Bkav: Nhóm hacker TQ tấn công website Việt Nam "không có gì đặc biệt"

15/05/2014 07:16
Hoàng Lực
(GDVN)- Ông Ngô Tuấn Anh khẳng định, 1937cN chỉ là nhóm hacker bình thường, kỹ thuật sử dụng trong việc tấn công các trang web Việt Nam không có gì đặc biệt.

Cùng với hành vi xâm phạm trái phép vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam những ngày qua theo cảnh báo của các chuyên gia an ninh mạng các hacker, nhóm hacker Trung Quốc liên tục tấn công các website Việt Nam. Theo ghi nhận của Công ty Bkav trong 3 ngày từ 8/5 đến 11/5, đã có 220 trang web của Việt Nam bị các hacker tự nhận là "tin tặc Trung Quốc" tấn công, trong đó có 6 webstie có tên miền .gov. 

Các website này phải hứng chịu những đợt tấn công từ chối dịch vụ, thay đổi giao diện… 

"Tin tặc" Trung Quốc đang thực hiện cuộc tấn công các trang web của Việt Nam (Ảnh minh họa)
"Tin tặc" Trung Quốc đang thực hiện cuộc tấn công các trang web của Việt Nam (Ảnh minh họa)

Ngay sau thông tin các trang web Việt Nam bị tin tặc Trung Quốc tấn công các chuyên gia an ninh mạng đã rò tìm. Đến ngày 13/5 website an toàn thông tin mạng của Việt Nam là SecureDaily cho biết đã truy được website 1937cn.net (trang web chính thức của nhóm 1937cN), một trang mạng hacker của Trung Quốc được lập ra với mục đích kích động hacker tấn công các website của Việt Nam.

Trên trang website hack-cn.com, trang web thống kê và xếp hạng các nhóm hacker Trung Quốc, 1937cN là nhóm hacker mạnh nhất ở nước này. Nhóm đã thực hiện 32.484 cuộc tấn công tới các nước láng giềng của Trung Quốc, trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên, trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ông Ngô Tuấn Anh - Phó Chủ tịch phụ trách an ninh mạng Công ty Bkav khẳng định, 1937cN chỉ là nhóm hacker bình thường, kỹ thuật sử dụng trong việc tấn công các trang web Việt Nam không có gì đặc biệt.

"Việc tấn công vào hơn 200 trang web của Việt Nam thực ra do các trang web này sử dụng cùng nền tảng công nghệ, vì vậy khi rò quét ra thì nhóm hacker này khai thác được số liệu nhiều còn về kỹ thuật không có gì đặc biệt”, ông Ngô Tuấn Anh đánh giá.

Trong khi đó đánh giá về việc hacker Trung Quốc sau khi tấn công để lại thông tin, ông Tuấn Anh một lần nữa nhấn mạnh: “Đây cũng chỉ là một nhóm hacker thông thường và việc để lại thông tin cũng chỉ đơn thuần là để ghi tên, ghi điểm”.

Ông Ngô Tuấn Anh cho biết thêm: “Với thống kê bên Bkav, số website Việt Nam bị tấn công so với số liệu thống kê từ đầu năm không có đột biến nhiều, ví dụ bình thường hàng ngày có khoảng 18 trang web Việt Nam bị tấn công nhưng từ khi xảy ra việc giàn khoan 981, số trang web Việt Nam bị tấn công tăng lên khoảng hơn 20 trang/ngày”.

Theo ông Ngô Tuấn Anh giống như cuộc sống bên ngoài, trong thế giới hacker có nhiều nhóm khác nhau, hoạt động với mục đích khác nhau. Có thể chỉ đơn thuần là sở thích, có nhóm muốn ghi danh ghi điểm, còn có những nhóm hoạt động mục đích kinh tế, tài chính, thậm chí mục đích chính trị…

Nhiều chuyên gia bảo mật cho biết, hacker của Trung Quốc đã thả phần mềm gián điệp xâm nhập các máy tính ở nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Các máy tính bị xâm nhập này đã bị biến thành các máy tính ma (zoombie). Hacker Trung Quốc liên kết các zoombie này thành một mạng máy tính tấn công lớn (còn gọi là botnet) rồi dùng nó để tấn công vào các website khác với sức công phá vô cùng nguy hiểm.

Hoàng Lực