9 bước giúp trẻ tăng cường sức đề kháng

18/04/2014 09:22
Hồng Anh (Tổng hợp)
(GDVN) - Để tăng cường sức đề kháng cho trẻ, bên cạnh việc sử dụng, bổ sung dưỡng chất dinh dưỡng, bạn còn cần phải kết hợp với những việc làm sau:

1. Cho trẻ bú sữa mẹ  

Khi ra đời, trẻ cần được cho bú mẹ ngay vì những giọt sữa đầu tiên (sữa non) có nhiều chất giúp nâng cao hệ miễn dịch. Trẻ bú sữa mẹ sẽ có sức đề kháng tốt.

2. Thường xuyên vuốt ve trẻ     

Việc thường xuyên được vuốt ve, trò chuyện khiến thai nhi cảm nhận tốt thế giới bên ngoài. Điều này giúp kích thích phát triển hệ thần kinh của trẻ. Bé sinh trưởng nhanh hơn và có cảm giác an toàn. Sự vuốt ve có thể cải thiện hệ tuần hoàn máu, nâng cao khả năng miễn dịch, giúp trẻ hấp thụ tốt, bớt quấy khóc, mất ngủ.

3. Tiêm chủng phòng bệnh cho trẻ

Các bà mẹ nên đưa trẻ đi tiêm chủng để phòng chống một số bệnh nguy hiểm như viêm não, viêm gan siêu vi, bạch hầu, uốn ván, ho gà...

4. Thiết lập các thói quen tốt

Bạn nên hỗ trợ, giúp trẻ sớm hình thành thói quen tốt cho bản thân như ngủ đủ giấc, năng vận động...

5. Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ và tăng cường vi chất

Khi thay đổi thức ăn cho trẻ, nếu không chú ý giữ vững cân bằng dinh dưỡng, sức đề kháng của bé sẽ bị yếu. Bạn nên cho con ăn nhiều trứng, thịt, các loại rau, hoa quả tươi. Đây là những thực phẩm chứa nhiều vi chất dinh dưỡng (vitamin A, sắt, iốt, kẽm, canxi...) giúp chống lại bệnh tật. Các thực phẩm nhiều dầu mỡ, quá mặn hay quá ngọt không tốt cho sức khỏe của trẻ.

6. Uống nhiều nước

Việc thường xuyên uống nhiều nước có thể giúp rửa sạch ruột, hỗ trợ đường tiêu hóa.

7. Cho trẻ tiếp xúc thường xuyên với môi trường

Khi đó, trẻ sẽ có sức đề kháng tự nhiên tốt hơn do cơ thể đã được tập làm quen với những tác nhân gây hại (nếu có) trong môi trường. Đây là cách tập luyện hệ miễn dịch đồng thời giúp trẻ hình thành tính cách có lợi cho sự phát triển toàn diện.

8. Giữ vệ sinh sạch sẽ

Bạn nên rèn cho trẻ thói quen giữ vệ sinh sạch sẽ và rửa tay sau khi đi vệ sinh, đặc biệt trước khi ăn cơm. Bé sẽ hình thành thói quen, tránh đưa vi khuẩn vào người.

9. Không nên tùy ý dùng thuốc kháng sinh

Hệ thống miễn dịch của cơ thể quen với một vài loại vi khuẩn tránh cho trẻ khỏi mắc bệnh. Việc tùy ý dùng thuốc kháng sinh dẫn tới hiện tượng "nhờn" thuốc. Điều này khiến cơ thể không thể chống lại sự xâm nhập của những loại vi khuẩn trong môi trường xung quanh.

Thực phẩm tăng sức đề kháng cho trẻ

1. Sữa chua

Sữa chua luôn là một thực phẩm rất tốt cho sức khỏe. Trong sữa chua có chứa các lợi khuẩn được gọi là probiotic. Các lợi khuẩn này đóng vai trò quan trọng giúp cơ thể bé chống lại bệnh tật, cải thiện hệ tiêu hóa.

2. Tăng cường rau củ quả

Bổ sung cho bé những loại rau củ quả có chứa nhiều Vitamin A và Vitamin C. Hai loại Vitamin này đóng vai trò tăng cường hệ miễn dịch khá quan trọng. Vitamin A bạn có thể tìm thấy ở các loại rau củ quả có màu cam như đu đủ, cà rốt, bí đỏ. Bổ sung cho bé bằng những món ăn như chè bí đỏ, bí đỏ xào, cháo thịt cà rốt, canh khoai tây cà rốt. Vitamin C có thể tìm thấy ở các loại hoa quả như chanh, bưởi, cam …

3. Quả óc chó

Quả óc chó chứa axit béo omega-3 lành mạnh. Omage-3 giúp chống lại đau ốm, giảm một số bệnh nhiễm trùng về đường hô hấp ở trẻ em. Cha mẹ có thể bổ sung hạt óc chỗ cho bé bằng cách trộn vào các đồ ăn nhẹ hoặc rắc lên ngũ cốc khi bé ăn sáng.

4. Tăng cường thực phẩm kẽm

Kẽm giúp khống chế sự sinh sôi và nảy nở của virut. Hệ miễn dịch của cơ thể chúng ta phụ thuộc vào kẽm giúp phòng chống nhiễm bệnh. Vì vậy bổ sung kẽm cũng là một cách để tăng cường sức đề kháng cho trẻ. 

Để bổ sung kẽm cho trẻ cha mẹ cần lưu ý cho con ăn đủ số lượng thịt hoặc thực phẩm tương đương thịt. Thường xuyên chọn nguồn thực phẩm chứa kẽm. Ăn nhiều loại thực phẩm tự nhiên giầu kẽm như thịt bò nạc.Tăng cường hấp thụ kẽm cùng với protein chất lượng cao. Ăn thịt nạc, gia cầm , lòng đỏ trứng gà hoặc cá giúp cơ thể hấp thụ được nhiều kẽm.

Hồng Anh (Tổng hợp)