Đường Trường Chinh "cong mềm mại" vì yêu cầu của Bộ Quốc Phòng?

09/04/2014 12:15
Ngọc Quang
(GDVN) - Theo ông Dương Đức Tuấn - PGĐ Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, Bộ Quốc phòng đã có văn bản đề nghị Hà Nội dịch chuyển chỉ giới đường đỏ.

Những ngày gần đây, dư luận Thủ đô “nóng” với vụ đường Trường Chinh “thẳng biến thành cong”. "Né" nhà quan, tăng-giảm chi phí dự án... là những lý do đang được bàn cãi.

Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1998, đường Trường Chinh thẳng tắng, là một đoạn tuyến của đường vành đai 2. Hướng cải tạo mở rộng đường đối với đoạn Vĩnh Tuy – Minh Khai – Trường Chinh – Ngã Tư Sở - Cầu Cót được xác định chủ yếu về phía Bắc.

Lý giải về đoạn đường bị cong, ông Dương Đức Tuấn - Phó giám đốc Sở Quy hoạch- Kiến trúc cho biết: Từ năm 2000, UBND TP giao nhiệm vụ cho Văn phòng Kiến trúc sư trưởng TP Hà Nội (nay là Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội) và Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội xác định chỉ giới mở rộng đường Trường Chinh.

Ngày 7/3/2000, Văn phòng Kiến trúc Sư trưởng TP Hà Nội đã làm việc với Bộ Tư lệnh Phòng không – Không quân giới thiệu phương án mở đường Trường Chinh qua khu vực cơ quan Quân chủng Phòng không – không quân (đoạn từ hồ Hố Mẻ đến cống Chéo qua sông Lừ). Tại khu vực cơ quan quân chủng Phòng không – không quân đóng quân thì phương án giới thiệu đường quy hoạch dự kiến mở về phía Bắc so với đường hiện tại khoảng 20m, còn lại mở về phía Nam.

Ông Dương Đức Tuấn - Phó giám đốc phụ trách Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội báo cáo vụ việc đường Trường Chinh đang "thẳng thành cong" tại Thành ủy Hà Nội chiều 8/4. Ảnh Ngọc Quang.
Ông Dương Đức Tuấn - Phó giám đốc phụ trách Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội báo cáo vụ việc đường Trường Chinh đang "thẳng thành cong" tại Thành ủy Hà Nội chiều 8/4. Ảnh Ngọc Quang.

Bộ Tư lệnh Phòng không – Không quân đã có công văn số 193/CV-PK-KQ ngày 13/4/2000 đề nghị: “Mở đường Trường Chinh đoạn từ hồ Hố Mẻ đến cống Chéo về phía Nam với nội dung cụ thể như sau: Phía Bắc lấy mép đường phía Bắc sâu vào 7m, phía Nam sẽ phát triển cho đủ mặt cắt của đường 53,5m. Việc mở rộng xuống phía Nam đoạn đường trên không làm ảnh hưởng đến quy hoạch của Quân chủng và các công trình ngầm nổi của Quân chủng”.

Ông Tuấn cho hay: “Hướng tuyến của đoạn đường vành đai 2 này trên quy hoạch

Dự án mở rộng đường Trường Chinh khởi công tháng 10/2013 với tổng mức đầu tư 2.560 tỷ đồng (riêng chi phí giải phóng mặt bằng 2.022 tỷ). Dự án đang thi công đến đoạn từ hồ Hố Mẻ đến cống Chéo sông Lừ thì một số hộ dân khiếu kiện, cho rằng dự án bị bẻ cong, né nhà quan chức.

chung là thẳng. Tuy nhiên, khi nghiên cứu chỉ giới đường đỏ thì lại có một chút cong. Cụ thể, trong quy hoạch chi tiết vào năm 2000 của quận Đống Đa, đường hơi cong một chút đoạn từ hồ Hố Mẻ đến cống chéo sông Lừ - khu vực quân chủng Phòng không – Không quân. Trong trường hợp này, chỉ giới đường đỏ là một đường cong mềm mại để nối các đoạn đường với nhau.

Hồ sơ thẩm định và phê duyệt chỉ giới đường đỏ đường Trường Chinh là đúng thẩm quyền, quy định của Nhà nước chứ không có bất cứ hành vi hay tác động nào khiến đường từ thẳng thành cong. Cũng có những tuyến đường thẳng, nhưng riêng với tuyến đường này chúng ta không có khái niệm buộc phải thẳng hay buộc phải cong”.

Ngày 12/2/2007, Bộ Quốc phòng đã có văn bản số 762/BQP-TM đề nghị Hà Nội dịch chuyển chỉ giới đường đỏ trong nghiên cứu trước đây khoảng 800m về phía Nam. Phương án được UBND TP Hà Nội phê duyệt, vì cho rằng đảm bảo hài hòa các lợi ích về sử dụng đất an ninh quốc phòng, hạn chế tối đa giải phóng mặt bằng, di dời các hộ dân mà vẫn đảm bảo đáp ứng các yêu cầu của tiêu chuẩn kỹ thuật của tuyến đường.

Ông Tuấn khẳng định, phần thay đổi hình dáng con đường chủ yếu xảy ra ở khu vực đất thuộc sự quản lý của Bộ Quốc phòng, và khi triển khai dự án thì chúng tôi phải căn cứ vào ý kiến chủ yếu của cơ quan này, tức là xảy ra trong đoạn đường dài 800m.

Nhiều ý kiến cho rằng, đường bị nắn cong là để né nhà quan chức.
Nhiều ý kiến cho rằng, đường bị nắn cong là để né nhà quan chức.
Trả lời câu hỏi: Tại sao không đưa ra nhiều phương án, để lựa chọn phương án tối ưu? Ông Tuấn cho hay: “Chúng tôi đề xuất phương án làm thẳng, nhưng đến khi làm việc với các đơn vị của Bộ Quốc phòng và Bộ Quốc phòng thì không đồng ý và đã có văn bản yêu cầu TP Hà Nội phải điều chỉnh ở đoạn 800m dịch chuyển về phía Nam, đoạn đầu lấy vào 6m phía Bắc, nhưng đến đoạn cuối phải vuốt nối lấy vào 15m thì mới tạo ra được sự khớp nối, thiết kế này đảm bảo tương đối yêu cầu giao thông".

Đảm bảo thỏa thuận với Bộ Quốc phòng là quan trọng bậc nhất, bởi vì bên đó có những yếu tố mà chúng tôi cũng không thể đi sâu được về vấn đề kỹ thuật ngầm nổi hoặc là nhà của những cán bộ đương chức của ngành quốc phòng”.

Ngọc Quang