Shangri-La 2014: Không năm nào TQ không cố gây chuyện ở Biển Đông

28/05/2014 14:45
Bình Nguyên
(GDVN) - Có thể dễ dàng nhận ra, cứ mỗi khi diễn đàn Shangri-La chuẩn bị được tổ chức là Trung Quốc chắc chắn đã và sẽ gây chuyện.

Chỉ còn một vài ngày nữa là diễn ra Đối thoại Shangri-La 2014 sẽ diễn ra từ ngày 30/5 đến ngày 1/6/2014 tới đây với sự tham gia của các đại biểu, quan chức đến từ nhiều cường quốc (Mỹ, Nhật, Trung Quốc…) và các nước liên quan của khu vực châu Á, Thái Bình Dương.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ có diễn văn khai mạc Sangri-la 2014 vào tối 30/5 tới đây
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ có diễn văn khai mạc Sangri-la 2014 vào tối 30/5 tới đây

Mặc dù chỉ diễn ra trong 3 ngày nhưng Shangri-La 2014 là một diễn đàn an ninh quan trọng và có uy tín nhất ở châu Á. Shangri-La 2014 diễn ra trong bối cảnh khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang có những nguy cơ tiềm ẩn xung đột, bất ổn rất cao đặc biệt là tình hình căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản liên quan đến đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở quần đảo Senkaku trên biển Hoa Đông.

Tiếp sau đó là những hoạt động cố tình gia tăng căng thẳng, đòi hỏi chủ quyền tham lam vô độ của Bắc Kinh khi Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, dọa dẫm Philippines trên Biển Đông.

Theo dõi các hành động và tuyên bố của Bắc Kinh ở những thời điểm quan trọng mỗi khi có các sự kiện an ninh được tổ chức tại châu Á trong những năm gần đây, có thể dễ dàng nhận ra, cứ mỗi khi diễn đàn Shangri-La chuẩn bị được tổ chức là Trung Quốc chắc chắn sẽ gây chuyện.

Mục đích gây  hấn của Bắc Kinh cũng không còn được cho là lạ lẫm, đòi hỏi tư duy phân tích, phán đoán như trước đây.  Có thể khẳng định rằng Trung Quốc vẫn đang âm thầm áp dụng chiến lược “Tàm thực” – tằm ăn dâu, hay nói cách khách là gặm nhấm dần, khống chế dần và chiếm đóng dần các hòn đảo, vị trí quan trọng trên Biển Đông.

Độc chiếm gần như toàn bộ diện tích Biển Đông (với căn cứ đường lưỡi bò 9 đoạn phi pháp tự vẽ) là chiến lược xuyên suốt, chiến lược dài hạn và tham lam của Trung Quốc. Bắc Kinh thông qua các hành động của mình để dọa dẫm các nước trong khu vực, muốn đẩy Mỹ ra ngoài lề khu vực mà Trung Quốc đang muốn có vị trí độc tôn, ngăn chặn các hoạt động đa phương hóa giải quyết tranh chấp để âm thầm “bẻ từng chiếc đũa”, hiện thực hóa yêu sách đường lưỡi bò 9 đoạn.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cũng sẽ là một nhân vật quan trọng tham dự Đối thoại Shangri-La 2014.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cũng sẽ là một nhân vật quan trọng tham dự Đối thoại Shangri-La 2014.

Trước thềm Shangri-La 2014 năm nay, bên cạnh những hành động trên thực địa ở Biển Đông, Bắc Kinh cũng đã xúc tiến cách hoạt động tiếp xúc với một loạt các lãnh đạo của các quốc gia Đông Nam Á (Campuchia, Malaysia) một cách công khai, lộ liễu được cho là những nước đang bị Bắc Kinh chèo kéo, buộc phải ủng hộ Bắc Kinh hoặc chí ít là im lặng trước những gì Trung Quốc đang làm.

Theo thông báo của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), tại Hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á IISS (hay còn gọi là Đối thoại Shangri-La) lần thứ 13 năm nay sẽ có sự tham gia của Thủ tướng Nhật Bản, ông Shinzo Abe – nhà lãnh đạo này sẽ trình bày diễn văn khai mặc vào tối 30/5.

Thư ký báo chí của Lầu Năm Góc Jack Kirby cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel sẽ tham dự Đối thoại Shangri-La 2014.

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Kwan-jin cũng sẽ tới Singapore để tham dự diễn đàn quan trọng này. Phía Việt Nam cũng đã thông báo cử một đoàn đại biểu cấp cao của Bộ Quốc phòng cũng tham dự Đối thoại.

Trong khi đó, phía Trung Quốc thông báo cử Phó Oánh, một nữ quan chức ngoại giao làm trưởng đoàn tham dự Shangri-la. Bà Oánh hiện giờ giữ chức Chủ nhiệm ủy ban đối ngoại Quốc Hội Trung Quốc.

