Malaysia tán thành chủ trương giải quyết vấn đề Biển Đông của TQ?

31/05/2014 07:15
Đông Bình
(GDVN) - Theo tuyên truyền của Trung Quốc thì ông Najib đồng ý với chủ trương "trao đổi, đối thoại trực tiếp" giữa các nước đương sự về Biển Đông.
Ngày 30 tháng 5 năm 2014, Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình hội kiến với Thủ tướng Malaysia Najib
Ngày 30 tháng 5 năm 2014, Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình hội kiến với Thủ tướng Malaysia Najib

Tờ “Văn hối” Hồng Kông ngày 31 tháng 5 đưa tin, ngày 30 tháng 5 Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã hội kiến với Thủ tướng Malaysia, ông Najib tại nhà khách Điếu Ngư Đài.

Ông Tập Cận Bình nói rằng lập trường của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông là “rõ ràng, nhất quán”. “Trung Quốc sẽ không chủ động gây sự cố, nhưng phải đưa ra phản ứng cần thiết đối với hành vi khiêu khích của quốc gia có liên quan”.

Theo tuyên truyền của bài báo thì ông Najib – Thủ tướng Malaysia “tán thành” chủ trương giải quyết vấn đề Biển Đông của Trung Quốc (?), cho rằng các nước đòi hỏi chủ quyền có liên quan cần thông qua trao đổi, đối thoại trực tiếp, xử lý thỏa đáng bất đồng.

Ông Tập Cận Bình tự nghĩ và cho là: “Hiện nay, tình hình Biển Đông tổng thể ổn định, nhưng cũng xuất hiện một số động thái đáng quan ngại. Trung Quốc quý trọng hòa bình và ổn định ở Biển Đông, không tán thành làm cho tranh chấp phức tạp hóa, mở rộng hóa, quốc tế hóa. Chúng tôi sẽ không chủ động gây khiêu khích, nhưng phải đưa ra phản ứng cần thiết đối với hành vi khiêu khích của quốc gia liên quan”.

Theo ông Bình: “Từ lâu, hai nước Trung Quốc và Malaysia duy trì trao đổi tốt đẹp, luôn bám vào bảo vệ đại cục quan hệ Trung Quốc-Malaysia, xử lý thỏa đáng vấn đề có liên quan, đã đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định khu vực. Hai bên Trung Quốc và Malaysia cần cùng nỗ lực, tăng cường đối thoại, trao đổi song phương, thúc đẩy các biện pháp hợp tác trên biển và cùng khai thác, cùng bảo vệ hòa bình, ổn định Biển Đông”.

Trung Quốc cho giàn khoan Hải dương 981 hạ đặt trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, đi kèm là tàu chiến, máy bay quân sự, hải cảnh... không khác gì một cuộc xâm lược bằng vũ lực hết sức trắng trợn trong thời đại văn minh hiện nay, bất chấp luật pháp quốc tế.
Trung Quốc cho giàn khoan Hải dương 981 hạ đặt trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, đi kèm là tàu chiến, máy bay quân sự, hải cảnh... không khác gì một cuộc xâm lược bằng vũ lực hết sức trắng trợn trong thời đại văn minh hiện nay, bất chấp luật pháp quốc tế.

Ông Tập Cận Bình cho rằng: “Sự phát triển của Trung Quốc cùng sự phát triển của các nước xung quanh thúc đẩy lẫn nhau. Trung Quốc kiên trì phương châm ngoại giao láng giềng ‘thân thiện với láng giềng, lấy láng giềng làm bạn’, đưa ra quan điểm ngoại giao ‘thân, thành, huệ, dung’ và một loạt sáng kiến quan trọng như xây dựng cộng đồng vận mệnh Trung Quốc-ASEAN chặt chẽ hơn, Vành đai kinh tế con đường tơ lụa và Con đường tơ lụa biển thế kỷ 21. Malaysia là quốc gia quan trọng của châu Á, cũng là quốc gia điểm tựa của con đường tơ lụa biển. Trung Quốc sẵn sàng tăng cường hợp tác với Malaysia, đóng góp cho xây dựng châu Á hòa bình, thịnh vượng, hài hòa”.

