc khủng hoảng tiếp tục mở rộng, có thể gây ra đại chiến khu vực.

Trên thực tế, đa số người phương Tây cho rằng, "ngoại giao đã chết", Nhà Trắng và điện Kremlin đã chuẩn bị cho sau ngày 16, một cuộc đại chiến giữa trừng phạt và chống trừng phạt "đối chọi gay gắt" sẽ nổ ra, châu Âu, châu Mỹ, Trung Đông và Đông Á đều sẽ chào đón một làn sóng tác động.

Nga bác nghị quyết của Mỹ

Trước cuộc trưng cầu dân ý này, ngày 15 tháng 3, Quốc hội Ukraine bỏ phiếu quyết định giải tán Quốc hội Crimea. Ngày 14 tháng 3, Tòa án Hiến pháp Ukraine phán quyết quyết định tổ chức trưng cầu dân ý của Quốc hội Crimea đưa ra ngày 6 tháng 3 là vi phạm Hiến pháp.

Quyền Tổng thống Ukraine cùng ngày còn ký lệnh tuyên bố chấm dứt hiệu lực của quyết định thông qua "Tuyên ngôn độc lập" ngày 11 tháng 3 của Quốc hội Crimea.

Ngày 15 tháng 3 năm 2014, Đại diện Nga tại Liên hợp quốc phủ quyết dự thảo nghị quyết do Mỹ đưa ra tại Hội đồng Bảo an.
Ngày 15 tháng 3 năm 2014, Đại diện Nga tại Liên hợp quốc phủ quyết dự thảo nghị quyết do Mỹ đưa ra tại Hội đồng Bảo an.
Ngày 15 tháng 3, do bị Nga phủ quyết, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc không thể thông qua dự thảo nghị quyết vấn đề Ukraine do Mỹ đưa ra, Trung Quốc thì bỏ phiếu trắng.

Mỹ hết cách với Nga

Trong khi đó, ngày 14 tháng 3, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã gặp nhau ở Thủ đô London, Anh, nhưng không đạt được bất cứ thỏa thuận nào. Điều này có nghĩa là, ván cờ giữa Mỹ-Nga trước khi Crimea tổ chức trưng cầu dân ý chấm dứt mà không có kết quả.

Ông Lavrov cho biết: Tất cả mọi người đều hiểu ý nghĩa của Crimea đối với Nga, tương đương với quần đảo Comoros thuộc Pháp, quần đảo Falkland (Argentina gọi là Malvinas) thuộc Anh.

Theo hãng AFP thì ông Lavrov nói như vậy có nghĩa là Nga muốn cuối cùng kiểm soát được bán đảo Crimea. Ông Lavrov còn cho biết, Nga không có kế hoạch "xâm lược" khu vực miền đông của Ukraine - nơi có rất nhiều người dân nói tiếng Nga.

Do không đạt được kết quả từ hội đàm, ông John Kerry tức giận nói: các nước phương Tây sẽ không thừa nhận kết quả trưng cầu dân ý, một khi trưng cầu dân ý tiếp tục, "sẽ có một số biện pháp trừng phạt để đáp trả". Theo truyền thông phương Tây, hiện nay, Mỹ đã dùng hết các biện pháp.

"Lá bài" của Mỹ đối với Nga đã hết?! Trong hình là Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đàm phán về vấn đề Ukraine không có kết quả
"Lá bài" của Mỹ đối với Nga đã hết?! Trong hình là Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đàm phán về vấn đề Ukraine không có kết quả

Quan chức cấp cao EU cho biết, EU đã đưa ra danh sách những người Nga có thể tiến hành trừng phạt, Ngoại trưởng các nước thành viên vào ngày 17 tháng 3 sẽ quyết định có tiến hành các biện pháp trừng phạt như hạn chế du lịch và đóng băng tài sản hay không. Một khi quyết định trừng phạt, các biện pháp có thể lập tức có hiệu lực.

EU nhanh nhất trong ngày 16 tháng 3 chọn ra 120-130 người Nga để khởi động trừng phạt, trước hết là nhằm vào những người có liên quan trực tiếp tới tình hình Crimea.

Nếu Nga coi thường, trừng phạt sẽ mở rộng đến các quan chức cấp cao của Duma quốc gia Nga, cuối cùng sẽ mở rộng đến cấp rất cao. Nhiều quan chức Mỹ cho biết, Tổng thống Nga Putin và Ngoại trưởng Nga Lavrov sẽ không nằm trong danh sách trừng phạt.

UAV Mỹ rơi vào tay lực lượng “tự vệ”

Liên quan đến vấn đề Ukraine, ngày 14 tháng 3, Tập đoàn vũ khí và khoa học công nghệ quốc gia Nga cho biết, họ đã chặn được một máy bay do thám không người lái của Mỹ ở bầu trời khu vực Crimea. Nhưng bị Bộ Quốc phòng Mỹ phủ nhận.

Theo tuyên bố của tập đoàn này, một chiếc máy bay không người lái bay ở độ cao khoảng 4.000 m, đã bị tập đoàn này sử dụng kỹ thuật vô tuyến điện, cắt đứt liên lạc giữa máy bay với nhân viên điều khiển Mỹ.

Máy bay đã rơi vào tay lực lượng "tự vệ" mà hầu như không bị tổn thất gì. Căn cứ vào số hiệu trên máy bay này, UAV MQ-5B thuộc lữ đoàn trinh sát 66 của Mỹ, trụ sở ở Bavaria Đức.

