NSƯT Chánh Tín và sự thật chuyện bản quyền ở VN

04/05/2014 08:20
Theo Mai Thy (Người lao động)
Bộ phim "Dòng máu anh hùng" do nghệ sỹ Nguyễn Chánh Tín góp vốn đầu tư sản xuất bị tung lên khắp các trang mạng khiến dự án kinh doanh điện ảnh của ông bị phá sản.

Toàn bộ gia sản của tài tử này đã "đội nón ra đi".Đây là sự thật chua chát cho câu chuyện bản quyền ở Việt Nam. Theo ý kiến của các chuyên gia, chúng ta có thể thất thoát tới 95 tỉ đồng hàng năm vì vi phạm bản quyền.

Phim "Dòng máu anh hùng" bị đánh cắp bản quyền khiến nghệ sỹ Chánh Tín vỡ nợ.
Phim "Dòng máu anh hùng" bị đánh cắp bản quyền khiến nghệ sỹ Chánh Tín vỡ nợ.

Nỗi ám ảnh kinh hoàng với nhà làm phim

Nếu như trước đây, vi phạm bản quyền bị xảy ra nhiều ở lĩnh vực xuất bản, ca nhạc... thì giờ đây, việc vi phạm bản quyền trong điện ảnh truyền hình, trở nên dữ dội hơn bao giờ hết trong khi ngành điện ảnh, truyền hình đang phát triển rầm rộ như hiện nay. Theo thống kê của luật sư Phan Vũ Tuấn, Chánh văn phòng Hội sở hữu trí tuệ TP. HCM, hiện có trên 180 trang mạng có đăng tải phim. "Chúng tôi không thể công bố 180 trang mạng này vi phạm bản quyền phim. Tuy nhiên, trong một lần trao đổi với đại diện Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ - MPA, tôi được biết MPA chưa cung cấp bản quyền phim cho bất cứ trang mạng nào từ Việt Nam", luật sư Tuấn cho hay.

Dù chưa được cho phép nhưng các trang mạng xem phim tại Việt Nam luôn có nhiều phim mới của nước ngoài. Chính vì sự vi phạm bản quyền ngày càng nghiêm trọng mà Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ đã có đơn gửi bộ VH -TT&DL yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh của MPA. Theo đó, ba website tại Việt Nam là phim47.com, vlvn.com và pub.vn có hành vi xâm phạm bản quyền của các hãng phim lớn tại Mỹ mà MPA là một đơn vị đại diện cho các hãng phim trên. Theo đó, hình thức vi phạm của ba website này khá tinh vi, các phim tại phim47.com được tìm trên google.com.vn kết quả trả về dẫn tới trang chia sẻ video phim và đưa về cơ sở dữ liệu của phim47.com. Để hút khán giả, các trang web này đều cho xem miễn phí.

Việc không mua bản quyền và cho người xem phim ảnh miễn phí đã khiến các trang mạng này hút được khán giả và thu về khoản tiền lớn từ quảng cáo và nhiều hoạt động khác. Theo tính toán của một số chuyên gia trong lĩnh vực này, Việt Nam hiện có 400 website sử dụng video, số lượng người dùng internet tại Việt Nam cũng khá nhiều. Nếu tính toán đơn giản theo kiểu mỗi người chỉ trả 1.000 đồng tiền bản quyền /phim cho trên một trang mạng để các trang này trả tiền cho nhà sản xuất bộ phim đó thì mỗi năm các nhà sản xuất phim có thể thu được tới 95 tỉ đồng.

Có thể nói, tình trạng vi phạm bản quyền điện ảnh, truyền hình diễn ra khá nghiêm trọng và ngày càng tinh vi, khó kiểm soát. Loạn "miễn phí" đã khiến nhiều đơn vị vô tư lấy bản quyền ca nhạc, phim ảnh chia sẻ trên các trang mạng. Cũng vì điều này mà các đơn vị nước ngoài cảm thấy không yên tâm khi trình chiếu phim tại Việt Nam. Trong khi đó, việc in sao đĩa, tự ý phát sóng mà chưa có sự thỏa thuận... khá phổ biến và không quản lý, kiểm soát được.

