Thầy trừng phạt-Trò đánh nhau

13/04/2014 13:56
Xuân Trung
(GDVN) - Viết tiếp câu chuyện “Giới trẻ Việt càng học cao càng tha hóa vì...tiền”, nhiều nhà giáo, nhà chuyên môn đã mổ xẻ vấn đề này ở góc cạnh đạo đức, lối sống.

Dạy "Chữ", dạy "Người"

Nhận định về tầm quan trọng của việc dạy người hiện nay ở các nhà trường, bà Nguyễn Thị Việt Hà (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) cho biết, việc giáo dục đạo đức không chỉ dạy “Chữ” mà quan trọng nhất là dạy “Người”, dạy học sinh thành những con người có nhân cách tốt.

Nói về biện pháp giáo dục học sinh ở các nhà trường, bà Hà cho biết đôi khi những lúc học sinh vi phạm đạo đức, vi phạm kỷ luật nhiều trường thường sử dụng biện pháp kỷ luật mang tính trừng phạt, điều này rất không nên. Sử dụng biện pháp mạnh có thể gây phản ứng ngược và thường không mang lại hiệu quả giáo dục cao, không giúp học sinh nhận ra và sửa chữa sai lầm mà còn khiến cho học sinh hận giáo viên, thậm chí có em còn giải thoát bằng cái chết

Bạo lực học đường có nguồn gốc lớn từ việc giáo dục đạo đức, lối sống chưa tốt. Ảnh minh họa
Bạo lực học đường có nguồn gốc lớn từ việc giáo dục đạo đức, lối sống chưa tốt. Ảnh minh họa
Trao đổi về vấn đề đạo đức trong HSSV hiện nay, TS. Chu Văn Yêm - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước đưa ra một kết quả khảo sát do chính Văn phòng Chủ tịch nước thực hiện (khảo sát tại 7 tỉnh, thành phố, ở tại 22 trường, 43 lớp, lấy ý kiến qua phiếu khảo sát đối với 295 giáo viên và 1.494 học sinh từ lớp 3 đến lớp 12) thấy rằng, mặc dù môn Đạo đức và Giáo dục công dân (GDCD) được xếp là môn học chính, nhưng thực tế môn này chưa thật sự được coi trọng đúng mức ở những tỉnh, thành đó. 

Vẫn còn tư tưởng "học để thi, không thi không học" nên bị coi là "môn phụ". Kết quả khảo sát chỉ ra rằng có tới 39% giáo viên coi môn GDCD là môn phụ; 52% cho rằng môn học này chưa được quan tâm đúng mức.

Cũng theo TS. Yêm, ở các tỉnh, thành nội dung môn Đạo đức và GDCD còn nặng về lý thuyết, ít gắn liền với rèn luyện kỹ năng sống; một số bài chưa phù hợp với thực tiễn, mang tính áp đặt, nhồi nhét; một số nội dung không phù hợp với lứa tuổi. Cũng có 38% giáo viên cho rằng phương pháp giáo dục đạo đức ở nhà trường hiện nay là không phù hợp. 

Cuộc khảo sát của Văn phòng Chủ tịch nước nhấn mạnh tới cấp tiểu học, bởi đây là lứa tuổi hình thành nhân cách, qua tìm hiểu thấy rằng học sinh bậc học này có tính ích kỷ, biệt lập, thiếu tính cộng đồng, có xu hướng tăng theo thời gian và theo lứa tuổi.

 Với bậc THCS và THPT, theo kết quả khảo sát cho thấy, đáng lo ngại nhất hiện nay là học sinh THCS; ở lứa tuổi này, các em đã bắt đầu có những thay đổi về tâm sinh lý, muốn khẳng định mình nhưng lại chưa đủ chín chắn để nhận biết hành vi của mình là đúng hay sai, dễ bị tác động bởi tâm lý đám đông, dễ “thần tượng” những hiện tượng bề nổi, ít chiều sâu văn hóa; lấy giá trị vật chất làm thước đo các giá trị xã hội.

