Thanh Hóa: “Xẻ thịt” gầm cầu làm bãi trông giữ xe

09/05/2014 06:39
QUỐC TOẢN
(GDVN)- Một loạt gầm cầu vượt trên địa bàn thành phố Thanh Hóa phút chốc biến thành các điểm trông giữ xe trong nhiều năm mà không bị các cơ quan chức năng xử lý.

Nhiều năm trở lại đây, tình trạng chiếm dụng gầm cầu để kinh doanh đã trở nên phổ biến. Theo đó, tại gầm cầu vượt Phú Sơn, cầu vượt Quốc lộ 47, cầu vượt đường Trần Hưng Đạo, hàng nghìn mét vuông đất gầm cầu đã được chủ của nó (Công ty cổ phần 27-7) thực hiện công tác “quy hoạch”, khoanh vùng,  dựng rào chắn làm bãi trông giữ ôtô - xe máy.  

Theo tìm hiểu, để có đất gửi xe, các chủ phương tiện đều phải ký hợp đồng với chủ bãi theo tháng. Đối với phương tiện là xe máy thì mức phí gửi là 5000đ/ngày. Đối với các phương tiện vận tải có trọng tải lớn thì mức phí được tính cao hơn (30 - 40.000đ/ngày). 
Theo quan sát, tại các điểm cầu nói trên hàng ngày có tới hàng trăm phương tiện (kể cả xe máy) được chủ bãi bố trí đậu đỗ phía dưới gầm cầu. Nhẩm tính số tiền mà chủ bãi thu về trong một ngày có thể lên tới hàng triệu đồng.
Đáng chú ý là tình tình trạng trên đã diễn ra trong nhiều năm nhưng vẫn chưa được giải quyết. Thực tế trên đã gây ra nhiều bức xúc cho người dân sống quanh khu vực gầm cầu.
“Thường thì ngày nào cũng vậy, cứ vào thời điểm khoảng 1h đến 2h sáng, hàng chục xe tải cỡ nhỏ tiến hành tháo dỡ, bốc hàng, phát ra những tiếng động rất khó nghe. Người dân đã kiến nghị với chính quyền để di chuyển những điểm trông giữ xe dưới gầm cầu mà vẫn chưa được giải quyết”, một người dân sống cạnh chân cầu vượt Phú Sơn cho hay.
Mặt khác, tại các khu vực nói trên, nhiều hộ dân còn ngang nhiên chiếm dụng đất dưới gầm cầu, dựng ốt, xây lều quán để thuận tiện cho việc kinh doanh buôn bán. 
Cũng theo phản ánh của các hộ dân sống quanh khu vực gầm cầu Phú Sơn, cầu vượt Quốc lộ 47, cầu vượt đường Trần Hưng Đạo, kể từ khi gầm cầu bị “xâm chiếm”, người ta rất hiếm khi thấy lực lượng chức năng đến kiểm tra xử lý. Nếu có thì cũng kiểm tra qua loa cho xong chuyện. Thế mới có chuyện dân phản ánh, kiến nghị nhiều lần nhưng vẫn chưa được giải quyết nguyện vọng. Còn tại các điểm tập kết phương tiện dưới chân cầu thì vẫn ngang nhiên hoạt động qua mặt chính quyền, bất chấp luật pháp.
Đáng nói hơn, những điểm trông giữ xe dưới gầm cầu chính là nơi phân bổ các nút giao thông quan trọng và mật độ lưu lượng phương tiện tham gia giao thông lớn. Do vậy, việc xử lý ùn tắc giao thông tại những thời điểm tan tầm càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Trước đó, Nghị định số 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đã nêu rõ phạt, tiền từ 2-  3 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau; Buôn bán, dựng lều quán, công trình tạm thời khác trái phép trong khu vực đô thị tại hầm đường bộ, cầu vượt, hầm cho người đi bộ... Thế nhưng, phớt lờ quy định, tình trạng trên đã diễn ra trong nhiều năm tại các điểm cầu vượt thành phố Thanh Hóa.
Mới đây thành phố Thanh Hóa vừa được công nhận là đô thị loại 1. Việc xuất hiện những hình ảnh nhếch nhác phản cảm dưới đây liệu đã xứng đáng với "danh hiệu" trên?

Dưới đây là một số hình ảnh được phóng viên ghi lại.

Điểm trông giữ xe dưới gầm cầu vượt đường Trần Hưng Đạo
Điểm trông giữ xe dưới gầm cầu vượt đường Trần Hưng Đạo
Tại gầm cầu vượt Quốc lộ 47, hầu hết diện tích mặt bằng dưới chân cầu đều biến thành bãi gửi xe...
Tại gầm cầu vượt Quốc lộ 47, hầu hết diện tích mặt bằng dưới chân cầu đều biến thành bãi gửi xe...
Gầm cầu vượt Quốc lộ 47 trở thành nơi giao lưu buôn bán sầm uất
Gầm cầu vượt Quốc lộ 47 trở thành nơi giao lưu buôn bán sầm uất
Gầm cầu vượt Phú Sơn biến thành "công xưởng" sản xuất
Gầm cầu vượt Phú Sơn biến thành "công xưởng" sản xuất 
Tất cả đều mang một tên chung, công ty cổ phần 27-7
Tất cả đều mang một tên chung, công ty cổ phần 27-7
QUỐC TOẢN