Việt Nam đang đứng trước sự lựa chọn quyết định

13/05/2014 06:32
TS. Phạm Cao Cường
(GDVN)- Việt Nam cần có hành động kiên quyết với TQ nếu không hoạt động lấn chiếm vẫn sẽ tiếp diễn trên tất cả các khu vực thuộc thềm lục địa và đặc quyền Việt Nam.

Đã vượt qua ranh giới của hành vi vi phạm chủ quyền lãnh thổ!

Việc Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam không chỉ là sự vi phạm trắng trợn chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam mà cần phải coi đó là một hành động “xâm lược” và bị lên án mạnh mẽ. 

Những hành vi hiếu chiến, cố tình tạo căng thẳng và gây mất ổn định định khu vực Đông Nam Á không chỉ đe dọa tới chủ quyền, lợi ích quốc gia của Việt Nam mà còn của nhiều nước khác trong khu vực. Sự kiện này một lần nữa đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam trong việc lựa chọn quan hệ chiến lược với các nước lớn để bảo vệ tối thượng lợi ích quốc gia, trong đó đó sự độc lập và toàn vẹn lãnh thổ.

Sau Chiến tranh lạnh, Hoa Kỳ vẫn là cường quốc số một thế giới về tiềm lực kinh tế và sức mạnh quân sự. Mục tiêu tối thượng của Mỹ vẫn không có gì thay đổi từ Chiến tranh thế giới thứ II đó là duy trì vai trò lãnh đạo của Mỹ trên quy mô toàn cầu. 

Trong chiến lược toàn cầu này, khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng luôn chiếm một vị trí quan trọng. Tại khu vực, Hoa Kỳ vẫn duy trì hàng loạt các Hiệp ước đồng minh như: Hiệp ước an ninh giữa Mỹ với Philippines (1951), Thái Lan (1954), Nhật Bản (1951), Hàn Quốc (1953) và Úc (1951). Thông qua những hiệp ước này, Hoa Kỳ đã tạo nên một mạng lưới các liên minh quân sự tại Đông Nam Á, phục vụ cho các lợi ích lâu dài của Washington trong đó có cả mục tiêu duy trì sự bá quyền của Hoa Kỳ tại khu vực. 

Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Tuy nhiên, sau Chiến tranh lạnh, trong nhận thức của các nhà hoạch định chiến lược Mỹ, do mối đe dọa “Liên Xô” không còn và do những khó khăn về kinh tế ở trong nước đã buộc chính quyền của Tổng thống Bill Clinton tập trung nhiều hơn vào các vấn đề nội bộ của nước Mỹ. Việc Mỹ rút các căn cứ quân sự của mình ra khỏi Philippines vào năm 1992 đã tạo ra một khoảng trống quyền lực tại Đông Nam Á. 

Tuy nhiên, chính quyền Clinton vẫn đề ra chiến lược toàn cầu mới (Chiến lược Can dự và Mở rộng) trong đó nhấn mạnh vào việc xây dựng một “Cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương mới” với ba trụ cột về kinh tế, anh ninh và chính trị. 

Không những thế, Hoa Kỳ còn ủng hộ việc thành lập diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) để từng bước đối phó với những diễn biến tại châu Á - Thái Bình Dương và Đông Nam Á. Đặc biệt là sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng như các tranh chấp về lãnh thổ tại tại Biển Đông, Hoa Kỳ lần lượt công bố nhiều báo cáo chiến lược trong đó có Báo cáo Chiến lược Đông Á (EASR). Trong đó, đề ra 14 mục tiêu của Mỹ tại khu vực. 

Về phần mình, lợi dụng Hoa Kỳ tập trung vào các vấn đề trong nước, nhất là sau khi Washington rút các căn cứ quân sự ra khỏi Philippines, Trung Quốc lăm le nhảy vào lấp khoảng trống quyền lực và đòi tranh giành vị trí bá quyền của Mỹ tại Đông Nam Á. Sự thiếu minh bạch trong các chương trình hiện đại hóa quân sự cũng như những tham vọng về lãnh thổ của Trung Quốc tại Biển Đông đã làm dấy lên về “mối đea dọa Trung Quốc” tại các quốc gia phương Tây nhất là ở Mỹ. Chiến lược toàn cầu của Mỹ do vậy luôn xoay quanh nhân tố Trung Quốc và coi Trung Quốc là một “đối thủ tiềm tàng”, một thách thức vai trò lãnh đạo của Mỹ tại châu Á. 

