3 mẹ con sống cùng những bia mộ giữa lòng Hà Nội

18/09/2011 07:18
Theo Tiêu Phong/Công an nhân dân
Tiếng la hét xua đuổi đàn chó của một đứa trẻ vang lên lanh lảnh giữa không gian tịch mịch hoang vu của khu nghĩa địa Khương Đình.
Tiếng gào trầm trầm của giọng nói khản gió của người đàn bà luống tuổi xen lẫn tiếng chó rít ăng ẳng. Những tiếng động của cuộc sống thực vang lên ở chốn ngỡ như là không còn có sự sống của cuộc đời thực nữa. Những va đập của đời sống thực ấy phía sau những ngôi mộ âm u lạnh lẽo trong một buổi sáng mờ sương làm chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng.

Sống cùng những bia mộ
Chúng tôi đến nghĩa trang Khương Đình Hạ (Thanh Xuân, Hà Nội) từ mờ sáng. Bởi, chỉ lấp ló mặt trời thôi là người mẹ của 2 đứa con nhỏ lại đi kiếm sống. Đường vào nghĩa địa sâu hun hút, mấp mô những ổ gà, ổ trâu do vẫn chỉ là đường đất.

Buổi sớm đầu thu, sự vắng vẻ của nghĩa địa Khương Đình Hạ khiến cảnh vật càng trở nên u tịch. Cả khu nghĩa trang có đến hàng nghìn ngôi mộ san sát nhau với đủ mọi kiểu dáng. Trong cái mờ ảo ấy thấp thoáng bóng người ra vào nhang khói cho người thân quá cố.
Đã nhiều năm nay người dân sống xung quanh khu vực nghĩa trang Khương Đình không còn lạ lẫm gì với hoàn cảnh vô cùng đáng thương của ba mẹ con chị Hương. Suốt 3 năm qua, 3 mẹ con chị Hương chỉ biết mò mẫm trong bóng tối, dựa vào ánh đèn leo lét, mập mờ của đèn đường và cả ngọn lửa ma trơi giữa nghĩa địa này mỗi khi đêm xuống.

Cái "tổ ấm" của họ là những mảnh vải che tạm bợ trong là cái đệm bốc mùi hôi hám được đặt cạnh ngay những nấm mồ lạnh ngắt. Nó chật chội, bẩn thỉu và rờn rợn đến ghê người. 3 con người tối tăm đó đã sống vật vã, mò mẫm giữa lòng Hà Nội đầy ánh sáng, phồn hoa.
Hình ảnh 3 mẹ con ướt như chuột bồng bế nhau khắp nơi tìm chỗ trú ẩn trong những đêm mưa to gió lớn khiến không ít người rơi nước mắt. Chị Hương kể: "Nhiều đêm mưa to quá, mấy cái bạt rách không chịu nổi, ngồi trên giường mà như ngoài sân. Thế là 3 mẹ con lại bồng bế nhau đi trú, bao giờ tạnh lại trở về nhà. Chị chỉ thương con Bông với thằng Cò, chúng nó sợ sấm sét lắm".
Cháu Quốc Anh vội vàng gấp chăn khi thấy người lạ đến.
Cháu Quốc Anh vội vàng gấp chăn khi thấy người lạ đến.

Biết chúng tôi đến tìm hiểu về gia cảnh, chị Hương tỏ ra ngại ngùng và không muốn chia sẻ. Sau thời gian thuyết phục, chị Hương ái ngại kể chuyện đời mình. Ngày đó, chị Hương không được như chúng bạn, một mắt kém, tinh thần không được bình thường do mẹ bị cúm khi mang thai chị.
Không những vậy, chị lại phải chịu cảnh "mẹ nọ con kia", 14 tuổi thì mẹ mất, cô bé Hương vì không thể sống cùng bố và người dì ghẻ đã chấp nhận cuộc sống "tối đâu là nhà, ngã đâu là giường". Chị làm đủ thứ, từ rửa bát thuê, bán xôi, làm ô sin, tất cả những việc gì có thể kiếm ra tiền.

