"Trung Quốc có biết phân chia ranh giới biển như thế nào không?"

05/04/2014 08:43
Đông Bình
(GDVN) - Chính giới Philippines đã đồng thanh cứng rắn với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, Mỹ đã công khai ủng hộ Philippines, quyết thực hiện chiến lược khu vực.
Máy bay chiến đấu hạng nhẹ FA-50 do Hàn Quốc chế tạo, Philippines đặt mua 12 chiếc
Máy bay chiến đấu hạng nhẹ FA-50 do Hàn Quốc chế tạo, Philippines đặt mua 12 chiếc

Philippines sẽ không khuất phục sự hăm dọa của Trung Quốc

Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 3 tháng 4 đưa tin, ngày 1 tháng 4, người đứng đầu Quân đội Philippines đã mạnh mẽ tuyên bố: "Sẽ không khuất phục trước sự hăm dọa" (của Trung Quốc).

Thời báo Hoàn Câu tuyên truyền cho rằng, tuyên bố này cùng với một số phát biểu của quan chức Philippines mấy ngày qua phản ánh Philippines muốn thể hiện "thế yếu, bị bắt nạt", "bất chấp sự cảnh báo (mang tính đe doạ) của Trung Quốc, tiếp tế cho binh sĩ trên bãi Cỏ Mây (thuộc quần đảo Trường Sa - Việt Nam)".

Cơ quan tuyên truyền của TQ cho rằng, trong khi đó, "lão đại ca" Mỹ đã thể hiện thái độ trái với "trung lập", trực tiếp và công khai phê phán Trung Quốc. Hai bên "kẻ xướng người họa", "phối hợp với nhau vì lợi ích riêng".

Ngày 2 tháng 4, khoảng 60 người Philippines đã tiến hành biểu tình, giơ biểu ngữ trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines với các khẩu hiệu như "Biển Tây Philippines (Biển Đông) là của chúng tôi!". "Trung Quốc có biết phân chia ranh giới biển như thế nào không?"..., đồng thời yêu cầu Trung Quốc không được "dùng phương thức đe dọa để cướp đoạt lãnh thổ của người khác". Những người giữ thái độ tương tự cũng có trong chính giới Philippines.

Philippines muốn mua máy bay chiến đấu EMB-314 Super Tucano do Brazil chế tạo dùng để chi viện đường không.
Philippines muốn mua máy bay chiến đấu EMB-314 Super Tucano do Brazil chế tạo dùng để chi viện đường không.

Ngày 1 tháng 4, quan chức báo chí Phủ Tổng thống Philippines Koroma cho biết, chiến lược của Philippines trong vấn đề "biển Tây Philippines" không chỉ giới hạn ở kiện Trung Quốc lên Tòa án quốc tế, Philippines sẽ kiên quyết bày tỏ lập trường của mình trong các diễn đàn quốc tế chủ yếu, như các hội nghị của ASEAN và hội nghị cấp cao đối thoại với các đối tác chủ yếu.

Khi có phóng viên hỏi, Philippines sẽ làm gì khi thua kiện ở Tòa án quốc tế, Koroma cho biết: "Chúng tôi còn có (sự giúp đỡ của) ASEAN". Cựu nghị sĩ và quan chức ngoại giao Philippines Ramos Shahani thì cho biết, cho dù không có sự ủng hộ của Liên hợp quốc và ASEAN, Philippines cũng phải "đối mặt trực tiếp với Trung Quốc".

Thái độ cứng rắn còn đến từ Quân đội Philippines. Tổng tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Philippines Emmanuel Bautista ngày 1 tháng 4 cho biết, Philippines đã chuẩn bị tốt cho việc gánh lấy "hậu quả" Trung Quốc đe dọa. Trước đây, Trung Quốc đã đe dọa rằng "hành động khiêu khích" của Philippines sẽ phải gánh lấy hậu quả.