Nói về thực trạng HSSV bây giờ, TS. Nguyễn Đắc Hưng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề (Ban Tuyên giáo Trung ương) cho biết, nhiều học sinh, sinh viên còn có biểu hiện sống hưởng thụ, coi nặng giá trị vật chất, tiêu xài hoang phí, lười lao động, sống ích kỷ, không hiếu thảo với ông bà cha mẹ, thiếu tính nhân đạo. Tình trạng đánh nhau trong học sinh ngày càng nhiều, không chỉ nam sinh mà còn có nữ sinh, có khi dùng cả hung khí (dao, kiếm, côn) hành xử với nhau dã man. Những điều này khiến cả xã hội lo lắng.

Một trong những nguyên nhân được TS. Hưng chỉ ra là thiếu sự quan tâm giáo dục từ gia đình, bởi đạo đức và lối sống của cha mẹ là tấm gương cho con cái noi theo, nếu cha mẹ có lối sống lành mạnh, lương thiện, có lòng nhân nghĩa và biết quan tâm giúp đỡ mọi người xung quanh, hiếu thảo với ông bà cha mẹ,… lúc đó con cái cũng học tập và hình thành nên những phẩm chất tốt đẹp như cha mẹ.

Thực trạng lối sống  đạo đức của HSSV ở TP Cần Thơ được ThS. Lương Thạnh Siêu - Trưởng phòng Công tác HSSV (Sở GD&ĐT TP.Cần Thơ) đề cập, với 252.460 học sinh và trên 90.000 sinh viên trên địa bàn vẫn có nhiều tình trạng học sinh chửi thề, gây gổ đánh nhau và lôi kéo bạn cùng tham gia vẫn diễn ra. 

Mổ xẻ vấn đề này, ThS. Siêu cho rằng một trong những nguyên nhân là môi trường xung quanh trường học chưa thật sự lành mạnh, an toàn, yếu tố khác do tâm lý lứa tuổi, một số học sinh dễ bị kích động, cùng với nhận thức yếu kém khiến các em không làm chủ được mình. 
Môn Giáo dục công dân cần bớt "hàn lâm"

Đưa ra giải pháp cho vấn đề đạo đức HSSV xuống cấp, TS. Chu Văn Yêm (Văn phòng Chủ tịch nước) đề nghị: "Chúng ta cần thống nhất nhận thức coi môn đạo đức và GDCD là môn học đặc thù, quan trọng bởi tính chất đặc biệt của môn học trong việc góp phần giáo dục, đào tạo con người".

Trao đổi thêm về vấn đề này, GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, giáo dục đạo đức phải giáo dục thông qua những hành động cụ thể và yêu cầu thực hành đạo đức phải ở những hành động cụ thể. 

“Ta dạy con phải biết yêu thương những bà mẹ của các thương binh, liệt sĩ thì không chỉ nói rằng, đó là người đã chịu đựng hi sinh, mà phải bảo con đến giúp bà mẹ đó như dọn sân, quét nhà… khi bà ốm đau, không có ai để dựa vào”, GS. Dong nêu ví dụ cụ thể.

Theo quan điểm của TS. Nguyễn Đắc Hưng (Ban Tuyên giáo Trung ương), muốn giáo dục đạo đức cho HSSV trở thành những công dân tốt, trước hết nhà trường phải chú trọng ngay từ khi trẻ mới vào mẫu giáo. Giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh, theo TS Hưng quan trọng nhất là ở cấp tiểu học, vì đây là môi trường giáo dục đầu tiên mà học sinh mới làm quen với môi trường giáo dục.

 “Với học sinh cần dạy cho học sinh cách tiếp cận và thu nhận thông tin từ thực tiễn đang diễn ra xung quanh và vận dụng nó một cách đúng đắn vào cuộc sống” TS. Hưng đề xuất. 

Còn ThS. Lương Thạnh Siêu đề nghị Bộ GD&ĐT cần thay đổi nội dung chương trình giáo dục công dân bậc trung học giảm các nội dung trừu tượng, hàn lâm, đưa vào các nội dung cụ thể gần với cuộc sống như vấn đề về đạo đức, pháp luật… 
Xuân Trung