Bước sang thời gian cầm quyền của chính quyền W.Bush, Đông Nam Á càng trở nên quan trọng trong chiến lược toàn cầu của Mỹ. Dưới tác tác động của Học thuyết Bush (Tấn công phủ đầu), Đông Nam Á được coi là “mặt trận thứ hai” trong cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ. Tại Đông Nam Á, Hoa Kỳ tái tăng cường liên minh với Philippines, Thái Lan và Singapore. 

Trong khi đó, quan hệ của Mỹ với Indonesia, Malaysia cũng tiếp tục cải thiện mạnh mẽ và mở rộng ra nhiều lĩnh vực hợp tác khác như an ninh, quốc phòng và chống khủng bố.

Ta nên làm gì?

Về phần mình, hầu hết các quốc gia Đông Nam Á đều thừa nhận vai trò của Mỹ như là một nhân tố bảo đảm cho sự hòa bình và ổn định của cả khu vực. Đối với Philippines, sau khi đóng cửa các căn cứ quân sự của Mỹ tại Philippines vào năm 1992, Manila nhận ra rằng, thiếu sự ủng hộ của Mỹ họ không thể kiềm chế được mối “đe dọa” Trung Quốc. 

Chính cựu Tổng thống Philippines Estrada lúc đó thậm chí còn đặt câu hỏi: Trong trường hợp Philippines tranh chấp nhiều hơn với Trung Quốc tại Biển Đông, thì Manila sẽ làm gì để bảo vệ mình? Kết quả là sau những hành động của Trung Quốc tại Biển Đông trong những năm 1990 của thế kỷ 20, Manila đã tăng cường liên minh với Mỹ thông qua Hiệp định các Lực lượng viếng thăm Philippines - Hoa Kỳ (VFA). 

Hiệp định này tiếp tục bổ sung cho Hiệp ước an ninh giữa Mỹ-Philippines năm 1951 trong đó quy định rằng bất kỳ quộc tấn công nào nhằm vào Philippines thì Mỹ sẽ can thiệp. VFA cho phép lực lượng quân sự Mỹ hiện diện nhiều hơn tại Philippines thông qua việc viếng thăm và diễn tập quân sự. 

Cũng giống như Philippines, Thái Lan được coi là nước ủng hộ Mỹ và coi sự hiện diện của Mỹ tại Đông Nam Á góp phần vào sự ổn định tại khu vực. Trong nhận thức của người Thái, chính sách ngoại giao “ngả theo chiều gió” đã giúp Bangkok duy trì được sự toàn vẹn lãnh thổ trong một thời gian dài khi biết dựa vào Washington như một chiếc ô về an ninh. 

Thực tế, mối quan hệ giữa hai bên vẫn được duy trì bởi Hiệp định chung Rusk-Thanat ký năm 1962. Trong các tài liệu chiến lược của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng, Thái Lan vẫn được coi là một đồng minh của Mỹ tại khu vực. Giữa Mỹ và Thái Lan cũng tiến hành nhiều cuộc tập trận quân sự như Cobra Gold, Cope Tiger, Freedom Banner, Frequent Storm và RIMPAC. 

Là một quốc gia nhỏ, Singapore là quốc gia dễ bị tổn thương bởi các mối đe dọa từ bên ngoài. Chính vì vậy mà ngay sau khi được trao trả độc lập, quốc gia hải đảo này đã muốn dựa vào chiếc ô an ninh của Mỹ. Năm 1990, hai bên đã ký Bản ghi nhớ (MOU) về quan hệ an ninh trong đó cho phép hải quân và không lực Hoa Kỳ được tiếp cận các căn cứ quân sự địa phương. 