40 tuổi, tóc chị xác xơ, đôi bàn tay chị gầy guộc, gương mặt nhăn nheo, bơ phờ, áo quần lấm lem bùn, than (quanh đây nhiều hộ làm nghề đóng than thủ công). Chị già hơn nhiều so với cái tuổi tứ tuần của mình.
Người mẹ của hai đứa con nhỏ rưng rưng khi nói đến hoàn cảnh lang thang, nay đây mai đó của mình: "Gì chị cũng làm miễn kiếm được đồng tiền nuôi thân, lo cho các cháu. Đời vất vả nhưng chị không ngửa tay xin ai cái gì cả. Chị nghĩ chỉ có làm điếm và ăn cắp mới đáng xấu hổ, chứ làm ăn lương thiện kiếm ra đồng tiền thì có gì mà ngại". Rồi chị rút mấy ngàn lẻ bảo thằng Cò đi mua cho vài điếu thuốc, hút cho "đỡ sầu". Và có cái gì đó như là bất cần, chấp nhận cuộc sống này.
Người đàn bà cô đơn... hoang và ...dại
Năm 1997, số phận lại trở nên nghiệt ngã hơn khi tiếp tục thử thách người phụ nữ bất hạnh đó ở những khía cạnh thương tâm hơn. Chị mang bầu với một ai đó (chị không muốn nói tên). Nhắc đến người đàn ông đó chị như nghẹn lại và không muốn nói tiếp: "Nhắc đến làm gì, đến hỏi một câu xem con cái ra sao cũng không thấy. Nhà anh ta cũng có điều kiện lắm, vậy mà…".

Chị kể, ngày mang thai đứa lớn (Phạm Thị Tuyết Mai- sinh năm 1997) một mình chị chịu đựng đau đớn. Chị còn nhớ như in cái đêm trở dạ. Lúc đó đã 2h sáng một mình vật vã ôm bụng lên Trạm y tế phường Khương Đình. Lần đó may mắn được mọi người giúp đỡ nên đã "mẹ tròn con vuông".
Người mẹ trẻ lang thang nay lại mang theo đứa con nhỏ. Chị kể: "Cũng may là con Bông (cháu Tuyết Mai) không phải ăn sữa ngoài, hai mẹ con có gì ăn nấy. Lúc đó chị hết bán xôi, rửa bát thuê rồi đi làm ô sin để nuôi con". Lúc con Bông mới được mấy tháng, trời lạnh cắt da cắt thịt, chị bế nó đi lau dọn nhà cho người ta. Cứ để nó ở bên cạnh rồi mình làm, thỉnh thoảng lại cho nó bú".

Nói đến đây chị Hương không kìm nổi những tiếng nấc trong lòng rồi lại nức nở: "Ngày đó chị ở nhờ nhà người ta, làm gì có ai trông con Bông. Để nó ở nhà chắc khóc hết nước mắt vì đói và rét…".
Những tưởng cuộc sống cứ thế chậm chạp trôi đi, cuộc sống hai mẹ con dần sẽ ổn định.  Năm 2001, chị lại có thai. Hỏi chị hoàn cảnh có đứa thứ 2 nhưng chị không dám nói. Chị tránh đi ánh mắt của chúng tôi, miệng lí nhí: "Chị khổ lắm…" - rồi chị lại khóc.