Phân tích về vấn đề này, luật sư Phan Vũ Tuấn cũng phải ngán ngẩm cho biết: "Tình trạng xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh đang diễn ra rất nghiêm trọng với nhiều hình thức công khai và trắng trợn hơn. Dù đã có nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng đều trở nên bất lực vì vậy vấn đề giải quyết không chỉ đơn giản là ở phía các cơ quan chức năng mà còn cần sự hợp tác của nhiều đơn vị. Ngoài ra, nếu tiếp tục vi phạm thì việc tranh chấp bản quyền đối với đối tác nước ngoài là điều có thể xảy ra".

Phim nước ngoài ngại công chiếu ở Việt Nam

Nhìn từ thất thoát từ việc vi phạm bản quyền, ông Đào Việt Dũng, Trưởng phòng thương mại điện tử, công ty Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao phân tích: "Sự tăng vọt về các video trực tuyến đồng nghĩa với việc thất thoát rất nhiều tiền mỗi năm. ước tính, mỗi năm giá trị của các video được khai thác trên mạng vào khoảng 165 tỉ đồng, còn VOD (video theo yêu cầu) là khoảng 200 tỉ đồng. Tính đến năm 2018, chúng ta sẽ mất khoảng 10 nghìn tỉ đồng cho VOD và các video chia sẻ trên mạng".

Hiện nay, nhiều bộ phim dù chưa được phát sóng, nhưng đã có bản tuồn ra ngoài. Điển hình có thể kể đến như Bụi đời chợ lớn, Dòng máu anh hùng... Nỗi kinh hoàng mang tên "vi phạm bản quyền"  đang trở thành nỗi ám ảnh với các nhà làm phim. Mỗi một bộ phim, để sản xuất ra, nhà sản xuất tốn khá nhiều chi phí, tuy nhiên, khi đã bị đánh cắp bản quyền, sẽ không có đơn vị nào dám mua lại bộ phim đó để trình chiếu. Đồng nghĩa với việc này, nhà sản xuất bị mất trắng số tiền đã bỏ ra. Sự khốc liệt của việc vi phạm bản quyền tại Việt Nam đang biến thành nỗi ám ảnh kinh hoàng với nhiều người làm điện ảnh, truyền hình.

Một nhà làm phim đang rất trăn trở về vấn đề này chia sẻ: Việc đưa ra chính sách đúng đắn và được người dân đồng thuận là cách duy nhất chống vi phạm bản quyền điện ảnh truyền hình. Hiện nay, Nghị định 131 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả là công cụ để bảo vệ quyền tác giả tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc áp dụng nghị định này không đơn giản bởi khái niệm quyền tác giả và quyền sở hữu tác phẩm còn chưa được làm rõ.  Chính vì vậy, việc cần thiết nên soạn thảo lại một công cụ bảo vệ quyền tác giả, tác phẩm để tránh tình trạng nhiều nước trên thế giới không dám trình chiếu phim tại Việt Nam vì sợ nạn bản quyền bị xâm phạm sẽ mau chóng được giải quyết theo hướng tích cực.

Quản lý bằng công nghệ

Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Vũ Ngọc Hoan, Phó cục trưởng cục Bản quyền tác giả cho biết: "Hiện nay, tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới đang rất chú ý đến quyền bảo hộ tác giả và các quyền có liên quan trên môi trường số và internet. Vì thế nước ta phải bổ sung hoàn thiện những quy định pháp luật cho phù hợp với điều kiện môi trường chung. Đặc biệt là chúng ta phải có nhiều biện pháp khác về công nghệ để quản lý quyền tác giả tốt hơn".

Trong khi Việt Nam đang gặp nan giải trong việc vi phạm bản quyền, thì tại Hàn Quốc, để chống tình trạng này xảy ra, họ đã cài đặt hệ thống quản lý sao chép lậu. Trong năm 2011, Hàn Quốc có 2, 7 tỉ nội dung các mảng điện ảnh, âm nhạc, truyền hình... bị vi phạm bản quyền. Tính sơ qua số tiền thất thoát từ việc vi phạm bản quyền này đã lên đến 40.000 tỉ đồng Việt Nam. Để quản lý họ đã tiến hành việc buộc các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến cài đặt hệ thống quản lý sao chép lậu. Trong quá trình chống vi phạm bản quyền, việc nhận thức ý thức của người dân về vấn đề sở hữu trí tuệ là một trong những cách chống vi phạm bản quyền tốt nhất.

Theo Mai Thy (Người lao động)