Ngoài ra, các máy bay chiến đấu của Mỹ cũng được phép viếng thăm và tham gia vào những cuộc tập trận chung với Singapore. Năm 1992, Bản ghi nhớ (MOU) tiếp tục được sửa đổi cho phép Hoa Kỳ được sử dụng nhiều hơn các căn cứ không quân (Sembawang, Paya Lebar), quân cảng của Singapore phục vụ cho các chiến dịch quân sự toàn cầu của Mỹ.

Ngoài ba nước nói trên, các nước còn lại như Indonesia, Malaysia cũng không ngừng gia tăng quan hệ với Mỹ. Trong suốt những năm 1990, Jakarta vẫn coi sự hiện diện của Mỹ tại Đông Nam Á như là nhân tố quan trọng cho sự ổn định về an ninh tại khu vực. 

Đối với Malaysia, mặc dù phản đối sự hiện diện về quân sự của Mỹ tại Đông Nam Á cũng như hay thường xuyên chỉ trích Mỹ về những giá trị tự do, dân chủ Mỹ, Kuala Lumpur vẫn tăng cường hợp tác với Mỹ thông qua các cuộc tập trận quân sự. Dưới thời của chính quyền Mỹ W. Bush, quan hệ của Mỹ với các nước Đông Nam Á càng được tăng cường thông qua cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ. 

Ngoài việc cung cấp viện trợ quân sự, vũ khí và tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung, Hoa Kỳ còn thắt chặt hơn các mối quan hệ liên minh quân sự với các quốc gia Đông Nam Á. 

Cụ thể, cả Philippines và Thái Lan đều được coi là đồng minh chủ chốt của Mỹ ngoài khối NATO. Dưới thời chính quyền của Tổng thống Obama, Đông Nam Á càng trở nên quan trọng khi Mỹ thực hiện chiến lược “xoay trục” sang châu Á. Đông Nam Á có một vai trò chiến lược quan trọng đối với Mỹ không chỉ trên khía cạnh lợi ích kinh tế và cả vị trí địa chiến lược nơi Trung Quốc đang ngày càng tạo ra những thách thức về lợi ích.

Như vậy, có thể thấy hầu hết các nước Đông Nam Á đều coi Mỹ là nhân tố có vai trò làm ổn định khu vực. Do có bất đồng với Mỹ trong nhiều vấn đề, song các quốc gia này đều muốn tăng cường hợp tác với Mỹ trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là trong hợp tác quốc phòng. Ví dụ, như trường hợp của Malaysia là quốc gia phản đối sự hiện diện của Mỹ tại khu vực. Chính phủ Malaysia trước đây thường chỉ trích và lên án những giá trị Mỹ. 

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Kuala Lumpur cũng không ngừng cải thiện quan hệ với Washington đặc biệt là về hợp tác an ninh, quốc phòng. Đối với Indonesia, mặc dù là quốc gia Hồi giáo trong quan hệ giữa hai nước vẫn còn nhiều sự khác biệt, xong Indonesia không ngừng tăng cường quan hệ với Mỹ. Dưới thời chính quyền của Tổng thống W.Bush và dưới tác động của cuộc chiến chống khủng bố, Jakarta đã không ngừng cải hiện quan hệ với Washington, thúc đẩy quan hệ quân sự-quân sự giữa hai bên. Indonesia cũng nhận được rất nhiều các khoản viện trợ quân sự và tham gia đều đặn các cuộc tập trận quân sự với Mỹ.

Điều mà Hoa Kỳ quan ngại nhất tại Đông Nam Á đó là “mối đe dọa” cũng như thách thức đến từ phía Trung Quốc. Trong khi Hoa Kỳ chủ trương giữa nguyên trạng thì Bắc Kinh lại chủ trương “bành trướng” ra toàn bộ khu vực. Ngoài lợi ích về kinh tế tại Đông Nam Á, như Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN với kế hoạch giá trị thương mại song phương tăng lên đến 1.000 tỷ USD vào năm 2020, Trung Quốc đang mong muốn mở rộng vùng ảnh hưởng của mình xuống phía Nam, trong đó có khu vực Biển Đông. 