Lúc chị Hương quay mặt đi khóc thì có tiếng thằng Cò nói vọng ra từ một ngôi mộ bên cạnh: "Ối giời! Bố cháu giàu lắm, có cả xe Liberty cơ đấy. Cháu biết bố cháu đang ở đâu mà. Chả cho cháu gì…". Buổi chiều hôm đó, đi làm về chị thấy đau lưng ê ẩm. Gắng gượng mang chậu quần áo đi giặt nhưng không chịu nổi. Cố dặn người hàng xóm cất quần áo giúp nếu trời mưa rồi lủi thủi lên trạm y tế phường.
Chị Hương bùi ngùi: "Hôm đó chị lên trạm y tế phường, có tới 2 người ở đó nhưng họ bảo không biết gì về đỡ đẻ cả. Họ bảo gọi xích lô hay taxi đi bệnh viện. Nhưng chị không còn xu dính túi. Thế là chị lại đi bộ về nhà, đoạn đường về nhà thật kinh khủng. Có những lúc đau quặn phải gục đầu vào tường, chân tay run lập cập". Vậy là đứa trẻ thứ 2 cũng ra đời, một số phận bất hạnh như được dự báo trước khi nó được sinh ra ở ngoài đường.
Qua hành động, lời nói của chị Hương, tôi hiểu được hậu quả khủng khiếp khi mẹ chị bị cúm lúc mang thai chị. Một người vốn không được tinh khôn nay lại mất mẹ ở tuổi 14, rồi bị dì ghẻ hắt hủi, người cha bỏ rơi. Một thân chị phải lang thang khắp cùng đường cuối chợ kiếm sống. Để rồi chị tủi nhục bị những kẻ đê hèn kia khiến chị mang thai. Một mình người phụ nữ thiểu năng trí tuệ  đó phải gồng mình nuôi 2 đứa con, phải đối mặt với bao lưỡi hái cuộc đời mà không nhận được 1 lời thăm hỏi của cha những đứa trẻ.
Nguy hại những đứa trẻ không có tương lai
Là chị Hương nói thế nhưng tôi vẫn cứ băn khoăn tự hỏi rằng nếu chị đã biết là sinh cái Bống ra đã khổ sở, vất vả sao chị lại "đi với người ta" đến rồi đớn đau mà sinh ra thằng Cò trong tủi nhục. Chị kể về sự khốn đốn khi phải nuôi 2 con. Tôi nghe chị, thương mà giận.
Hai mẹ con ngồi trên chiếc mộ cạnh “nhà” - nơi dùng để tiếp khách.
Hai mẹ con ngồi trên chiếc mộ cạnh “nhà” - nơi dùng để tiếp khách.

Có lẽ điều ám ảnh nhất với chúng tôi không phải là túp lều hôi hám, rách nát của mẹ con chị Hương mà chính cặp mắt ngây thơ thoáng chút ngỗ nghịch, bất cần của hai đứa trẻ? Trong tương lai liệu chúng có đứng vững được trước cám dỗ hay không? Khi bước vào khu nghĩa địa Khương Đình chúng tôi không thể cầm lòng khi thấy con trai chị Hương vẫn còn nằm co dưới nền đất và trùm kín chiếc chăn.
Chị Hương nói: "Chiếc giường hằng ngày ngủ, có 3 con chó thường xuyên nằm cùng nên rất hôi. Thằng "Cò", (tên chị vẫn thường gọi) nó không chịu được mùi hôi nên nằm ở đây đó".  Mới 11 tuổi nhưng Quốc Anh (con trai thứ 2 của chị Hương) đã tỏ ra bất trị và lì lợm. Thấy cháu nằm nền đất, chúng tôi liền hỏi: "Sao nằm đất thế này?", cậu bé cộc lốc: "Không trả lời! Không quen biết".
Ngồi cùng mẹ bên ngôi mộ sát giường ngủ, cu cậu liên tục cắt ngang câu chuyện giữa chúng tôi bằng những lời đề nghị "xin tiền chơi game, mua súng". Mẹ "Cò" nói thằng bé học cũng được nhưng phải cái nghịch nhất lớp. Chị thậm chí cũng không rõ chuyện thằng Cò đã nghỉ học được hơn 1 năm rồi.