Trung Quốc thông báo cử Phó Oánh, một nữ quan chức ngoại giao làm trưởng đoàn tham dự Shangri-la.
Trung Quốc thông báo cử Phó Oánh, một nữ quan chức ngoại giao làm trưởng đoàn tham dự Shangri-la.

Theo chương trình của IISS, trong ngày 31/5 và ngày 1/6 sẽ diễn ra năm phiên họp toàn thể về các chủ đề: đóng góp của Mỹ vào ổn định ở khu vực; thúc đẩy hợp tác quân sự; giải quyết căng thẳng chiến lược; triển vọng hòa bình và an ninh tại châu Á-Thái Bình Dương; đảm bảo giải quyết xung đột tại châu Á-Thái Bình Dương.

Bên cạnh đó cũng có năm phiên họp đặc biệt về thách thức của việc duy trì và quản lý các vùng biển khơi; ảnh hưởng của năng lực quân sự mới tại châu Á-Thái Bình Dương; biến đổi khí hậu, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa (HADR) và an ninh tại châu Á-Thái Bình Dương; ASEAN và trật tự an ninh khu vực đang nổi và tương lai của Triều Tiên: hàm ý đối với an ninh khu vực.

Tại Đối thoại Shangri-La 2014, lần đầu tiên IISS công bố tài liệu chiến lược IISS với tiêu đề “Đánh giá an ninh khu vực năm 2014.” Tài liệu này tập trung vào các chủ đề quan trọng nhất được thảo luận tại các cuộc đối thoại trước như sự thay đổi vai trò trong khu vực của các cường quốc, đặc biệt là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ; những mối đe dọa từ những điểm bùng nổ bạo lực tiềm tàng, đặc biệt là Bán đảo Triều Tiên, Đài Loan (Trung Quốc) và các tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông.

Tài liệu này cũng đề cập tới những vấn đề về cạnh tranh quân sự trong khu vực và biện pháp để xây dựng một trật tự an toàn và ổn định hơn ở khu vực. 

Theo một chuyên gia nghiên cứu độc lập về tình hình Biển Đông tại Hà Nội – ông Phan Doãn Phúc, các bên có tranh chấp chủ quyền trên biển Đông cần tiếp tục tranh thủ các cuộc đối thoại tương tự như Sangri-la để nâng cao vai trò, vị thế của mình trên bàn đàm phán, kiên trì nguyên tắc đàm phán hòa bình, đa phương, thông qua trọng tài quốc tế, đoàn kết các bên, tận dụng tối đa sự hỗ trợ từ bên ngoài, nhất là Mỹ, Nhật Bản và các nước có mối quan tâm cũng như chung quan điểm giải quyết tranh chấp biển Đông qua đàm phán đa phương và trọng tài quốc tế.

Dưới đây là những thống kê, dữ liệu điểm lại các hành động gây hấn, cố tình tạo căng thẳng vào những thời điểm trước khi diễn ra các diễn đàn Đối thoại Sangri-la trong các năm 2011, 2012, 2013 và 2014 để dư luận tiện đường theo dõi, tham khảo:

Trước thềm Đối thoại Sangri-la năm 2011 (Shangri-La lần thứ 10 diễn ra từ 3 đến ngày 5/6/2011):

Tàu Bình Minh 02 thuộc tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam bị tàu Hải giám của TQ cắt cáp ngày 26/5/2012
Tàu Bình Minh 02 thuộc tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam bị tàu Hải giám của TQ cắt cáp ngày 26/5/2012

Trước khi diễn ra đối thoại Shangri-la năm 2011, 3 tàu Hải giám Trung Quốc đã vào sâu trong lãnh hải Việt Nam, cắt cáp tàu Bình Minh 02 thuộc tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam. Đây là vụ việc nghiêm trọng được Trung Quốc tiến hành vào lúc 5 giờ 58 phút sáng ngày 26/5/2011. Khi đó, tàu hải giám Trung Quốc đã chủ động chạy qua khu vực thả dây cáp, cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 của Việt Nam.

Vị trí mà 3 tàu hải giám Trung Quốc phá hoại thiết bị của tàu Bình Minh 02 của PVN chỉ cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) khoảng 120 hải lý, nằm hoàn toàn trong vùng lãnh hải thuộc chủ quyền của VN.

Vụ cắt cáp tàu Bình Minh mang tính chất “dằn mặt”, đe dọa các bên có tranh chấp, mà trực tiếp là trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Trước thềm Đối thoại Sangri-la năm 2012 (Shangri-La lần thứ 11 diễn ra từ ngày 31/5-1/6/2012):

Sự kiện bãi cạn Scarborough tháng 4 năm 2012
Sự kiện bãi cạn Scarborough tháng 4 năm 2012

Trung Quốc xúc tiến xảy ra vụ việc căng thẳng trên bãi Scarborough năm 2012 cũng vậy, nhưng mức độ, tính chất nghiêm trọng hơn. Bắt đầu từ tháng 4/2012, nhà chức trách Philippines đã bắt đầu phát hiện các ngư dân Trung Quốc ở bên trong bãi cạn Scarborough. Tuy nhiên, các tàu công vụ Trung Quốc đã ngăn cản Philippines bắt giữ những ngư dân này.