Máy bay do thám không người lái MQ-5B Mỹ
Máy bay do thám không người lái MQ-5B Mỹ

Ngày 15 tháng 3, Cảnh sát Ukraine cho biết, lực lượng ủng hộ Nga và ủng hộ chính quyền Kiev ngày 14 đã xảy ra xung đột ở thành phố miền đông Kharkov, khiến cho 2 người thiệt mạng, nhiều người bị thương. Đây là sự kiện xung đột tương tự thứ hai xảy ra ở miền đông Ukraine trong mấy ngày qua.

Tàu sân bay Mỹ-Nga "đấu" nhau ở Địa Trung Hải

Mấy ngày qua, Nga đã tổ chức nhiều cuộc diễn tập ở khu vực biên giới Nga-Ukraine. Hải quân Nga bắt đầu từ ngày 14 tháng 3 tổ chức diễn tập ở Địa Trung Hải, tàu sân bay Kuznetsov, máy bay chiến đấu Su-33, máy bay trực thăng săn ngầm Ka-27 đã tham gia diễn tập.

Ngày 14 tháng 3, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, hiện nay, tàu sân bay USS George Bush sẽ kéo dài thời gian thực hiện nhiệm vụ ở Địa Trung Hải. Cụm chiến đấu tàu sân bay này vào ngày 27 tháng 2 đi quyên qua eo biển Gibraltar tiến vào Địa Trung Hải.

Tình hình phía sau cuộc trưng cầu dân ý: sẽ làm chấn động Trung Đông

Ngày 14 tháng 3, tờ "Dân tộc" Pakistan bình luận: "Cuộc trưng cầu dân ý Crimea phải chăng gia nhập Nga đã trở thành tượng trưng cho toàn bộ cuộc khủng hoảng Ukraine, thậm chí đối đầu giữa phương Đông và phương Tây".

Truyền thông nhiều nước đều đang phỏng đoán ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng Crimea đối với nước họ.

Người dân Crimea đi bỏ phiếu
Người dân Crimea đi bỏ phiếu
Theo truyền thông Pakistan, năm 2014 vốn là năm Afghanistan, do Mỹ rút quân sẽ gây bất ổn to lớn mang tính khu vực. Nhưng, hiện nay, Afghanistan nhanh chóng bị Crimea "đẩy" sang một bên.

Tờ "Quốc dân" của UAE cho rằng, Crimea trưng cầu dân ý sẽ làm chấn động Trung Đông, hơn 10% dân số Crimea là người Tác-ta, Thổ Nhĩ Kỳ đang theo dõi chặt chẽ tình hình.

Cánh hữu Israel cũng sẽ lợi dụng cơ hội của cuộc khủng hoảng Ukraine kiên trì hơn trong việc từ chối giải pháp hòa bình với người Palestine.

Trong khi đó, Trung Quốc có lẽ cũng đang ấp ủ cho những dự tính về đảo Đài Loan.

Trưng cầu dân ý: Hai sự lựa chọn đều là gia nhập Nga

Theo bài báo, kết quả cuộc trưng cầu dân ý đã không nằm ngoài dự đoán, trên phiếu bầu không có chỗ cho gạch "không" đối với sự kiểm soát của Nga.

Vấn đề trưng cầu dân ý ngày 16 có 2: Một là đồng ý gia nhập Liên bang Nga, hai là khôi phục Hiến pháp năm 1992, cho phép Crimea có quyền tự trị cao hơn.

Là "tượng trưng cho tình hữu nghị vĩnh cửu" giữa Nga-Ukraine, khu vực Crimea có cảm giác gần gũi tự nhiên với Nga cả về ngôn ngữ, văn hóa và dân tộc; trong hiện thực, Nga dựa vào sự gần gũi về địa lý và triển khai thường trực về quân sự có vai trò ảnh hưởng tới khu vực này.

Tương lai nào cho Crimea?
Tương lai nào cho Crimea?
Nhìn từ góc độ thuộc tính dân tộc, cơ cấu dân số và xu hướng người dân, vấn đề đầu tiên gia nhập Nga được đa số ủng hộ là rất tự nhiên.

Nhưng nếu kết quả thuộc về sự lựa chọn thứ hai, thì Crimea cũng sẽ mở rộng quyền tự trị, thực hiện tự trị ở mức độ cao hơn, "đối với Crimea, cho dù kết quả thế nào đều tốt đẹp". Nhưng động thái này của Crimea đều đẩy Nga và Mỹ-Âu tới hoàn cảnh "khó đôi đường".

Khu vực Crimea có tổng cộng khoảng 1,96 triệu người, trong có có cả trẻ em chưa đến tuổi đi bầu. Cử tri đủ tư cách tham gia bầu trên 1,52 triệu người. Kết quả sớm nhất đã được công bố. Quan sát viên đến từ 21 quốc gia đã tham gia cuộc trưng cầu dân ý lần này, tổng cộng khoảng 50 người.

Ngày 14 tháng 3, ở thành phố Sevastopol của Crimea, trụ sở của Hạm đội Biển Đen Nga, chính quyền kêu gọi người dân đi bỏ phiếu, liệt kê những lợi ích khi gia nhập Liên bang Nga: lương hưu cao hơn, lương tăng hằng năm, giá dầu khí rẻ hơn.

Trên đường phố có thể nhìn thấy xe quân sự đi qua, lực lượng tự vệ mới thành lập canh phòng ở một số khu vực, đảng phái thân Nga giương cao cờ Nga, phân phán tài liệu tuyên truyền. Người dân địa phương nói: "Chúng tôi không phải muốn gia nhập Nga, mà là muốn quay trở về Tổ quốc".

Việt Dũng