Hai cha con cựu binh Mỹ trả nợ cho một cuộc chiến sai lầm

03/05/2014 06:05
HOÀNG QUÂN
(GDVN) - Hai cha con cựu binh Mỹ nhận chăm sóc cho hai anh em trong một gia đình bị ảnh hưởng chất độc da cam ở Việt Nam như là để “trả nợ” cho một cuộc chiến sai lầm.

Ánh mắt người phụ nữ Việt ám ảnh chàng lính Mỹ

Tình cờ chúng tôi may mắn gặp được hai cha con Larry Vetter (71 tuổi, cựu binh Mỹ từng tham chiến tại chiến trường Việt Nam và hiện là một phóng viên tự do nổi tiếng ở Mỹ) tại TP Đà Nẵng. Ông nói, Đà Nẵng như là nhà của mình mỗi khi đặt chân tới bởi sự thân thiện của người dân và nơi đây ông đang chăm sóc cho hai anh em nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC).

Larry Vetter cho biết, Việt Nam hoàn toàn “thay da đổi thịt” sau cuộc chiến. Dẫu chiến tranh đi qua nhiều năm, nhưng trong ký ức, ông vẫn muốn làm một điều gì đó để “trả nợ” cho mảnh đất mà một thời mình cầm súng chiến đấu sai lầm.

Hai cha con Larry Vetter đang chăm sóc cho hai anh em La Thành Toàn và La Thành Nghĩa. Ảnh H.Q
Hai cha con Larry Vetter đang chăm sóc cho hai anh em La Thành Toàn và La Thành Nghĩa. Ảnh H.Q

Cựu binh Mỹ tâm sự, khoảng tháng 7/1965, chàng trai trẻ Larry Vetter đặt chân đến chiến trường miền Trung Việt Nam để chiến đấu.

Khi đó, quân đội Mỹ giao nhiệm vụ cho ông và đồng đội tìm những người mà họ gọi là V.C để đánh. Với công việc là trinh thám, ngồi trên một căn cứ của núi Non Nước để nắm bắt tất cả những động tĩnh từ phía bờ biển, những làng mạc xung quanh. “Tất cả mọi người dân, lúc đó chúng tôi đều coi là kẻ thù”, Larry Vetter nhớ lại.

Khoảng tháng 5/1969, ông và đồng đội được lệnh hành quân vào một vùng dân cư ven biển ở xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam để truy tìm bộ đội, du kích Việt Nam.

Khi đi dò tìm vào một làng hoang vu ven biển, ông phát hiện ra một hầm bí mật và ném lựu đạn hơi cay xuống hầm để “nhử” người nấp dưới hầm đi lên. Một lúc sau, có một người phụ nữ “bụng mang dạ chửa” trèo lên từ miệng hầm, hốc hác, thở dốc, ánh mắt nhìn ông vừa giận dữ, vừa rực sáng, vừa rất lạ khiến chàng trai lính Mỹ bị ám ảnh.

“Khi đó cô gái đang chuyển dạ, trèo lên khỏi hầm mặc dù đau đớn nhưng cô ấy vẫn ôm bụng để bảo vệ đứa con. Đôi mắt nhìn tôi chằm chằm, trong đôi mắt ấy có cả sự sợ hãi, giận dữ và căm thù. Nó ám ảnh cả cuộc đời tôi", Larry Vetter bùi ngùi kể lại.

Ông Larry Vetter còn ghi lại hình ảnh Toàn và Nghĩa và những nạn nhân chất độc da cam khác để cho người dân toàn thế giới biết . Ông xem đó là sự cứu rỗi cho tâm hồn ông. Ảnh H.Q
Ông Larry Vetter còn ghi lại hình ảnh Toàn và Nghĩa và những nạn nhân chất độc da cam khác để cho người dân toàn thế giới biết . Ông xem đó là sự cứu rỗi cho tâm hồn ông. Ảnh H.Q

Ông cho rằng, ánh mắt của cô gái đó đã thức tỉnh ông, mách bảo sự thật những gì ông đã làm trong suốt 4 năm ở Việt Nam hoàn toàn sai lầm.

Sau khi cuộc chiến kết thúc, về Mỹ ông không thể quên được hình ảnh ánh mắt cô gái Việt nhìn mình. Năm 2008, ông lên kế hoạch quay trở lại Việt Nam tìm ánh mắt đó nhưng qua tìm hiểu sơ bộ thì biết người phụ nữ đó đã mất, đứa con của cô gái ấy đã cho người khác nuôi.

Từ đó ông đã tìm hiểu về văn hóa, con người Việt Nam, rồi viết cuốn sách “Máu trên hoa sen” về những người phụ nữ Việt Nam kiên trung. Đến năm 1996, thời điểm ông bị ung thư dạ dày, ông tâm nguyện phải hoàn thành cuốn sách kẻo lỡ có mất đi thì cũng để lại một món quà gửi tặng Việt Nam như một lời xin lỗi từ tấm chân thành của mình.

Con cùng cha "trả nợ"...

Năm 2008, một lần trên đường đi làm phim về NNCĐDC, tình cờ Larry Vetter đã gặp hai anh em nạn nhân da cam là La Thành Toàn (SN 1992) và La Thành Nghĩa (SN 1995) con của vợ chồng anh La Thành Cang (52 tuổi) và chị Trần Thị Hoa (48 tuổi, trú tổ 11, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng).