Thực tế, tại khu vực này Trung Quốc ngày càng trở nên hiếu chiến nhất là trong những tuyên bố về chủ quyền. Chính những hành động của Trung Quốc càng khiến cho nhiều quốc gia phương Tây và các quốc gia láng giềng nghi ngờ về ý đồ thực sự của Trung Quốc trong đó có những tuyên bố về sự “trỗi dậy hòa bình”, “cùng tồn tại”, “giáng giềng thân thiện”. 

Năm 1974, Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa từ phía Việt Nam. Năm 1988, Trung Quốc gây ra cuộc xung đột với hải quân Việt Nam tại khu vực tranh chấp, làm đắm 3 chiếc tàu của Việt Nam và khiến 72 sĩ quan Việt Nam hi sinh. 

Năm 1995, Trung Quốc chiếm giữ và xây dựng một kết cấu bê tông trên đảo Vành Khăn mà Phillipines tuyên bố chủ quyền. 

Năm 1998, Trung Quốc tiếp tục củng cố những khối bê tông này, trong đó có gắn các súng máy, thiết bị liên lạc qua vệ tinh càng khiến cho tình hình trở nên căng thẳng. Từ đó đến nay, Trung Quốc không ngừng gia tăng các hoạt động hung hăng, lấn chiếm và xâm phạm chủ quyền của các quốc gia khác. 

Xét về khía cạnh chiến lược, kể từ sau Chiến tranh lạnh cho tới nay, trong sức mạnh quân sự và kinh tế của Trung Quốc tăng lên nhanh chóng, quyền lực mềm của Trung Quốc tại Đông Nam Á lại rớt thê thảm. Có thể nói, đây là một bước thụt lùi trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. 

Chính cách hành xử của Trung Quốc, cùng những mưu đồ không rõ ràng trong chương trình hiện đại hóa quân đội cũng như chủ trương “áp đặt hung hăng” (creeping assertiveness), “vừa đàm vừa chiếm” (talk and take) tại Biển Đông đã làm dấy lên về “mối đe dọa” của Trung Quốc tại khu vực không chỉ tại châu Á và còn ở cả các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Nhiều nước như Philippines, Singapore thậm chí còn bày tỏ sự nghi ngờ của cái gọi là sự “trỗi dậy hòa bình” hay một “cường quốc trách nhiệm” của Trung Quốc. 

Chính vì thế, nhiều nước Đông Nam Á đã tìm cách tăng cường quân sự với Mỹ, ủng hộ sự hiện diện của Mỹ tại khu vực và coi đó như là cách để đối phó với mối đe dọa đến từ Trung Quốc và nguy cơ bất ổn định tại Đông Nam Á. 

Khi nhận xét về quyền lực mềm của Trung Quốc, chính cha đẻ của thuyết này là Giáo sư Joseph S. Nye đã phải thừa nhận rằng, mặc dù tiềm lực quân sự và kinh tế của Trung Quốc rất ấn tượng, song điều này lại khiến các quốc gia láng giềng không ngừng tìm kiếm các đồng minh để cân bằng với việc tăng cường quyền lực cứng (quân sự) của Trung Quốc. 

Đây quả thực là một điều nghịch lý bởi theo thủ thuyết này, nếu một quốc gia có thể nâng cao quyền lực mềm của mình thì các quốc gia láng giềng của họ không cảm thấy cần thiết phải cần bằng quyền lực của mình nữa. Ví dụ, cả Canada và Mexico không cần phải tìm kiếm liên minh với Trung Quốc để cân bằng quyền lực với Mỹ giống như là các quốc gia châu Á đang tìm muốn sự hiện diện của Mỹ để cân bằng lại Trung Quốc. 

Như vậy rõ ràng, quyền lực mềm của Trung Quốc đã không phát huy được tác dụng. Thay vào đó, là sự răn đe về quân sự khi Trung Quốc cố tình áp đặt ý chí và cách hành xử của mình lên các nước nhỏ hơn, phớt lờ dư luật và luật pháp quốc tế.

Để giải bài toán thách thức đến từ phía Trung Quốc, rõ ràng cần phải xác định lại vị trí và các lợi ích của Mỹ tại Đông Nam Á. Hiển nhiên rằng, trong khoảng thời gian từ 1 đến 2 thập kỷ tới, Hoa Kỳ vẫn đóng vai trò then chốt tại khu vực này. Trong chính sách toàn cầu của Mỹ từ sau chiến tranh lạnh cho tới nay, vai trò của Đông Nam Á ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. 

