Chủ tịch nước: “Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền đất nước”

16/05/2014 19:52
Phương Linh
(GDVN)-“Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền của đất nước, không bao giờ hung hăng, gây xung đột, không bao giờ quên Hoàng Sa và Trường Sa”.
Đó là khẳng định của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại buổi tiếp xúc cử tri Q.1, TP. HCM vào sáng ngày 16/5. Cùng dự có các thành viên tổ đại biểu Quốc hội số 1 – Đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM.

Buổi tiếp xúc cử tri này đã thực sự ‘nóng’ lên, khi tình hình căng thẳng tại Biển Đông – nơi Trung Quốc đang đặt trái phép giàn khoan 981 tại vùng biển của Việt Nam.

Cử tri Vương Liêm (Hội người cao tuổi Q.1) nêu ý kiến: Tình hình Biển Đông đang rất nóng. Quốc hội sẽ có ý kiến gì về việc Trung Quốc đưa giàn khoan 981, nhiều tàu bè, tàu chiến, máy bay vao vùng đặc quyền kinh tế trên thềm lục địa Việt Nam? 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu với cử tri Q.1, TP.HCM.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu với cử tri Q.1, TP.HCM.
Cử tri Liêm kiến nghị: Việt Nam nên mời Liên Hiệp Quốc họp để có ý kiến về vấn đề này. “Đảng Cộng Sản Việt Nam và Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã đưa ra giải pháp gì để giải quyết vấn đề này” – cử tri Liêm hỏi tiếp.

Cử tri Lê Văn Minh đề nghị: Nhà nước cần quan tâm nhiều hơn nữa đến ngư dân, bằng cách trang bị thêm nhiều tàu có mã lực lớn, để cùng với các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam bảo vệ vững chắc vùng biển của Việt Nam.

Trước những ý kiến của cử tri Q.1, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết: “Việt Nam kiên quyết phản đối hành động của Trung Quốc, và sẽ kiên định thực hiện điều này. Thế nhưng, chúng ta cũng phải hết sức bình tĩnh, vì chỉ có bình tĩnh mới đưa ra được phương án đối phó”.

Chủ tịch nước khẳng định: Theo công ước về biển mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên, lô 143 (nơi đang đặt giàn khoan 981) không thể là của Trung Quốc. Do đó, Việt Nam chắc chắn sẽ tuân thủ theo Tuyên bố ứng xử của các bên về Biển Đông (DOC), công ước về luật biển năm 1982, duy trì biện pháp hòa bình cho đến khi đạt được kết quả.
Cử tri Q.1 nêu ý kiến về tình hình Biển Đông.
Cử tri Q.1 nêu ý kiến về tình hình Biển Đông.

“Việt Nam trước sau như một,’ăn ở một lòng’, hành xử ‘thanh thiên bạch nhật’, kiên trì giải pháp hòa bình. Chính sách của ta phù hợp với nguyện vọng của nhân dân thế giới, nên luôn được ủng hộ” – Chủ tịch nước nói tiếp.

Người đứng đầu nhà nước Việt Nam đã nhấn mạnh: “Việt Nam không bao giờ hung hăng, gây xung đột, nhưng công cuộc bảo vệ chủ quyền của đất nước phải hết sức kiên quyết. Không bao giờ chúng tôi quyên Hoàng Sa, Trường Sa. Trách nhiệm của chúng tôi là phải phụng sự Tổ quốc. Nhân dân mong muốn gì thì chúng tôi sẽ làm".

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang một lần nữa khẳng định: “Trong chúng ta không bao giờ có chữ sợ”.

Chủ tịch nước giải thích: Trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa thì tàu bè các nước có thể tự do đi lại một cách vô hại, nhưng dừng lại để hoạt động là đã vi phạm. Do vậy, Việt Nam phải thực hiện quyền của mình, không hề quá bất ngờ khi thấy giàn khoan của Trung Quốc được đưa vào.

“Dứt khoát Trung Quốc phải rút giàn khoan ra trước, nhà của tôi chứ không phải là nhà của anh” – Chủ tịch Trương Tấn Sang nói.

Về ý kiến đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng: “Không loại trừ phương án này, nhưng đưa ra lúc nào thì cần phải xem xét lại. Nếu cứ cãi nhau hoài mà không có kết quả, thì chắc chắn phải đưa nhau ra tòa”.

Theo Chủ tịch nước, tính đến thời điểm hiện tại, giữa Việt Nam và Trung Quốc đã thực hiện 10 cuộc đối thoại ở nhiều cấp độ, hình thức khác nhau. Sự việc này cũng đã được đưa lên Liên Hiệp Quốc, chứ "không phải lãnh đạo của chúng ta không lên tiếng như các cử tri lầm tưởng”.

Nói về sự cố trong các cuộc tuần hành mới đây tại Bình Dương, Đồng Nai, Chủ tịch nước đánh giá: Đây là sự việc hết sức nghiêm trọng và đáng lên án. Trước mắt, chúng ta cần phải giải quyết hậu quả, sớm ổn định đời sống công nhân, đưa ra nhiều biện pháp làm cho các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm.

Cuối cùng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nhắn gửi tới cử tri: “Khi đất nước đang đứng trước những khó khăn, càng khó thì càng phải lắng nghe nhau. Trong thời buổi bùng nổ thông tin thì tin tốt cũng nhiều, tin không tốt cũng lắm. Từ đó, cử tri cần lắng nghe để có thông tin chính xác, thái độ đúng đắn trên tinh thần hòa hợp dân tộc, đấu tranh bảo vệ chủ quyền của dân tộc bằng biện pháp hòa bình”./.
Phương Linh