Philippines mua 4 máy bay trực thăng vũ trang W-3 Sokol của Ba Lan
Philippines mua 4 máy bay trực thăng vũ trang W-3 Sokol của Ba Lan

Tướng Emmanuel Bautista tuyên bố: "sẽ tiếp tục vận chuyển tiếp tế và luân phiên người của chúng tôi". Trước đó, ông Bautista cũng tuyên bố với hãng AP rằng, đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc đối với đảo, đá ngầm ở Biển Đông là "nhảm nhí/vô ích, chỉ cần nhìn bản đồ thì biết".

Điều làm phấn chấn Chính phủ Philippines hơn là, vào hạ tuần tháng 4, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ đến thăm Philippines. Phủ Tổng thống Philippines ngày 1 tháng 4 cho biết, trong thời gian ông Obama thăm Philippines, Tổng thống Philippines Benigno Aquino sẽ đưa vấn đề Biển Đông có liên quan tới Trung Quốc vào cuộc gặp với Obama.

Quan chức báo chí Koroma cho biết: "Cuộc gặp giữa Aquino-Obama chắc chắn sẽ quan tâm đến vấn đề quốc phòng và an ninh. Đối với vấn đề này, điều quan trọng nhất chính là thảo luận vấn đề biển Tây Philippines".

Tờ "Tin tức" Áo cho rằng, Philippines là trạm cuối cùng trong chuyến thăm châu Á của Tổng thống Mỹ Barack Obama, vấn đề trọng điểm trong cuộc gặp cấp cao Mỹ-Philippines sẽ là viện trợ quân sự và thương mại hai nước.

Chuyến thăm của ông Obama có thể đóng vai trò thúc đẩy đối với thỏa thuận an ninh song phương, giúp cho sự hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực Biển Đông được tăng cường.

Không quân Philippines mua 13 máy bay huấn luyện S-211 của Italia
Không quân Philippines mua 13 máy bay huấn luyện S-211 của Italia

Ngày 2 tháng 4, hai tàu khu trục của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đến cảng Manila. Sĩ quan chỉ huy tàu chiến Nhật Bản Hideto Ikeda cho biết, Nhật Bản tham gia diễn tập quân sự liên hợp này ngoài việc huấn luyện, thì tìm hiển tầm quan trọng chiến lược của Philippines ở Đông Nam Á cũng là mục đích quan trọng.

Viện trưởng Viện nghiên cứu châu Á và toàn cầu hóa, Đại học quốc lập Singapore là Hoàng Tĩnh ngày 2 tháng 4 cho rằng, gần đây, Nhật Bản đã phá bỏ “Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí”, có thể sẽ xem xét xuất khẩu vũ khí cho các nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc như Philippines. Báo Trung Quốc cho rằng, một khi tình hình này xảy ra, Trung Quốc cần phải áp dụng biện pháp cứng rắn hơn để đáp trả.

Đài truyền hình Pháp cho rằng, Trung Quốc ngày càng thể hiện "tự tin" do thực lực tăng lên, trong khi đó, Philippines được Mỹ ủng hộ nên không hề sợ hãi, vì vậy mới xuất hiện tình hình như hiện nay.

Tàu chiến Hải quân Philippines
Tàu chiến Hải quân Philippines

Đài truyền hình Đức thì cho rằng, Nhật Bản nới lỏng xuất khẩu vũ khí, Trung Quốc và Philippines đang tiến hành cuộc chiến ngoại giao về tranh chấp đảo. Sự hài hòa ngắn ngủi của châu Á nhờ sự kiện máy bay mất tích của hãng hàng không Malaysia đã không còn nữa.

Alex Mannio, tác giả bài viết trên tờ "Philippines Star" ngày 1 tháng 4 tỏ ra lo ngại về khả năng xảy ra nhiều xung đột giữa Philippines và Trung Quốc trong thời gian tới, cho rằng, việc đưa nhau ra tòa là một sự sỉ nhục trong văn hóa, lịch sử Trung Quốc. Việc kiện ra Tòa án quốc tế sẽ không làm cho Trung Quốc lùi bước, sẽ tiếp tục làm cho quan hệ song phương xấu đi.