Hình ảnh ánh mắt người phụ nữ Việt và hai anh em NNCĐDC sống nghèo khổ đã khiến Larry xúc động và tự nhủ mình phải làm một điều gì đó để bù đắp lại những mất mát, đau thương mà cuộc chiến gây ra.

Nữ y tá Kristen (con gái ông Larry Vetter) cùng cha từ nước Mỹ xa xôi qua Việt Nam để..."trả nợ" cho một cuộc chiến sai lầm.
Nữ y tá Kristen (con gái ông Larry Vetter) cùng cha từ nước Mỹ xa xôi qua Việt Nam để..."trả nợ" cho một cuộc chiến sai lầm.

Và Larry Vetter đã nhận La Thành Toàn và La Thành Nghĩa làm con nuôi, hàng tháng ông trích tiền lương hưu gửi về Việt Nam giúp đỡ gia đình hai em để có điều kiện cho hai em học hành và ông xem đây như là “ngôi nhà thứ 2” của mình mỗi khi đến Việt Nam.

Ngoài ra, ông còn đưa hình ảnh của hai anh em Toàn, Nghĩa và nhiều trẻ em cùng cảnh ngộ khác đến với công chúng trên toàn thế giới thông qua những thước phim nóng hổi, đầy tính hiện thực. Ông xem đó là sự cứu rỗi cho tâm hồn ông.

Thấy hành động của cha, cô con gái Kristen (33 tuổi, là y tá tại một trung tâm cứu hộ ở Mỹ) cũng tình nguyện theo cha để giúp đỡ hai anh em Toàn và Nghĩa.

Khi nào rảnh rỗi, hai cha con Larry Vetter lại lặn lội từ Mỹ sang Đà Nẵng thuê nhà ở một vài tháng để tiện đi lại, tận tay chăm sóc cho hai anh em Toàn và Nghĩa.

Hàng ngày, cứ khoảng 15 giờ, ông cùng con gái cầm những dụng cụ cần thiết tới nhà Toàn và Nghĩa để tập vật lí trị liệu cho hai em.

Ông Larry Vetter cho rằng, ánh mắt của người phụ nữ Việt đã thức tỉnh ông, mách bảo sự thật những gì ông đã làm trong suốt 4 năm ở Việt Nam hoàn toàn sai lầm. Ảnh H.Q

Ông Larry Vetter cho rằng, ánh mắt của người phụ nữ Việt đã thức tỉnh ông, mách bảo sự thật những gì ông đã làm trong suốt 4 năm ở Việt Nam hoàn toàn sai lầm. Ảnh H.Q

Với tất cả tấm lòng, hai bố con ông Larry Vetter đã “thổi” vào thân thể Toàn và Nghĩa từ chỗ dường như không còn sức khỏe để chống chọi với sự sống nay sức khỏe của hai em đã hồi sinh trở lại, tinh thần khỏe khoắn hơn...

Việc làm của bố con Larry Vetter khiến cả khu dân cư tổ 11, phường Hòa Hải và những người biết đến hết sức khâm phục, trân trọng, xem như một trong nghĩa cử đẹp nhất ở đời mà họ từng chứng kiến.

Điều này càng có ý nghĩa hơn khi người điều trị cho Toàn và Nghĩa là một cựu binh Mỹ nhận ra cuộc chiến là một sai lầm và ông đang sửa sai lầm đó, dù muộn còn hơn không.

Larry Vetter chia sẻ, ở Mỹ, ông từng chứng chiến đồng đội, con cái họ ảnh hưởng CĐDC nhưng vẫn chưa thấm vào đâu khi chứng kiến những cảnh tượng hết sức đau lòng ở Việt Nam. Vì thế, ông đã đi nhiều nơi trên mảnh đất hình chữ S để viết, ghi lại những câu chuyện bằng những hình ảnh ấn tượng, bài viết cảm động nhất, vận động nhiều tổ chức, cá nhân giúp đỡ rất nhiều trường hợp, hoàn cảnh NNCĐDC mà Toàn và Nghĩa là một trong số ấy.

Hai cha con cựu binh Mỹ như người thân trong gia đình của hai vợ chồng anh La Thành Cang và chị Trần Thị Hoa. Ảnh H.Q
Hai cha con cựu binh Mỹ như người thân trong gia đình của hai vợ chồng anh La Thành Cang và chị Trần Thị Hoa. Ảnh H.Q

Cô con gái của ông lần đầu sang Việt Nam, hiểu thêm về hoàn cảnh những NNCĐDC ở Việt Nam cũng đã “đổi hướng” sẽ nghỉ việc tại Mỹ để được qua Việt Nam giúp đỡ được nhiều trường hợp hơn nữa.

"Được ăn ở với gia đình NNCĐDC ở Việt Nam tôi mới hiểu được những gì cha mình kể. Tôi đã không cầm được nước mắt khi nhìn thấy hai em co quắp bởi những cơn đau. Tôi sẽ làm mọi điều có thể để giúp hai em. Chúng tôi rất ấm áp khi được sống tại Việt Nam", Kristen tâm sự.

Bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội NNCĐDC TP Đà Nẵng, cho biết: “Larry Vetter chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp là cựu binh Mỹ có những hành động hết sức thiết thực trở lại Việt Nam giúp đỡ những NNDC. Hiện Hội NNCĐDC TP Đà Nẵng có khoảng 50 hội viên danh dự là người nước ngoài, trong đó có 28 là người Mỹ, Larry Vetter là một trong số đó”. 

HOÀNG QUÂN