Mỹ, Đức tăng trừng phạt Nga nếu can thiệp bầu cử Tổng thống Ukraine

03/05/2014 07:43
Nguyễn Hường
(GDVN) - Mỹ và Đức hôm 2/5 đã đưa ra cảnh báo rằng các công ty Nga sẽ phải đối mặt với lệnh trừng phạt kinh tế trực tiếp và đau đớn nếu làm gián đoạn bầu cử ở Ukraine.
Mỹ và Đức hôm 2/5 đã đưa ra cảnh báo rằng các công ty Nga sẽ phải đối mặt với lệnh trừng phạt kinh tế trực tiếp và đau đớn nếu cuộc bầu cử Ukraine dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng này bị gián đoạn.
"Nếu cuộc bầu cử Tổng thống Ukraine dự kiến diễn ra vào ngày 25/5 bị Nga cản trở, các biện pháp trừng phạt chống lại Moscow sau đó sẽ không thể tránh khỏi", Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết trong một tuyên bố chung với Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Nhà Trắng.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Vườn Hồng, Nhà Trắng ngày 2/5.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Vườn Hồng, Nhà Trắng ngày 2/5.
Trước đây, chính quyền Obama cho biết các biện pháp như vậy sẽ chỉ được đưa ra để đáp ứng với một sự khiêu khích của Nga xâm lược Ukraine.
Về phần mình, Thủ tướng Đức Merkel cho biết, nước Đức "sẵn sàng và chuẩn bị" xử phạt các đơn vị kinh tế quan trọng của Nga nếu Moscow từ chối hỗ trợ làm ổn định tình hình ở dọc biên giới Ukraine. 
Các biện pháp như vậy có khả năng sẽ nhắm mục tiêu vào hoạt động kinh tế bao gồm cả trong lĩnh vực tài chính, năng lượng và khai thác mỏ đóng vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế Nga.
Bà Merkel phải đối mặt với áp lực chính trị nghiêm trọng từ các nhóm kinh doanh Đức, những người cho rằng lệnh trừng phạt mới có thể làm hỏng mối quan hệ chặt chẽ của họ với ngành công nghiệp Nga. Bà cũng đối mặt với những sức ép từ đồng minh phương Tây đang tìm kiếm sự đoàn kết trong việc trừng phạt Moscow. 
Nhưng sau đó trong một bài phát biểu tại Phòng thương mại Mỹ bà Merkel bày tỏ tin tưởng rằng bà có thể thúc đẩy các doanh nghiệp lớn của Đức tham gia lệnh trừng phạt: "Cộng đồng doanh nghiệp Đức, chúng ta nên có biện pháp trừng phạt và sẽ tuân theo nó", bà nói.
Mặc dù cả hai bên đều đồng ý rằng lệnh trừng phạt có thể cần thiết, các biện pháp trừng phạt của phương Tây chống lại Nga do Mỹ dẫn đầu hiện vẫn chưa cho thấy hiệu quả lớn. 
Trong khi đó, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin cùng ngày đã nói với Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc rằng Mỹ và các đồng minh phương Tây đã loại bỏ tất cả khả năng của một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine./.
Nguyễn Hường