Tin thế giới đọc nhanh sáng 17/9/2011

17/09/2011 07:23
M.Phương (Tổng hợp)
(GDVN) - Hà Lan ngăn chặn Bulgari và Rumani gia nhập Schengen; biểu tình phản đối Israel và Mỹ ở Jordan; Nga tới thăm Syria...
1. Giới chức Triều Tiên và Hàn Quốc sẽ nhóm họp tuần tới tại Bắc Kinh để thảo luận về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Cuộc đàm phán sẽ diễn ra dưới sự chủ trì của trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Hàn Quốc Wi Sung-lac và trưởng đoàn Triều Tiên Ri Yong Ho. Trước đó, trong cuộc gặp hồi cuối tháng 7 ở Indonesia, hai trưởng đoàn này đã nhất trí nối lại đàm phán hạt nhân. (AP)
2. Chính phủ Nhật Bản cho biết sẽ phóng một vệ tinh do thám mới vào hôm nay 17/9, sau khi bị hoãn từ tháng trước. Được biết, tên lửa H-2A mang theo vệ tinh do thám mới do Nhật tự phát triển sẽ được phóng lên từ Trung tâm vũ trụ Tanegashima của Cơ quan khám phá không gian, tỉnh Kagoshima. (Mainichi)
3. Ý định ngăn chặn Bulgaria và Rumani gia nhập khu vực Schengen của chính phủ Hà Lan vẫn không thay đổi, Bộ trưởng Bộ di trú và tị nạn Hà Lan Leers Gert cho biết. Được biết, cư dân của các nước Schengen khu vực châu Âu có thể đi du lịch từ nước này sang nước khác mà không cần kiểm tra hộ chiếu. Bởi vậy, ông Leers cho biết họ chưa thật sự tin tưởng vào việc chống tham nhũng và tội phạm của hai đất nước này và vẫn còn quá sớm để các thành viên EU tham gia khu vực Schengen. Tuy nhiên, EU hy vọng rằng nó có thể thuyết phục Hà Lan cho phép hai nước Đông Âu này tham gia. (Xinhua)
4. Hàng trăm người Jordan đã xuống đường để biểu tình yêu cầu đất nước này cắt đứt mối quan hệ với Israel và ngăn chặn một sự can thiệp của Mỹ vào các vấn đề của đất nước họ. Những người biểu tình đã kêu gọi chính phủ bãi bỏ hiệp ước hòa bình Wadi Araba mà Jordan và Israel đã ký kết năm 1994. Bên cạnh đó, họ cũng kêu gọi ngăn chặn mọi nỗ lực của Mỹ công nhận nhà nước Palestine. (Xinhua)
5. Các công tố viên Ý vừa cáo buộc tám người phạm tội cung cấp hơn 30 gái gọi cho Thủ tướng Ý Berlusconi trong các buổi tiệc tối tại nhà riêng của ông với mục đích có được sự ủng hộ của thủ tướng trong các thương vụ.  Ông Berlusconi hiện phải đối mặt với các cáo buộc về gian lận, lạm dụng quyền lực và quan hệ tình dục với Karima El Mahroug khi cô 17 tuổi. Với các tội danh này, Thủ tướng Berlusconi có thể sẽ phải lãnh án 15 năm tù giam. (BBC)

6. Một phái đoàn Nga từ Thượng viện Quốc hội, Hội đồng Liên bang, sẽ tới thăm Syria để hội đàm với cả chính quyền chính thức và các phe đối lập. Đoàn đại biểu, dẫn đầu là người phát ngôn Hội đồng Liên bang  Ilyas Umakhanov dự kiến sẽ gặp mặt cả các bên liên quan đến cuộc xung đột ở Damascus để đánh giá thêm về tình hình hiện nay của quốc gia Trung Đông này. Chuyến thăm kéo dài bốn ngày bắt đầu từ ngày 17/9 mục đích cũng là để bảo vệ quyền lợi của Nga ở Syria bởi cả hai nước đã có mối quan hệ hữu nghị và cùng có lợi trong nhiều năm qua. (Xinhua)
7. Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Nga cho biết, Nga sẽ triển khai hệ thống phòng không tối tân S-400 tham gia cuộc tập trận quân sự chung với Belarus. Cuộc tập trận được tổ chức nhằm nâng cao khả năng sẵn sàng tác chiến của lực lượng khu vực chung Belarus-Nga cũng như khả năng phối hợp tác chiến giữa các đơn vị quân đội của hai nước. (RIA)
8. Sau khi tổng tấn công thành phố Sirte - quê hương của nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi, phe nổi dậy đã giành kiểm soát sân bay ở đây. Sân bay này cách trung tâm thành phố Sirte khoảng 10km. Đây tiếp tục là một thắng lợi quan trọng của lực lượng nổi dậy khi phe này kiểm soát hầu hết Libya, trong đó có cả thủ đô Tripoli. (Reuters)
9. Nước tràn vào một mỏ than ở Swansea (Wales) khiến hầm sập, lối ra bị chặn, 4 thợ mỏ bị kẹt sâu dưới lòng đất gần 100 m. 3 người trong số đó đã tử vong. Theo điều tra ban đầu, nước lớn tràn vào mỏ than khi những người thợ ở đây vô tình đào phải một mỏ than cũ đầy nước khiến nước lớn tràn vào. Ba thợ mỏ may mắn thoát chết vì họ ở vị trí dễ thoát thân hơn trước khi nước lên cao, còn 4 người bị kẹt làm việc ở sâu phía trong nên không kịp trở tay. (Sky News)
10. Liên Hợp Quốc (LHQ) dỡ bỏ lệnh trừng phạt 2 công ty dầu, nới lỏng quy định 4 ngân hàng và trao quyền đại diện tại LHQ cho phe nổi dậy Libya. Tuy nhiên, nghị quyết vùng cấm bay vẫn còn hiệu lực và được sự giám sát của Hội đồng Bảo an. Đặc biệt, Hội đồng Bảo an còn thành lập một phái bộ có nhiệm vụ thúc đẩy phục hồi kinh tế, khôi phục an ninh trật tự, bảo vệ nhân quyền và hỗ trợ các hoạt động cứu trợ nhân đạo cho Libya. (Bloomberg)
M.Phương (Tổng hợp)