Nhật - Việt - Phi cùng cảnh ngộ nên "giúp bạn là giúp mình"

29/05/2014 06:55
Trần Nghĩa Sơn
(GDVN) - Cả ba nước đều phải tìm cách đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc. Đây là việc trước mắt nhưng cũng là việc lâu dài.

Cục diện khu vực thay đổi

Thời gian gần đây, tình hình khu vực Biển Đông và Biển Hoa Đông đang nóng lên từng ngày. Việc Trung Quốc chủ động gây căng thẳng và xung đột với Việt Nam, Nhật Bản và Philippines đã đặt các quốc gia này trước những thách thức rất lớn về an ninh.

Nhiều học giả uy tín trên thế giới đã đưa ra khuyến nghị Việt Nam nên xem xét chính sách đối ngoại, tìm kiếm liên minh với các cường quốc để tăng cường khả năng bảo vệ chủ quyền, trước sự bành trướng ngày càng quyết liệt và trắng trợn của Bắc Kinh. Trong đó, đặc biệt nghiêm trọng là vụ hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế biển của Việt Nam.

Trung Quốc chủ động gây căng thẳng và xung đột với Việt Nam, Nhật Bản và Philippines.
Trung Quốc chủ động gây căng thẳng và xung đột với Việt Nam, Nhật Bản và Philippines.

Sự kiện này đặt Việt Nam vào thế không còn đường lùi. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi Việt Nam đã phản ứng một cách hết sức mạnh mẽ và quyết liệt.

Bắc Kinh theo thói quen vẫn sử dụng chiêu “vừa ăn cướp, vừa la làng”, không ngừng vu khống, hăm dọa Việt Nam. Thậm chí, trên thực địa, Bắc Kinh còn làm những việc vô nhân đạo như đâm chìm tàu cá của ngư dân, đe dọa nghiêm trọng tính mạng và hoạt động bình thường của ngư dân Việt Nam.

Hoàn cảnh tương đồng
Ba nước Việt Nam, Nhật Bản và Philippines hiện nay đều trong ở trong hoàn cảnh phải đối mặt với những thách thức lớn do Trung Quốc gây ra. Sau chuyến công du các nước Á châu của tổng thống Mỹ Obama vào tháng 4/2014, Tokyo và Manila thêm phần vững tin với cam kết bảo vệ đồng minh mạnh mẽ của Hoa Kỳ. Ngay lập tức, Bắc Kinh “mềm nắn, rắn buông” quay sang gây sự với Việt Nam qua vụ giàn khoan 981.

Hiện tại, tần suất va chạm của Trung Quốc với Nhật Bản ở Biển Hoa Đông, va chạm với Philippines ở vùng biển phía Tây của nước này có phần hạ nhiệt đôi chút. Nhưng đó chỉ là chiến thuật nhất thời của Bắc Kinh. Mục đích nhằm tập trung vào việc gia tăng hiện thực hóa yêu sách chủ quyền phi pháp đối với quần đảo Hoàng Sa (mà Trung Quốc đã chiếm đoạt bằng vũ lực vào năm 1974). 

Cùng với vụ giàn khoan 981, theo một số nguồn tin Bắc Kinh cũng đang cho xây dựng sân bay trên đảo Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (mà họ đã chiếm đóng phi pháp từ năm 1988).