Mỹ công khai ủng hộ Philippines

Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 3 tháng 4 có bài viết cho rằng, đối với sự kiện bãi Cỏ Mây, Mỹ đã lên tiếng phê phán Trung Quốc.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay, Trung Quốc ngăn chặn Philippines tiếp tế cho binh sĩ của họ ở Biển Đông là hành vi khiêu khích và gây bất ổn, Mỹ tái khẳng định sự ủng hộ của cách làm dùng phương thức hòa bình để giải quyết tranh chấp lãnh hải, không nhất thiết phải sợ hãi báo thù dưới bất cứ hình thức nào.

Mỹ-Philipines tập trận đổ bộ (ảnh tư liệu)
Mỹ-Philipines tập trận đổ bộ (ảnh tư liệu)

Ngày 1 tháng 4, tại “hội nghị điện thoại” của "Hiệp hội châu Á" Mỹ, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Russell lên tiếng ủng hộ Philippines, tuyên bố nguyên nhân làm như vậy của đồng minh là "Philippines nhận định thỏa thuận song phương với Trung Quốc không được cái gì".

Quan chức cấp cao Mỹ này ngày 5 tháng 2 yêu cầu Trung Quốc làm rõ ý nghĩa của việc tự vẽ ra "đường chín đoạn" (đường lưỡi bò) trên Biển Đông, đồng thời cho rằng "phương thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đã phá hoại sự ổn định khu vực".

Đồng thời, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã bắt đầu thực hiện chuyến thăm châu Á-Thái Bình Dương 10 ngày. Ngày 2 tháng 4, ông Hagel lần đầu tiên mời Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở hội nghị ở Hawaii - lãnh  thổ Mỹ.

Tờ " World Herald" Mỹ cho biết, ông Chuck Hagel hy vọng mọi người hiểu rằng, cho dù trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine và chi tiêu quân sự của Mỹ tiếp tục cắt giảm, quân Mỹ chuyển trọng điểm chiến lược tới châu Á-Thái Bình Dương là nghiêm túc.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel

Trả lời phỏng vấn báo chí trước chuyến thăm, ông Chuck Hagel nói: "Chúng tôi triển khai 333.000 binh sĩ, 180 tàu chiến và hơn 2.000 máy bay ở châu Á-Thái Bình Dương. Đây là Bộ tư lệnh chiến đấu có quy mô lớn nhất toàn cầu của chúng tôi. Có người nói, chúng tôi đang rút quân toàn cầu, quan điểm này làm tôi cảm thấy buồn cười".

Tạp chí "Học giả Ngoại giao" Nhật Bản cho rằng, sau khi kết thúc cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN, ông Chuck Hagel sẽ đến thăm Nhật Bản, Trung Quốc và Mông Cổ.

"Đài tiếng nói nước Nga" phân tích cho rằng, Mỹ sở dĩ phản ứng quyết liệt như vậy là do Tổng thống Barack Obama bắt đầu tiến hành chuyến thăm khu vực châu Á-Thái Bình Dương vào hạ tuần tháng 4. Ông Obama sẽ thăm 2 quốc gia có xung đột nghiêm trọng với Trung Quốc: Nhật Bản và Philippines.

Theo đài Nga: "Washington lo ngại, vào buổi sáng một ngày nào đó, sau khi tỉnh dậy, phát hiện toàn bộ khu vực đều đã thay đổi".

Tổng thống Mỹ Barack Obama sắp thăm Philippines
Tổng thống Mỹ Barack Obama sắp thăm Philippines

Tờ "Nhật báo phố Wall" Mỹ ngày 1 tháng 4 dẫn lời nguyên lãnh đạo phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ Heinle cho rằng, Mỹ sở dĩ thay đổi tư tưởng chính, là do Trung Quốc quyết định lập Khu vực nhận biết phòng không biển Hoa Đông vào tháng 11 năm 2013, bao trùm lên đảo tranh chấp do Nhật Bản kiểm soát (đảo Senkaku), Washington sau đó cảnh cáo rõ ràng Bắc Kinh không được lập Khu nhận biết phòng không ở Biển Đông.

Đông Bình