TQ đang mất thương hiệu quốc gia vì hình ảnh hung hăng trên biển Đông

29/05/2014 07:38
Hoàng Lực
(GDVN) - Hình ảnh một Trung Quốc hung hăng trên biển Đông, chà đạp luật pháp Quốc tế cũng sẽ khiến nhiều doanh nghiệp lớn muốn đầu tư vào Trung Quốc phải cân nhắc...

LTS: Chuyên gia Marketing thương hiệu Hoàng Tùng gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết đánh giá về cơ hội cho kinh tế Việt Nam trong bối cảnh diễn biến trên biển Đông, quanh giàn khoan Hải Dương 981 đang căng thẳng. Theo chuyên gia Hoàng Tùng, đây cũng là cơ hội dể Việt Nam mở rộng, tìm được nhiều thị trường mới, không phụ thuộc vào Trung Quốc, các nhà đầu tư sẽ biết đến Việt Nam nhiều hơn. Đó cũng là câu chuyện “trong phúc có họa”. 

Chuyên gia Hoàng Tùng nhấn mạnh: Việc tranh chấp tại Biển Đông đã khiến nhiều doanh nghiệp Nhật Bản và Hàn Quốc dần dịch chuyển, tìm kiếm những địa điểm mới trong lĩnh vực đầu tư gia công và chuyển giao công nghệ. Hơn nữa, hình ảnh một Trung Quốc hung hăng trên biển Đông, chà đạp luật pháp Quốc tế cũng sẽ khiến nhiều doanh nghiệp lớn muốn đầu tư vào Trung Quốc phải cân nhắc. Tóm lại, về cả mặt Kinh tế lẫn Chính trị, Trung Quốc đều chịu ảnh hưởng xấu đến thương hiệu quốc gia. 

Dưới đây là bài viết của chuyên gia Marketing thương hiệu Hoàng Tùng 

Nếu là doanh nghiệp Trung Quốc, lúc này tôi tin Việt Nam 

Diễn biến trên Biển Đông vừa qua và việc người dân lao động tại một số tỉnh thành có những hành động gây phương hại đến cơ sở vật chất của các doanh nghiệp Trung Quốc rất nhiều người lo lắng nhà đầu tư Trung Quốc rút khỏi thị trường Việt Nam. Qua đó ảnh hưởng môi trường đầu tư, kéo theo hệ lụy về kinh tế - xã hội, vấn đề việc làm cho người lao động…

Doanh nghiệp Trung Quốc không dại gì rời bỏ đầu tư Việt Nam (ảnh minh họa)
Doanh nghiệp Trung Quốc không dại gì rời bỏ đầu tư Việt Nam (ảnh minh họa)

Tôi khẳng định việc doanh nghiệp Trung Quốc đang đầu tư rút khỏi Việt Nam là không thể có được, tuy nhiên Việt Nam sẽ gặp khó khăn ban đầu.

Chúng ta phải nhìn sâu vào vấn đề, đặt địa vị chủ một doanh nghiệp Trung Quốc đang đầu tư tại Việt Nam. Cũng như các nhà đầu tư khác doanh nghiệp Trung Quốc đến Việt Nam được hỗ trợ rất lớn từ chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Chính phủ. Họ được hỗ trợ về mặt bằng đất, giảm trừ, miễn thuế, môi trường đầu tư lành mạnh. Hơn nữa Việt Nam đang là nước có tốc độ tăng trưởng tốt, cơ cấu dân số trẻ với 60% người dân độ tuổi lao động…Tóm lại nhà đầu tư sẽ được rất nhiều khi đầu tư tại Việt Nam.

Trong nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp luôn tách bạch giữa vấn đề chính trị và kinh tế. Lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc thừa hiểu rằng việc đưa giàn khoan 981 vào vùng biển thềm lục địa Việt Nam cũng như hành động gây hấn vừa qua là sự sai lầm của Chính phủ Trung Quốc. Đặc biệt, ấn tượng về Việt Nam đang tốt hơn với các doanh nghiệp khi trước hành động này, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam lên tiếng bảo vệ doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam, xử lý những hành động quá khích gây hư hại tài sản doanh nghiệp Trung Quốc. Theo tôi, Chính phủ đã xử lý rất tốt theo những bước xử lý khủng hoảng chuyên nghiệp. 

Thứ nhất: Đó là tách bạch rõ ràng hành động chiếm đóng biển đảo của Chính quyền Trung Quốc và hoạt động của Doanh nghiệp Trung Quốc về bản chất là khác nhau. Việt Nam phản đối hành động xâm lấn biển Đông của Trung Quốc nhưng hoàn toàn đối xử công bằng đối với người dân Trung Quốc cũng như Doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam. 

Thứ hai Việt Nam cương quyết thể hiện tinh thần đó bằng hành động: Hỗ trợ doanh nghiệp bị phá hoại đồ và Xử án những kẻ quá khích. 

Thứ ba thể hiện mong muốn hòa bình, trấn an nhà đầu tư rằng Việt Nam luôn kiếm tìm giải pháp Hòa bình đối với vấn đề tại Biển Đông.