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin.
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin.
Như vậy, cả ba nước Việt – Nhật – Phi đều phải tìm cách đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc. Đây là việc trước mắt nhưng cũng là việc lâu dài. Với sự phát triển nhanh chóng của sức mạnh quân sự, chắc chắn Bắc Kinh sẽ lấy đó làm chỗ dựa để bành trướng tham vọng của họ trên Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Trước tình hình đó, việc phối hợp giữa ba nước Việt – Nhật – Phi để đối phó với Trung Quốc là điều cần thiết nên làm. Đã có những giả định về sự hình thành một liên minh quân sự giữa ba quốc gia “cùng cảnh ngộ” này, tạo nên một thế “tam quốc” để ngăn chặn cái “lưỡi bò” của gã khổng lồ phương Bắc "liếm" xuống phía Nam và qua phía Tây.
Một số ý kiến hoài nghi về Nhật Bản, nếu giả định họ liên minh với Việt Nam, với lý lẽ rằng Hoa Kỳ đã làm ngơ cho Trung Quốc chiếm Hoàng Sa năm 1974; Liên Xô không phản ứng gì khi Trung Quốc chiếm Gạc Ma năm 1988.
Sự hoài nghi nghi này không phải không có cơ sở. Nhưng nếu phân tích sâu hơn ta sẽ thấy rằng: Mối quan hệ đồng minh giữa Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa cũng như Liên Xô và CHXHCN Việt Nam trước đây là mối quan hệ có tính một chiều. Đã là một chiều thì khó bền vững, nói như dân gian thì “có qua có lại mới toại lòng nhau”.
Sức mạnh của thế “tam quốc” Việt – Nhật – Phi
Một câu hỏi có thể đặt ra là: Khi nào Hoa Kỳ và Việt Nam trở thành một đồng minh quân sự? Dù hiện nay quan hệ quân sự giữa Hà Nội và Washington đã phát triển khá nhanh cùng với mối quan hệ nồng ấm đang tăng lên của hai quốc gia. Tuy nhiên, vẫn còn một khoảng cách khá xa để hai nước trở thành đồng minh quân sự.
Nhưng với Nhật và Philippines thì không tồn tại vấn đề này (nói chính xác hơn là vẫn có khác biệt về quan điểm, nhưng khác biệt này không được xem là vấn đề). Hơn nữa, do cả ba đều phải đối chọi với mối đe dọa từ Trung Quốc nên việc hình thành liên minh quân sự Nhật – Việt – Phi là có độ tin cậy và tính khả thi cao. Bởi vì khi đó - như người ta vẫn hay nói - “giúp bạn là giúp chính mình”. Việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Philippines và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam thăm Nhật vừa rồi phải chăng là những động thái khởi đầu cho việc tiến tới liên minh này trong tương lai chăng?
Tàu ngầm hiện đại lớp Soryu của Nhật Bản.
Tàu ngầm hiện đại lớp Soryu của Nhật Bản.
Nếu Nhật – Việt – Phi hình thành thế “tam quốc” trên vùng biển phía tây Thái Bình Dương thì xin thành thật chia buồn với Trung Quốc. Lúc đó, Bắc Kinh khó mà tác oai, tác quái như hiện nay. Còn chuyện đơn phương “đưa cả trăm giàn khoan ra Biển Đông” (trái với luật pháp quốc tế), theo lời tuyên bố “hùng hồn” của viên thiếu tướng về hưu La Viện, chỉ là trò giải trí rẻ tiền không hơn không kém!

Với quan hệ đồng minh, chắc chắn Nhật Bản sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho Việt Nam về nhiều mặt để tăng cường tổng thể sức mạnh quốc phòng. Qua đó, về lâu dài sẽ làm giảm áp lực của Trung Quốc lên vùng Senkaku nói riêng, và vùng biển phía Tây Nhật Bản nói chung. 

Ngược lại, ở hướng Biển Đông, Việt Nam cũng dễ dàng đối phó. Nếu Bắc Kinh liều mạng tiến xuống Trường Sa thì chỉ cần các tàu ngầm Soryu của Nhật (đóng ở Cam Ranh) phối hợp với các tàu ngầm Kilo của Việt Nam cũng đủ làm cho đối phương phải "ốm đòn". 

Cộng thêm vào đó là sự tham gia tác chiến của không quân và lực lượng tên lửa đất đối hải của Việt Nam và Philippines, chắc hải quân Trung Quốc sẽ không còn tìm thấy “đường về quê mẹ”! Có lẽ chưa cần sự đến tham gia của lực lượng tàu khu trục, tàu hộ vệ và tàu tên lửa của liên quân.

Trần Nghĩa Sơn