Chính vì nhận biết được xu hướng này mà các nước Đông Nam Á đã không ngừng tăng cường quan hệ với Mỹ và dựa vào chiếc ô an ninh của Mỹ để đối phó với các mối đe dọa đến từ bên ngoài cũng như sự bất ổn tại khu vực. 

Và trong trường hợp này, Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Có điều chúng ta cần phải xử lý thật khôn khéo trong quan hệ giữa các nước lớn để bảo vệ tối thượng lợi ích quôc gia, giữa vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Việc định hướng đối tác chiến lược với các nước lớn cần phải rõ ràng và nhìn nhận đâu là đồng minh, đâu là đối tác chiến lược, đâu là bạn bè và đâu là mối đe dọa. 

Tại Đông Nam Á, Singapore là nước đã vận dụng khá tốt đường lối này nên mặc dù là quốc gia nhỏ họ đã hóa giải được hầu hết các thách thức và mối đe dọa đến từ bên ngoài. Đối với Philippines, Manila vẫn duy trì Hiệp ước an ninh giữa Mỹ-Philippines (1951) trong đó cam kết Mỹ sẽ tham gia nếu một khi nước này bị tấn công. Rõ ràng, Hiệp ước này đã tạo cho Manila một chiếc ô về an ninh để chống lại nguy cơ đe dọa từ bên ngoài nhất là nguy cơ đến từ Trung Quốc.   

Sự kiện Trung Quốc đặt giàn khoan 981 tại thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam một lần nữa tái khẳng định tham vọng của Trung Quốc cũng như quyết tâm của Bắc Kinh trong việc muốn kiểm soát và độc chiếm toàn bộ Biển Đông. Cần phải khẳng định rằng, Trung Quốc không bao giờ từ bỏ ý đồ này nếu nhưng không có một cơ chế ràng buộc và có một lực lượng đủ mạnh để kiềm chế Trung Quốc. 

Tại châu Á - Thái Bình Dương, ngoài các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc hầu hết các nước tại khu vực Đông Nam Á là những nước nhỏ, tiềm lực quân sự không đủ mạnh để có thể kiềm chế lại với Trung Quốc. Đối với Thái Lan, mặc dù vẫn duy trì Hiệp định anh ninh với Mỹ song Thái Lan không có tranh chấp với Trung Quốc tại Biển Đông. Đối với Philippines là nước có tranh chấp với lãnh thổ với Trung Quốc nhưng lại là đồng minh của Mỹ. Ít nhiều Trung Quốc vẫn phải dè chừng trong các hành động của mình với Manila. 

Trong trường hợp của Việt Nam, nếu chúng ta không có hành động kiên quyết và dứt khoát với Trung Quốc, hoạt động này vẫn sẽ tiếp diễn trên tất cả các khu vực thuộc thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Điều nguy hiểm ở chỗ, nếu như Trung Quốc khoan được dầu tại khu vực hiện nay, họ sẽ đặt giàn khoan cố định tại những vị trí đó để khai thác toàn và sử dụng tàu quân sự để bảo vệ. 

Thông qua sức mạnh quân sự, Trung Quốc đang ép các quốc gia khác phải tuân thủ luật chơi của mình, sẵn sàng vi phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nước khác. Chính Trung Quốc là nhân tố gấy bất ổn định tại Biển Đông mà cũng là nhân tố khiến các nước trong khu vực không ngừng thực hiện chạy đua vũ trang trong gần 2 thập kỷ qua. Vì vậy, để đối phó với những thách thức không chỉ trước mắt mà cả về lâu dài, Việt Nam cần đánh giá lại những vấn đề sau. 

1. Tái xác định ưu tiến chiến lược với các nước lớn: Để thực hiện điều này, Việt Nam cần phải nắm rõ tình hình và dự báo được tình hình an ninh khu vực cũng như động thái của các nước xung quanh. Rõ ràng, Hoa Kỳ vẫn sẽ là cường quốc thống trị tại khu vực. Hoa Kỳ có nhiều lợi ích và cam kết tại Đông Nam Á và đang duy trì liên minh quân sự với các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Thái Lan, Philippines. 

