Phương án 3 cho Mỹ: Đánh đổi Đài Loan lấy trật tự Biển Đông?

25/03/2014 13:15
Hồng Thủy
(GDVN) - Mỹ có thể chấp nhận Trung Quốc cuối cùng sẽ kiểm soát đảo Đài Loan, ngược lại Trung Quốc sẽ cam kết không độc chiếm Biển Đông.
Giáo sư Hugh White.
Giáo sư Hugh White.

Hugh White, giáo sư nghiên cứu chiến lược đại học Quốc gia Úc ngày 19/3 bình luận, 40 năm qua Mỹ giữ vai trò lãnh đạo và duy trì ổn định châu Á, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là ở Trung Quốc. Nhưng hôm nay sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc đang phá vỡ trật tự cũ và đặt ra câu hỏi lớn về vai trò của Mỹ với khu vực trong tương lai.

Những câu hỏi này ngày càng hiện hữu trong tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Đông Á, giữa Nhật Bản với Trung Quốc có thể châm ngòi cho một cuộc đụng độ vũ trang. Nếu tình huống này xảy ra, Mỹ có nhanh chóng hành động hỗ trợ Nhật Bản hay không đang là một câu hỏi lớn.

Trong bối cảnh đó, nếu Mỹ thể hiện rõ quan điểm không hỗ trợ Nhật Bản trong 1 cuộc chiến với Trung Quốc, sự tin tưởng của Tokyo với đồng minh sẽ bị tan vỡ. 

Sau đó Nhật Bản phải đối mặt với lựa chọn tự bảo vệ mình chống lại Trung Quốc mà không cần Mỹ, hay chấp nhận vai trò chủ đạo của Trung Quốc ở Đông Á. Các đồng minh khác của Mỹ cũng sẽ phải xem lại những cam kết của Washington. Lúc này vai trò lãnh đạo của Mỹ ở châu Á sẽ không bao giờ được như trước nữa, đây chính là những gì Trung Quốc hy vọng sẽ xảy ra.

Nhưng một tuyên bố hỗ trợ vô điều kiện cho Nhật Bản sẽ buộc Mỹ cam kết tham gia cuộc chiến tranh tiềm năng mà Washington không thể kiểm soát và không chắc sẽ giành phần thắng. Trung Quốc không muốn chiến tranh với Mỹ, nhưng Bắc Kinh có thể tin rằng phải sẵn sàng chiến đấu mới có được kết cục có lợi, đó là thay đổi trật tự châu Á mà Mỹ đang bảo vệ, Trung Quốc sẵn  sàng làm việc này.

Hải quân Trung Quốc đang ngày càng hoạt động mạnh hơn trên Biển Đông không chỉ gây căng thẳng trong khu vực, mà còn thách thức vai trò truyền thống của Mỹ trên mặt biển Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương.
Hải quân Trung Quốc đang ngày càng hoạt động mạnh hơn trên Biển Đông không chỉ gây căng thẳng trong khu vực, mà còn thách thức vai trò truyền thống của Mỹ trên mặt biển Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương.

Khi cả 2 lựa chọn này đều rất khắc nghiệt đối với Mỹ hiện nay, không có gì đáng ngạc nhiên nếu chính quyền Obama khó có thể công khai chính sách rõ ràng với Đông Á, đó là lý do tại sao các phản ứng của Washington vẫn đang lẫn lộn, còn Obama thì vẫn im lặng.

Có 1 lựa chọn thứ 3 cho chính quyền Mỹ, đó là 1 thỏa thuận an ninh mới ở châu Á, trong đó Mỹ thừa nhận vai trò lớn hơn của Trung Quốc nhưng vẫn cân bằng và kiềm chế quyền lực của Trung Quốc, trong đó bao gồm nội dung hết sức quan trọng đó là kiểm soát việc sử dụng vũ lực/đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp ở Đông Á.

Trong trường hợp Mỹ sẵn sàng chia sẻ quyền lực nhưng Trung Quốc vẫn đe dọa sử dụng vũ lực ở Đông Á thì Washington phải sẵn sàng chiến đấu. Điều này cần phải được thể hiện rõ. Hình mẫu cho 1 thỏa thuận an ninh này đòi hỏi không có 1 quốc gia nào giữ vai trò hàng đầu duy nhất, và các cường quốc đồng ý không tìm cách vượt mặt các bên khác.

Điều này cần đánh đổi rất nhiều, ví dụ Mỹ có thể chấp nhận Trung Quốc cuối cùng sẽ kiểm soát đảo Đài Loan, ngược lại Trung Quốc sẽ cam kết không độc chiếm Biển Đông. 

Vì vậy việc chia sẻ quyền lực với Trung Quốc ở Thái Bình Dương không hề dễ dàng với Obama hay bất kỳ Tổng thống Mỹ nào kế nhiệm, nhưng đây lại là giải pháp hiện thực nhất, giải quyết các vấn đề đặt ra dễ dàng hơn nhiều so với 2 lựa chọn mà Mỹ có thể phải đối mặt một khi nổ ra xung đột.

Hồng Thủy