Trước cách xử lý của Chính phủ Việt Nam, nếu là doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư tại Việt Nam, điều đầu tiên tôi sẽ tôn trọng sự thật rằng: Vùng biển Trung Quốc đặt giàn khoan là của Việt Nam, đó là sự thật và một người làm kinh doanh chân chính luôn bảo vệ sự thật. Đồng thời tôi sẽ không dại gì bỏ lại khối tài sản lớn đang nằm trên lãnh thổ Việt Nam để chạy theo một chiến lược sai trái của Chính phủ Trung Quốc.

"Trong họa có phúc"

Người xưa nói “tái ông mất ngựa”, không hẳn sau sự việc vừa qua nền kinh tế Việt Nam sẽ đi đến tiêu cực như lo lắng của nhiều người. Đặt giả thiết quan hệ kinh tế Việt Nam Trung Quốc xấu đi, Việt Nam bị ảnh hưởng như thế nào? Chúng ta có thể nhìn qua các con số quan hệ đối tác Việt Nam và Trung Quốc chủ yếu quan hệ xuất nhập khẩu, trong đó Việt Nam xuất khẩu khoảng 13 tỉ (chủ yếu nông sản, khoáng sản dạng thô), nhập khẩu 37 tỉ, chủ yếu nhập nguyên vật liệu và hàng phụ trợ - phụ tùng công nghiệp, tiền tuồn sang Trung Quốc khoảng 24 tỉ USD.

Về đầu tư vốn nước ngoài (FDI), Trung Quốc đứng sau các nhà đầu tư Nhật với 4.8 tỉ, sau là Singapore, Hàn Quốc. Nếu Trung Quốc có rút hết đầu tư về, đình trệ hoặc ngưng sản xuất, giảm xuất khẩu nguyên vật liệu sang Việt Nam, đóng của nhập khẩu nông sản, khoáng sản Việt Nam... thì tác động gây suy giảm kinh tế Việt Nam như thế nào?

Theo tính toán, Việt Nam có thể chịu thiệt hại khoảng 15 – 20 tỉ USD, con số đó không quá đáng ngại. Ngược lại đây là cơ hội cho Việt Nam. Ví dụ trong nông sản, nếu chúng ta nâng cao công nghệ chế biến tinh, có hàm lượng chất xám lớn thì thị trường sẽ rất lớn, ngược lại với nông sản, khoáng sản dạng thô Việt Nam cũng có không ít thị trường ví dụ như Ấn Độ, khu vực ASEAN…

Cũng cần phải nói rằng trong một tương lai gần, quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ chịu nhiều tác động tiêu cực. Tuy nhiên, ảnh hưởng từ vụ việc này cũng có thể là sự kích thích đối với doanh nghiệp Việt mở rộng thị trường đến với thị trường lớn hơn, chuyên nghiệp hơn và ở tầm giá trị đạo đức cao hơn. Chúng ta đã chứng kiến nhiều vụ việc hoa quả Việt Nam bị ách lại tại Cửa khẩu, thương nhân Trung Quốc khuyến khích người dân Việt trộn chất bẩn vào trà v.v..., đó là những hành động mang lại lợi ích ngắn hạn nhưng gây hậu quả nghiêm trọng về mặt dài hạn. 

Điều đáng nói, những vụ việc tiêu cực trên đều xảy ra với thương nhân Trung Quốc.  Ngược lại, không ít doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam với công nghệ lạc hậu, tư duy cũ kỹ... giờ cũng là lúc để chúng ta sàng lọc lại và tìm kiếm những nhà đầu tư dài hơi với tầm nhìn thực sự có lợi cho quốc dân Việt Nam. Đây là cái được cho Việt Nam sau sự kiện vừa qua. 

Trong khi đó việc Trung Quốc có hành động quá khích trên biển Đông, trên khía cạnh thương hiệu quốc gia, ở một thế giới mở chắc chắn sẽ ảnh hưởng hình ảnh của Trung Quốc, vậy Trung Quốc sẽ mất rất nhiều sau hành động phi luật pháp này.

Thương hiệu Quốc gia của Trung Quốc là Công xưởng của Thế giới. Từ trước đến nay, rất nhiều doanh nghiệp lớn trên Thế giới sử dụng lao động và thiết lập các nhà máy gia công tại Trung Quốc. Tuy nhiên, tham vọng của Chính quyền Trung Quốc tại Biển Đông sẽ ảnh hưởng xấu đến Thương hiệu quốc gia của Trung Quốc. 

Việc tranh chấp tại Biển Đông đã khiến nhiều doanh nghiệp Nhật Bản và Hàn Quốc dần dịch chuyển, tìm kiếm những địa điểm mới trong lĩnh vực đầu tư gia công và chuyển giao công nghệ. Hơn nữa, hình ảnh một Trung Quốc hung hăng trên biển Đông, chà đạp luật pháp Quốc tế cũng sẽ khiến nhiều doanh nghiệp lớn muốn đầu tư vào Trung Quốc phải cân nhắc. Tóm lại, về cả mặt Kinh tế lẫn Chính trị, Trung Quốc đều chịu ảnh hưởng xấu đến thương hiệu quốc gia. 

Hoàng Lực