Việc tăng cường quan hệ đồng minh với Mỹ sẽ giúp Việt Nam hóa giải nhiều mối đe dọa và củng cố các liên minh của Việt Nam tại khu vực. Cần lập ngay một cơ chế đối thoại anh ninh giữa Việt Nam và Hoa Kỳ để thảo luận về những vấn đề an ninh mà hai bên cùng quan tâm, trong đó có những vấn đề thuộc về Biển Đông như: Sự tự do về hàng hải, chống cướp biển, tập trận quân sự. 

2. Thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Nhật Bản trong nhấn mạnh hợp tác về lĩnh vực an ninh, quân sự: Trong số các nước đồng minh của Mỹ, Nhật Bản là nước có sức mạnh về kinh tế lẫn quân sự. Quan hệ giữa Việt Nam-Nhật Bản rất tốt và liên tục mở rộng. 

Tuy nhiên, trong bối cảnh như hiện nay, chúng ta cần tập trung để đưa quan hệ này đi vào chiều sâu, đặc biệt là quan hệ an ninh, quốc phòng. Hai bên định kỳ tổ chức các cuộc tập trận quân sự, trao đổi trong lĩnh vực đào tạo quân sự, hỗ trợ quân sự. Việc thiết lập một cơ chế an ninh hợp tác với Nhật Bản sẽ giúp duy trì hòa bình tại khu vực nhất khi Nhật Bản cũng đã tăng cường mở rộng quan hệ của mình ra toàn khu vực Đông Nam Á. 

3. Kiên quyết cứng rắn với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông: Cần phải thấy rõ rằng, Trung Quốc sẽ không từ bỏ những tham vọng của mình tại Biển Đông. Nếu để Trung Quốc tiếp tục có những hành động lấn lướt hơn nữa đối với những tranh chấp tại Biển Đông và xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, hậu quả sẽ khôn lường vì như vậy Trung Quốc sẽ được đằng chân, lân đằng đầu. 

Chính vì vậy, Việt Nam cần phải chuẩn bị mọi kịch bản, không ngừng cảnh giác trước các hoạt động của Trung Quốc. Để thực hiện điều này, Việt Nam cần có sự ủng hộ tối đa của cộng đồng quốc tế; có tiếng nói mạnh mẽ tại các diễn đàn của khu vực và quốc tế để phản đối Trung Quốc. Tuyên truyền để cho chính người dân Trung Quốc của họ thấy được ý đồ và hành động sai trái của nhà cầm quyền để có tiếng nói, gây sức ép công luận trong nước. 

4. Cần củng cố tiếng nói và sự đoàn kết trong ASEAN và bày tỏ cứng rắn với thái độ và hành động của Trung Quốc tại Biển Đông. ASEAN nền đề xuất các phiên họp khẩn cấp, các phiên họp chuyên về Biển Đông có sự tham gia của các nước lớn đặc biệt khi Trung Quốc đang có những hành động hiếu chiến, xâm lược chủ quyền của Việt Nam. Việt Nam cần thực hiện ngay việc lên án hành động của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc coi đó là một hành động xâm lược vào một quốc gia có chủ quyền và kêu gọi các nước trên thế giới gây sức ép tới các nhà cầm quyền Trung Quốc. 

Ngoài ra, Việt Nam và ASEAN cũng cần hồi thúc việc hoàn thiện thiện Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), góp phần vào hòa bình, giải quyết các tranh chấp trên cơ sở hòa bình, độc lập chủ quyền và tôn trọng Luật pháp quốc tế trong đó có Công ước luật Biển năm 1982./.

Bài viết thể hiện quan điểm, nhận thức riêng của tác giả. 

Tiến sĩ Phạm Cao Cường, tốt nghiệp Khoa Chính trị và Quan hệ Quốc tế tại Đại học New South Wales (Úc), chuyên gia nghiên cứu về Chính sách đối ngoại Mỹ, các vấn đề an ninh và quan hệ quốc tế tại Đông Nam Á.

TS. Phạm Cao Cường