Nó đòi mượn bằng được chiếc điện thoại "hàng hiệu, đập hộp không vỡ" của tôi, hí hoáy chơi trò nhảy bóng. Rồi cứ thế cười sảng khoái khi vượt qua màn này màn khác. Cũng chỉ với cách đó Cò mới đủ kiên nhẫn ngồi trả lời mấy câu hỏi của "những người xa lạ" là chúng tôi.
Nó buông thõng từng lời: "Cháu chán học rồi. Không bao giờ thích đi học. Đến trường bọn nó hay nói xấu sau lưng. Cháu tức, đấm nhau suốt. Cô giáo nói cháu cũng chửi lại". Bạn thân của thằng Cò ngoài mấy "anh em" hội "MU, võ lâm truyền kỳ" (game online) là mấy con chó, mèo trong "nhà" và cái nghĩa địa hoang vắng với những lần sợ bắn người khi nhìn thấy bóng ma lởn vởn trong đêm tối.
"Nhiều lần ở đây người nghiện toàn vào hút, chích. Họ ngồi ngay trên giường nhà cháu. Cháu nhìn cháu ghê lắm. Kim tiêm quanh đây rất nhiều" - Thằng bé vừa kể vừa kéo tôi ra đống gạch cạnh lối ra vào nghĩa địa, chỗ mà buổi sáng nó vừa nằm, chỉ vào cái bơm kim tiêm và chai nước còn thừa vẫn lăn lóc ở đó để chứng minh.
Còn cái Bông, chị thằng Cò hiện đang học lớp 7. Em sinh năm 1997 nhưng đi học muộn 2 năm. Chị Hương gương mặt rạng ngời, khoe: "Cái Bông học khá. Nó thích học". Nhưng sống giữa sự "hoang dại" đến lạnh người và ít được quan tâm, cũng như thằng Cò, chị nó sẵn sàng buông lời bốp chát, thiếu chủ ngữ, xưng hô từ với người lớn tuổi hơn. Các em thực sự muốn "xa lánh" thế giới ồn ào ngoài kia.
Hỏi về ước mơ sau này, mẹ thằng Cò nói "chị Bông nói sau này thích học nấu ăn. Thằng Cò thích làm phi công, được tự do bay nhảy, đứng ở trên cao để ngắm nhìn mọi thứ". Còn chị, chị chẳng mơ ước gì nhiều "chỉ mong sau này chúng có mảnh đất để ở".
Mải nói chuyện nên đến gần trưa rồi mà không biết, người đàn bà và đứa con trai nhỏ chia tay chúng tôi. Hai mẹ con đầu trần đội nắng, lóc cóc bước thấp cao trên lối đi tắt ra chợ Khương Đình.

Tôi đứng đó, nhìn ngay bên đường là ông bố trẻ và đứa con trai đang cười đùa ríu rít, tần ngần nhìn chị và thằng Cò khuất bóng đi vào con ngõ sâu tít mà lòng buồn héo hắt. Không biết tương lai của những đứa nhỏ rồi sẽ ra sao!
Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Chủ tịch phường Khương Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: Hiện 3 mẹ con chị Hương không đăng ký hộ khẩu tại phường, chị là dân nơi khác đến. Trước khi ra nghĩa địa, 3 mẹ con sống lang thang, vạ vật tại hiên của các nhà cạnh đường, có khi ở những ngôi nhà hoang. Cuộc sống vô cùng khổ cực và vất vả.
Từ khi ra nghĩa địa Khương Đình sống, phường biết hoàn cảnh và có quan tâm đến 3 mẹ con chị Hương. Tạo điều kiện làm giấy khai sinh cho 2 đứa con mặc dù các cháu không có bố. Hơn nữa, khi đến tuổi đến trường phường cũng tạo điều kiện cho các cháu đi học và được miễn phí hoàn toàn.

Phường Khương Đình thường xuyên có quà, tặng sách vở, quần áo cho 2 cháu nhỏ. Hiện phường Khương Đình đang làm đơn đề nghị cho cả 3 mẹ con đi Trung tâm bảo trợ xã hội.
Theo Tiêu Phong/Công an nhân dân