Chuyên gia Bùi Kiến Thành: Trung Quốc đang lo sợ điều gì?

30/05/2014 07:06
Chuyên gia Bùi Kiến Thành
(GDVN) - Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, điều Trung Quốc lo lắng chính là dư luận thế giới, Trung Quốc lo sợ sự quốc tế hóa vấn đề Biển Đông.

Đặt vấn đề “chìa khóa” cho nội lực kinh tế Việt Nam, cũng như bài học lịch sử trong vấn đề Trung Quốc, kinh tế gia Bùi Kiến Thành vừa có bài viết với nhiều góc nhìn đa chiều, khách quan dưới con mắt một chuyên gia kinh tế. Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xin giới thiệu tới độc giả bài viết này. 

Doanh nghiệp Việt là “chìa khóa”

Việc Trung Quốc đưa giàn khoan 981 xâm phạm vùng biển thềm lục địa Việt Nam gây căng thẳng trên Biển Đông, đe dọa hòa bình an ninh khu vực chỉ là hành động ngang ngược mới nhất trong thời gian qua. Trước đó, Trung Quốc liên tục thực hiện các hành vi khiêu khích, gây hấn với tàu Cảnh sát Biển, tàu Kiểm ngư cũng như tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam. Với sự việc lần này, Trung Quốc đang muốn thử phản ứng của Việt Nam và dư luận thế giới đồng thời là cách thị uy của người láng giềng xấu bụng.

Phát huy nội lực nền kinh tế Việt Nam doanh nghiệp trong nước giữa vai trò quan trọng
Phát huy nội lực nền kinh tế Việt Nam doanh nghiệp trong nước giữa vai trò quan trọng

Ngay sau hành động ngang ngược của Trung Quốc, không chỉ dư luận Việt Nam mà dư luận thế giới cùng lên tiếng phản đối. Đáng tiếc tại một số địa phương, do người dân thiếu hiểu biết và bị kẻ xấu kích động gây thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp Trung Quốc. Sau đó, đã có không ít lo ngại tình hình căng thẳng sẽ ảnh hưởng quan hệ kinh tế hai nước, người chịu thiệt sẽ là Việt Nam.

Thực tế ngay cả khi không có tác động tiêu cực sau vụ việc này, kinh tế Việt Nam cũng đang gặp nhiều khó khăn. Hàng trăm doanh nghiệp phá sản, doanh nghiệp kinh doanh trên mọi ngành nghề đều gặp khó khăn dẫn đến tăng trưởng kinh tế giảm sút. Năm 2013 qua đi chúng ta đã thấy “sức khỏe” doanh nghiệp nội địa ốm yếu ra sao, trong khi doanh nghiệp FDI chỉ có mấy nghìn nhưng chiếm đến 68% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, còn hàng chục nghìn doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm chưa đầy 32%. Vì vậy chưa cần Trung Quốc gây khó khăn, kinh tế chúng ta đã đủ khó khăn rồi.

Có thể thấy kinh tế chúng ta đang ngày một phụ thuộc lớn hơn vào kinh tế nước ngoài, trong đó có kinh tế Trung Quốc. Lúc này, chúng ta nên khẩn trương nhìn lại chính sách điều hành kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ, tài khóa… để giúp doanh nghiệp nội địa vượt qua khó khăn, đây là việc cần phải thực hiện nhanh chóng quyết liệt, kiên quyết tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Còn nhớ Thủ tướng đã đưa ra thông điệp này từ đầu năm nay và nhắc lại nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa có chính sách cụ thể, thiết thực.

Chúng ta nói đến nội lực nền kinh tế Việt Nam chính là nói doanh nghiệp trong nước. Doanh nghiệp chết thì kinh tế không thể vững mạnh, kinh tế yếu, một quốc gia hùng mạnh không thể dựa trên nền tảng kinh tế yếu kém. Để giúp doanh nghiệp cần phải giảm lãi suất cho vay, lãi suất cho vay hiện nay đã giảm nhưng vẫn cao, doanh nghiệp lại khó tiếp cận do nhiều rào cản.

Thực ra ngân hàng muốn giảm lãi suất nhưng vướng vấn đề nợ xấu, nợ khó đòi trong khi để đáp ứng được yêu cầu vay vốn không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành trong cuộc trao đổi với phóng viên (ảnh H.Lực)
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành trong cuộc trao đổi với phóng viên (ảnh H.Lực)

Vừa qua cũng có không ít chính sách tài chính như gói 30.000 tỉ đồng, 50.000 tỉ đồng... được đưa ra để “cứu” thị trường bất động sản. Theo tôi đây không phải là chính sách kinh tế mà chỉ là biện pháp trước mắt, trong dài hạn phải có một chính sách phù hợp với góc nhìn xa hơn. Lúc này, chúng ta phải chủ động đưa ra biện pháp ngắn, trung và dài hạn có chiến lược rõ ràng để giảm phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc, chủ động các tình huống trước người bạn hàng xóm tham lam. Để làm được điều này, phải giải được bài toán vực dậy vị thế doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp trong nước là chìa khóa của vấn đề.

Không dễ giải bài toán “phụ thuộc” 

Nhiều người cho rằng, lúc này là cơ hội cho Việt Nam tìm thị trường mới, tìm hợp tác mới. Nhận định này là rất đúng, tuy nhiên liệu ngay lập tức chúng ta có làm được hay không lại là câu hỏi không dễ trả lời.

