Bộ Giáo dục chốt phương án thay thế điểm sàn

06/05/2014 14:34
Xuân Trung
(GDVN) - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga vừa gửi tới các đại học, học viện, các trường cao đẳng về Hướng dẫn xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào.
Theo đó, đối với trường, ngành quy định môn thi chính, tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào là điểm chuẩn xét tuyển có tính đến hệ số môn chính (tổng điểm 3 môn thi, trong đó có 1 môn thi chính nhân hệ số 2) vào trường hay vào từng ngành của trường.

Nguyên tắc xác định điểm chuẩn xét tuyển trong trường hợp này là giá trị trung bình của điểm chuẩn xét tuyển có tính đến hệ số của môn chính không được thấp hơn giá trị trung bình của mức điểm xét tuyển cơ bản vào đại học hoặc cao đẳng đã được Bộ công bố và trường đã lựa chọn (các điểm trung bình này được làm tròn với 2 số lẻ).

Điểm sàn ĐH, CĐ năm nay sẽ có thêm nhiều tiêu chí.
Điểm sàn ĐH, CĐ năm nay sẽ có thêm nhiều tiêu chí.
Đối với các trường, các ngành không quy định môn thi chính, tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào là các mức điểm xét tuyển cơ bản (tổng điểm 3 môn thi không nhân hệ số) cho từng khối thi.

Căn cứ vào kết quả thi đại học, cao đẳng của thí sinh trong cả nước, Hội đồng xác định điều kiện đảm bảo chất lượng đầu vào đề xuất Bộ trưởng Bộ GD&ĐT xem xét công bố một số mức (3 hoặc 4 mức) điểm xét tuyển cơ bản cho từng khối thi, trong đó có mức điểm tối thiểu xét tuyển vào đại học và mức điểm tối thiểu xét tuyển vào cao đẳng.

Sau khi Bộ GD&ĐT công bố các mức điểm xét tuyển để vào đại học, cao đẳng, với các trường, ngành không qui định môn thi chính cần xác định và công bố công khai mức điểm xét tuyển cơ bản và điểm chuẩn xét tuyển vào trường hay vào từng ngành của trường. Điểm chuẩn xét tuyển này không được thấp hơn mức điểm xét tuyển vào đại học, cao đẳng mà Bộ đã công bố và trường đã lựa chọn.

Với các trường, ngành đã công bố môn thi chính cần xác định và công bố công khai mức điểm xét tuyển cơ bản và điểm chuẩn xét tuyển có tínhđến hệ số của môn chính theo nguyên tắc nêu ở mục 2 của công văn này.

Các trường đại học, cao đẳng tổ chức xét tuyển các thí sinh có kết quả thi đạt mức từ mức điểm chuẩn xét tuyển trở lên (điểm chuẩn xét tuyển cơ bản hoặc điểm chuẩn xét tuyển có tính hệ số của môn chính) theo các quy định hiện hành của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy.

Trước ngày 20/5, các trường công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng và báo cáo Bộ GD&ĐT môn thi chính được nhân hệ số 2 đối với từng ngành của trường.

Trước đó, khi Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo về Quy định xét tuyển này, TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) đã lên tiếng khẳng định, quy định về xét tuyển không có gì mới, thậm chí chỉ là thay thế ngôn từ. Theo TS. Khuyến, quy định cũ trước đây có điểm sàn, trong khi quy định năm nay vẫn đưa ra điểm sàn nhưng chỉ sử dụng thay thế bằng một thuật ngữ khác là “mức điểm xét tuyển tối thiểu”.

Và những hạn chế của việc tuyển sinh “ba chung” về cơ bản vẫn không được khắc phụctrong quy định xét tuyển năm nay. Vì, vẫn bắt các trường phải thi theo một số khối thi cứng nhắc (A, A1, B, C, D) chứ không để cho các trường được thi theo những khối thi mềm dẻo do các trường tự quyết định (có thể ghép nhóm môn với nhau).

Không có cơ sở khoa học khi xét điểm sàn nếu chỉ dựa vào phổ của tổng điểm 3 môn thi do chuẩn của 3 môn đó không giống nhau. Theo TS. Khuyến, lý ra phải căn cứ vào phổ điểm của từng môn để xác định điểm sàn hay mức điểm xét tuyển cơ bản cho từng môn thi. Với quy định này sẽ vẫn không loại được tình trạng thí sinh ảo.

Xuân Trung