Khởi nghiệp: Đừng ảo tưởng với lý thuyết thành công hoành tráng

26/05/2014 14:02
Vũ Tuấn Anh – Viện Quản Lý Việt Nam
(GDVN) - Các chương trình khởi nghiệp vẽ ra những tương lai thành công hoành tráng sẽ dễ dàng tạo ra những ảo tưởng và ngộ nhận cho các bạn trẻ.

Trong thời gian gần đây phong trào khởi nghiệp được xã hội quan tâm và thúc đẩy rất nhiều. Lý do chủ yếu đó là sự hòa nhập về tri thức và tâm huyết của nhiều cá nhân và tổ chức thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp. Bên cạnh đó, một số sự kiện như Flappy Bird trong nước, Viber ngoài nước... đã kích thích và hâm nóng ước vọng kiếm tiền và thành công của các bạn trẻ.

Các chương trình khởi nghiệp do nhà nước, cá nhân, các tổ chức nước ngoài, doanh nghiệp đều có những khuôn mẫu giống nhau khi nêu lên khát vọng khởi nghiệp, các bài học, gương thành công... Tuy nhiên theo quan điểm tác giả, các chương trình này chưa nêu lên nhiều những khó khăn và thách thức của khởi nghiệp. Hay nói một cách khác, các bạn trẻ chưa hiểu hết sự thật khắc nghiệt của khởi nghiệp.

Các bạn trẻ cần phải nhìn thẳng vào thực tế rằng 90% lực lượng lao động trong xã hội là đi làm thuê – chuyên nghiệp. Chỉ có 10 % và ít hơn thế mới có khả năng khởi nghiệp và sở hữu một cơ sở kinh doanh riêng. Nhìn nhận bản thân để biết mình thật sự ở đâu và mình như thế nào rất quan trọng với các bạn trẻ.

Các bạn trẻ đang tìm kiếm cơ hội khởi nghiệp. (Ảnh: TTXVN)
Các bạn trẻ đang tìm kiếm cơ hội khởi nghiệp. (Ảnh: TTXVN)

Các chương trình khởi nghiệp vẽ ra những tương lai thành công hoành tráng sẽ dễ dàng tạo ra những ảo tưởng và ngộ nhận cho các bạn trẻ. Bị mê hoặc bởi các gương thành công mà không hiểu rõ bản chất khó khăn sẽ làm cho các bạn trẻ thanh niên sao nhãng trong các công việc học tập và rèn luyện hàng ngày. Một cách trùng hợp, khởi nghiệp phù hợp với thói quen đáng trách trong giới trẻ đó là chém gió khi vạch ra các mục tiêu hoành tráng nhưng hoàn toàn không có hành động, năng lực  và kế hoạch cụ thể nào để thực hiện.

Vấn đề thứ hai khi các chương trình khởi nghiệp chỉ kêu gọi và hô hào trên diện rộng mà chưa có được những chương trình đào tạo và phát triển năng lực và công cụ  cần thiết  cho các cá nhân khởi nghiệp sẽ tạo ra các thất bại đáng tiếc.

Cụ thể, một chương trình ươm tạo doanh nghiệp hay hỗ trợ khởi nghiệm chỉ có thể nhận khoảng 100-200 bạn trẻ để đào tạo và phát triển. Trong thực tế, do truyền thông rộng rãi, có thể hàng trăm bạn trẻ khởi nghiệp khác đã thực hiện ước vọng của mình nhưng không đủ tiêu chuẩn và điều kiện để nhận vào chương trình. Tỷ lệ thất bại của nhóm thứ hai này rất cao. Vô hình chung chương trình có dụng ý tốt nhưng đã lãng phí nguồn lực của xã hội khi thúc đẩy các bạn trẻ vào con đường thất bại.

Vấn đề thứ ba đó là cơ hội khởi nghiệp cần phải được chắt chiu. Một bạn trẻ nếu như hiểu khó khăn và thách thức sẽ chuẩn bị rất kỹ càng để đương đầu với hiện thực. Không thành công, bạn trẻ đó sẽ tự ti và hoàn toàn không bao giờ nghĩ về khởi nghiệp trong cả cuộc đời.

Trong văn hóa Việt Nam, thất bại có nghĩa là mất mặt, do đó các bạn trẻ khởi nghiệp cần tâm niệm cơ hội khởi nghiệp chỉ có một lần duy nhất với viên đạn duy nhất. Các bạn cần phải bắn và thành công ngay từ viên đạn đầu tiên và duy nhất. Các bạn cần phải tìm hiểu kỹ lưỡng, học hành đàng hoàng  và có những kỹ năng bản thân thật tốt để chiến thắng. Thiếu những cái đó cùng với ảo vọng từ các chương trình khởi nghiệp, các bạn trẻ chẳng khác nào những chiến sỹ tay không lao ra hứng bom đạn ngoài chiến trường.

Vấn đề cuối cùng của các chương trình tư vấn đó là định nghĩa chưa chính xác về khởi nghiệp. Khởi nghiệp không nhất thiết và cũng không  phải là duy nhất khi các bạn trẻ khởi nghiệp chỉ tập trung vào mở những công ty lớn, áp dụng công nghệ hay gọi vốn đầu tư.

Tinh thần khởi nghiệp tạo dựng một cơ sở kinh doanh độc lập nhằm nuôi sống bản thân, gia đình song song với tạo ra việc làm cho xã hội  là mục tiêu quan trọng. Khởi nghiệp có thể chỉ là một cửa hàng bánh mỳ, một tiệm tạp hóa hay một cửa hàng giặt ủi. Những cơ sở kinh doanh đó sẽ tạo ra sự bền vững cho chương trình khởi nghiệp. Quan trọng hơn nữa, mọi tầng lớp và mức độ học vấn trong xã hội đều có thể tham gia được . Đây chính là điểm thiếu sót lớn nhất của các chương trình khởi nghiệp tại Việt Nam. Các chương trình khởi nghiệp cần phải được thiết kế và tư vấn trên nhiều cấp độ cho các bạn trẻ trên cả nước.

Các chương trình tư vấn và phát triển khởi nghiệp trên cả nước rất tốt. Tuy nhiên các chương trình này mới chỉ cổ vũ cho những khía cạnh tích cực mà chưa đề cập nhiều những mặt trái và thách thức của khởi nghiệp. Chúng ta cần phải làm rõ cho các bạn trẻ hiểu về khởi nghiệp nhằm tránh cho họ những mất mát về thời gian và nhiệt huyết. Gieo ảo tưởng làm tuổi trẻ đánh mất thời gian là một tội ác

Vũ Tuấn Anh – Viện Quản Lý Việt Nam