Cuộc đối đầu dẫn đến kết quả là Trung Quốc hiện kiểm soát trên thực tế bãi cạn Scarborough ở biển Đông. Vụ việc là một trong những nguyên nhân khiến Philippines nộp đơn lên Tòa án Quốc tế về luật Biển, đề nghị tuyên bố “đường lưỡi bò” phi lý mà Trung Quốc vạch ra ở biển Đông là vô giá trị.

Trong vụ Scarborough Trung Quốc không chỉ dừng lại ở dằn mặt và đe dọa mà đã lấn thêm một bước táo tợn và liều lĩnh hơn, đó là chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough bằng việc kéo gần 100 tàu thuyền các loại ra bãi cạn này “đánh dấu lãnh địa”. Hơn nữa, ngay sau đó Bắc Kinh đã đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá và dự báo thời tiết trên bãi Scarborough.

Trước thềm Đối thoại Shangri-la 2013 (Shangri-La lần thứ 12 diễn ra từ ngày 31/5-1/6/2013):

(Tàu cá mang số hiệu QNg 96382 TS của ngư dân Bùi Văn Phải (24 tuổi, ngụ xã An Hải, Lý Sơn – Quảng Ngãi) hoạt động nghề cá bình thường tại ngư trường truyền thống thuộc khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị tàu Trung Quốc bắn cháy cabin..)
(Tàu cá mang số hiệu QNg 96382 TS của ngư dân Bùi Văn Phải (24 tuổi, ngụ xã An Hải, Lý Sơn – Quảng Ngãi) hoạt động nghề cá bình thường tại ngư trường truyền thống thuộc khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị tàu Trung Quốc bắn cháy cabin..)

Ngày 20/3/2013, tàu cá mang số hiệu QNg 96382 TS của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi trong lúc đang hoạt động nghề cá bình thường tại ngư trường truyền thống thuộc khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã bị tàu Trung Quốc truy đuổi và nổ súng bắn cháy cabin.

Đây là vụ việc hết sức nghiêm trọng, vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đe dọa tính mạng và gây thiệt hại tài sản của ngư dân Việt Nam.

Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 25/03/2014 đã phải lên tiếng tuyên bố nói rằng hành động này đã vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Việt Nam đã kiên quyết phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra, xử lý nghiêm hành động sai trái và vô nhân đạo nói trên, bồi thường thiệt hại cho ngư dân Việt Nam. Ngày 25/03/2013, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại Sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối việc làm nói trên của phía Trung Quốc

Trước thềm Đối thoại Shangri-la 2014 (Shangri-la lần thứ 13 sẽ được tổ chức tại Singapore từ ngày 30/5 đến ngày 1/6/2014):

Dàn khoan 981 do Trung Quốc hạ đặt trái phép trong thềm lục địa của Việt Nam từ ngày 1/5/2014 đến giờ vẫn chưa rút
Dàn khoan 981 do Trung Quốc hạ đặt trái phép trong thềm lục địa của Việt Nam từ ngày 1/5/2014 đến giờ vẫn chưa rút

Như dư luận đã biết, từ ngày 1/5/2014, Trung Quốc hạ đặt giàn khoan nước sâu Hải Dương - 981 trên Biển Đông, tại vị trí có tọa độ 15°29′58″B 111°12′1″ĐTọa độ: 15°29′58″B 111°12′1″Đ,cách đảo Tri Tôn 17 hải lý (khoảng 30 km) về phía Nam, cách đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi, Việt Nam) khoảng 120 hải lý về phía Đông.

Vị trí này nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán với các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.Việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương – 981, đưa nhiều loại tàu vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông.

Không chỉ dừng lại ở đó, khi các tàu chấp pháp của Việt Nam ra khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép dàn khoan 981 để tuyên truyền, bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình bằng phương pháp hòa bình thì các tàu hộ tống gồm cả quân sự lẫn các tàu Hải giám, Ngư chính, máy bay của Trung Quốc đe dọa, khiêu kích, dùng phương tiện tấn công tàu chấp pháp của Việt Nam.

Gần đây nhất, ngày 27/5/2014, Người phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết tối ngày 26/5/2014, 1 tàu cá của Việt Nam mang số DNA 1952, đăng ký tại sở quản lý nghề cá Đà Nẵng, bị đánh chìm sau khi bị tàu đánh cá Trung Quốc số 11209 đâm thủng.

Sự việc xảy ra vào ngay trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, nơi này nằm cách giàn khoan Hải Dương 981 khoảng 17 hải lý mà Trung Quốc hạ đặt trái phép hôm 1/5/2014. Trong sự việc nghiêm trọng này, 40 tàu tàu đánh cá Trung Quốc đã vây chặt xung quanh tàu Việt Nam và sau đó một tàu trong số họ đã đâm vào tàu Việt Nam.

Bình Nguyên