Trên thực tế chúng ta đang phụ thuộc nhiều vào kinh tế Trung Quốc, sự phụ thuộc này do nguyên nhân khách quan và chủ quan. Khách quan do điều kiện kinh tế của Việt Nam, nội lực kinh tế còn yếu nhưng chủ quan do chính sách điều hành. Cụ thể doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động trên nguồn nguyên liệu nhập khẩu lớn từ Trung Quốc trong đó lớn nhất là may mặc, đơn giản nhất là cái cúc, cây kim cũng phải nhập.

Tiếp đến hàng tiêu dùng hàng ngày như quần áo, giày dép, thực phẩm hoa quả… đều nhập của Trung Quốc, chúng ta nhập khẩu từ thị trường này lến đến gần 40 tỉ USD trong năm qua, một con số rất lớn nếu nhìn chiều ngược lại xuất khẩu sang Trung Quốc năm qua của Việt Nam chỉ hơn 10 tỉ USD. 

Bên cạnh đó, trong tính toán sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp Việt Nam theo lối mòn “tiết kiệm”, “ham rẻ” và thiếu định hướng của Nhà nước khi lựa chọn máy móc với công nghệ lạc hậu từ Trung Quốc. Khi xảy ra vấn đề hỏng hóc, sửa chữa để khắc phục phải mua thiết bị thay thế từ Trung Quốc (bởi trên thế giới công nghệ đó không còn được sử dụng), như vậy chúng ta lại phụ thuộc vào Trung Quốc.

Về vấn đề năng lượng chúng ta phụ thuộc vào nguồn điện mua từ Trung Quốc, sản xuất điện trong nước không đủ, thực tế nhiều địa phương nhà máy điện của Việt Nam có điện để bán nhưng giá lại cao hơn giá điện mua của Trung Quốc, vì vậy không cạnh tranh được. Ngoài ra Việt Nam hiện đang có hợp đồng thuê nhiều nhà thầu Trung Quốc thực hiện các dự án quan trọng. 

Nói như vậy để nhìn vào thực tế và đưa ra giải pháp tháo gỡ cụ thể. Thứ nhất với hàng tiêu dùng, nếu sản phẩm nào trong nước sản xuất được không cho nhập khẩu, ngăn chặn hàng lậu, khuyến khích người dân tiêu dùng hàng Việt có chính sách trợ giá hỗ trợ doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tiếp cận công nghệ mới. 

Thứ hai bỏ tư duy “ham rẻ” trong đầu tư công nghệ, trong chào thầu đầu tư. Thứ ba nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu tìm thị trường mới cho hàng nông sản Việt Nam, nâng cao chuẩn hóa hàng nhập khẩu vào Việt Nam.

Bài học lịch sử

Nhìn lại chiều dài lịch sử của Việt Nam, từ thủa dựng nước cha ông ta luôn tìm ra biện pháp khắc chế Trung Quốc.

Trong lịch sử trăm lần các triều đại phong kiến Trung Quốc tìm cớ gây sự và tiến hành chiến tranh xâm lược nhằm thôn tính Việt Nam, tuy nhiên đều thất bại. Nhưng sau mỗi lần chiến thắng, các vua chúa thời phong kiến Việt Nam đều chủ động cử sứ thần sang làm hòa. Cách ứng xử như vậy không phải ông cha ta sợ Trung Quốc mà hơn hết mong muốn người dân Việt Nam thời kỳ nào cũng muốn hòa bình để làm ăn sinh sống, để xây dựng đất nước.

Từ bài học lịch sử đó, trong một thế giới mở hiện nay, Việt Nam lần lượt tham gia các tổ chức kinh tế thế giới, giao thương kinh tế là tất yếu. Vì thế chúng ta chỉ nên đặt ra vấn đề giảm phụ thuộc kinh tế Trung Quốc không nên tiêu cực theo hướng cắt đứt quan hệ kinh tế với Trung Quốc, như hành động kêu gọi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc vừa qua.

Không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới, kể cả cường quốc kinh tế như Mỹ, châu Âu cũng đang phải phụ thuộc Trung Quốc. Hàng chục năm nay Mỹ đưa yêu cầu Trung Quốc nâng tỉ giá đồng nhân dân tệ, tuy nhiên Trung Quốc vẫn giữ giá dẫn đến hàng hóa Trung Quốc vào thị trường Mỹ với giá cạnh tranh khiến doanh nghiệp Mỹ lao đao. Để tiếp tục duy trì sản xuất buộc phải tìm đến đầu tư vào Trung Quốc. Tương tự doanh nghiệp ở châu Âu cũng đang ở tình trạng tương tự. 

Nói như vậy không phải cả thế giới sợ Trung Quốc, bởi đặt tình huống kinh tế Trung Quốc và Việt Nam, dù kinh tế Trung Quốc lớn mạnh hơn Việt Nam nhưng nếu đóng cửa biên giới vây hãm kinh tế gây khó khăn cho Việt Nam thì bản thân nước ngày cũng thiệt hại khi Trung Quốc mất đi thị trường lớn. Xa hơn nếu các cường quốc như Mỹ, châu Âu đưa doanh nghiệp về nước sẽ dẫn đền vấn đề việc làm, vấn đề an sinh xã hội của Trung Quốc.

Điều Trung Quốc lo lắng chính là dư luận thế giới, Trung Quốc lo sợ sự quốc tế hóa vấn đề Biển Đông. Trước đến nay Trung Quốc luôn đề nghị các bên đàm phán vấn đề Biển Đông dưới hình thức song phương và không chấp nhận đa phương. Đàm phán song phương Trung Quốc lấy thế nước lớn để áp đặt, xâm chiếm lãnh thổ nước nước nhỏ. Vì thế lúc này sự ủng hộ của dư luận, sự lên tiếng của dư luận là sức mạnh của Việt Nam.

Chuyên gia Bùi Kiến Thành