Vụ vỡ ống nước sạch: Khắc phục như Vinaconex chỉ là giải pháp tình thế

05/04/2014 07:44
Hoàng Lực
(GDVN) - Theo Kỹ sư Nguyễn Sỹ Trung, nếu làm đúng kỹ thuật dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước cho Hà Nội và khu vực lân cận là dự án thuộc nhóm A có độ bền 50 năm.

Ngày 1/4 vừa qua sự cố vỡ đường ống cung cấp nước sạch từ sông Đà đã khiến cuộc sống 70 nghìn hộ dân các quận Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đơn vị thi công gấp rút khắc phục sự cố và xong trong sáng 2/4. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, sự cố vỡ ống nước vẫn có thể xảy ra bất cứ khi nào. 

Đây là lần thứ 5 sự cố vỡ ống nước xảy ra với dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước cho chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông do Tổng Công ty Cổ phần Vinaconex làm chủ đầu tư. Trước đó các sự cố tương tự xảy ra ở năm 2012 (xảy ra vào tháng 2) và năm 2013 cũng xảy ra 3 lần vào tháng 3, 11 và tháng 12.

Một trong số những lần khắc phục sự cố vỡ đường ống nước sông Đà.
Một trong số những lần khắc phục sự cố vỡ đường ống nước sông Đà.

Nguyên nhân dẫn đến vỡ đường ống nước từ sông Đà về Hà Nội qua các lần đều được đổ lỗi là do nền địa chất trên Đại lộ Thăng Long không ổn định. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Sỹ Trung - Kỹ sư trưởng Dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc (Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông Vận tải) nguyên nhân chính dẫn đến sự cố vỡ ống là do chủ đầu tư không xử lý nền đất yếu.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam chiều ngày 4/4, ông Nguyễn Sỹ Trung một lần nữa khẳng đinh: “Tôi chỉ là anh hàng xóm tốt bụng, khi dự án đường Láng – Hòa Lạc và đường ống nước sông Đà cùng thực hiện, tôi đã nhiều lần cảnh báo chủ đầu tư cùng đơn vị thiết kế dự án nước sạch sông Đà về địa chất yếu, cần phải xử lý nền đất yêu nhưng họ “phớt lờ”, không nghe".

Theo ông Trung, nếu chủ đầu tư thực hiện xử lý nền đất yếu, chịu khó chờ đền khi nền ổn định mới xây dựng công trình  giống như việc xử lý nền đất yếu trên tuyến đường thì có lẽ sự cố vỡ ống nước đã không xảy ra.

Trước khi thực hiện dự án đường ống nước sông Đà, chủ đầu tư Vinaconex khảo sát và được cảnh báo về nền đất yếu cũng như được cảnh báo về việc sử dụng ống dẫn nước là ống cốt sợi thủy tinh. Ông Trung cho rằng, việc xử lý nền đất yếu đã bị Vinaconex “phớt lờ” nhưng đến công nghệ đường ống sử dụng trong dự án cũng bị chủ đầu tư này xem nhẹ.

Lý giải về mặt kỹ thuật nếu sử dụng đường ống nước có khả năng chịu lực lớn vào những vị trí có nền đất yếu thì sẽ không xảy ra sự cố. “Nếu họ nghe lời khuyên của tôi từ năm 2006 không sử dụng đường ống là ống cốt sợi thủy tinh mà thay bằng kim loại và các mố đỡ.

Bản thân công nghệ ống dẫn nước là ống cốt sợi thủy tinh không có lỗi nhưng lỗi chủ đầu tư là không xem xét phạm vi sử dụng của nó là như thế nào, người tư vấn thiết kế và chủ đầu tư hơi “tùy tiện” vị trí nào cũng đặt kéo dài từ Km0 đến Km47. Công nghệ ống nước là tốt nhưng sử dụng tùy tiện nếu không chịu được lực, chịu được biến dạng như ống kim loại, ví dụ như trong Nam đưa nước từ Thủ Đức về TP.HCM mấy chục cây số sử dụng ống kim kim loại phi 2m, dày 2cm sử dụng khai thác tốt không có vấn đề gì”, ông Trung nói.

Đặt trường hợp chủ đầu tư thực hiện xử lý tốt nền đất yếu, sử dụng công nghệ ống nước phù hợp, nói cách khác chủ đầu tư thực hiện đúng về mặt kỹ thuật công trình dự án dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước cho chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông do Tổng Công ty Cổ phần Vinaconex làm chủ đầu tư sẽ có tuổi đời bao lâu?

Theo Kỹ sư Nguyễn Sỹ Trung, về lý thuyết đây là công trình nhóm A, tuổi đời ít nhất phải là 50 năm.

Đưa ra nhận định của mình Kỹ sư Nguyễn Sỹ Trung cho rằng, ngoài việc ngại chi phí sẽ đội lên khi xử lý và chờ nền đất những nơi có địa chất yếu ổn định có lẽ chủ đầu tư không muốn tăng chi phí cho đường ống, vì nếu sử dụng đường ống bằng kim loại chi phí sẽ cao hơn đường ống công nghệ ống sợi thủy tinh ít nhất là 2 lần.

Về cách khắc phục sự cố, theo ông Trung cách duy nhất là xây dựng hệ thống đường ống mới, “việc sửa chữa xử lý sự cố vỡ ống nước như vừa qua chỉ là biện pháp tình thế”, ông Trung nhận định.

Đường ống dẫn nước từ Nhà máy nước Sông Đà (Hòa Bình) về Hà Nội thuộc dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước cho chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông, do Tổng Công ty Cổ phần Vinaconex làm chủ đầu tư, bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2008. Nguồn nước được sử dụng từ nước mặt sông Đà đưa về hệ thống nhà máy nước sạch trên địa bàn Hà Nội để xử lý. Hiện, hơn 47,5km đường ống được coi là "độc đạo" đưa 220.000m3 nước/ngày đêm từ Nhà máy Nước sạch sông Đà (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình) về đến xã Mỹ Đình (huyện Từ Liêm, TP Hà Nội).

Đây được coi là nguồn cung cấp nước sinh hoạt chính cho hơn 70.000 hộ dân thuộc các quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy và hai huyện Từ Liêm, Thanh Trì. Chính vì vậy, mỗi lần xảy ra sự cố, việc cấp nước sinh hoạt sẽ phải dừng lại và phạm vi ảnh hưởng khá lớn.

Được biết, chi phí khắc phục sự cố vỡ ống xảy ra ngày 1/4 vừa qua   khoảng trên 1 tỷ đồng.

Hoàng Lực