Thủ tướng Malaysia cho rằng, ASEAN và Trung Quốc phụ thuộc lẫn nhau, hai bên là “láng giềng tốt, bạn bè tốt”. Hai bên cần hợp tác chặt chẽ, cùng nỗ lực thực hiện hòa bình, ổn định, phồn vinh của châu Á.

Về vấn đề Biển Đông, theo tuyên truyền của báo Trung Quốc, ông Najib “tán thành chủ trương trên” của ông Bình, cho rằng, các nước đòi hỏi chủ quyền có liên quan cần thông qua “trao đổi, đối thoại trực tiếp”, xử lý thỏa đáng bất đồng.

Ông Najib nói thêm rằng: Malaysia sẵn sàng tích cực tham gia xây dựng con đường tơ lụa biển thế kỷ 21 và ngân hàng phát triển hạ tầng cơ sở châu Á. Năm 2015, Malaysia sẽ làm Chủ tịch luân phiên của ASEAN, sẵn sàng đóng góp lớn hơn cho thúc đẩy phát triển quan hệ ASEAN-Trung Quốc.

Ngày 29 tháng 5 năm 2014, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tổ chức đón Thủ tướng Malaysia Najib
Ngày 29 tháng 5 năm 2014, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tổ chức đón Thủ tướng Malaysia Najib

Ngoài ra, theo báo “Nhân Dân” Trung Quốc ngày 30 tháng 5, ông Tập Cận Bình còn nói về sự “phát triển vượt bậc” của quan hệ Trung Quốc-Malaysia trong 40 năm qua, cho rằng đã tích được rất nhiều kinh nghiệm có ích: “Một là luôn nắm chắc phương hướng lớn thúc đẩy phát triển, mưu cầu phát triển và theo đuổi cùng thắng, tôn trọng lẫn nhau, thẳng thắng đối đãi, không ngừng tăng cường lòng tin chính trị.

Hai là cùng có lợi, cùng thắng, mở rộng toàn diện hợp tác thiết thực, không chỉ đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, mà cũng đã thúc đẩy phát triển quan hệ giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á.

Ba là hướng tới tương lai, thúc đẩy giao lưu, hợp tác nhân văn đạt thành quả lớn, tăng cường hiểu biết và hữu nghị, tăng cường nền tảng hữu nghị”.

Ông Bình nói là quý trọng quan hệ hữu nghị với Malaysia, coi Malaysia là “bằng hữu tin cậy” và “đối tác hợp tác quan trọng”, hai bên cần không ngừng làm sâu sắc “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” Trung Quốc-Malaysia.

Ông Bình cho rằng, Trung Quốc và Malaysia cần duy trì trao đổi cấp cao, trao đổi kinh nghiệm quản lý đất nước, thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực như xây dựng hạ tầng cơ sở, hàng không, vệ tinh, tài chính, từ đó thúc đẩy hợp tác đầu tư và thương mại song phương lên tầm cao mới. Hai bên cũng cần tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh chấp pháp, cùng tấn công chủ nghĩa khủng bố, xuất nhập cảnh phi pháp, tội phạm mạng, mở rộng giao lưu nhân văn và giao lưu thanh niên.

Lễ đón Thủ tướng Malaysia Najib do Trung Quốc tổ chức
Lễ đón Thủ tướng Malaysia Najib do Trung Quốc tổ chức

Còn Thủ tướng Malaysia, ông Najib thì nói là rất coi trọng quan hệ song phương, thúc đẩy quan hệ theo tinh thần “đối tác hợp tác chiến lược toàn diện”. Malaysia muốn tiếp tục nâng cao trình độ hợp tác thương mại và đầu tư song phương, mở rộng quy mô thanh toán đồng bản tệ song phương…

Ông Bình còn muốn Malaysia nhanh chóng xây dựng hoàn thiện phương án tìm kiếm cứu nạn thường xuyên, “duy trì tính liên tục của công tác tìm kiếm cứu nạn, tranh thủ nhanh chóng tìm được máy bay mất tích”.

Về vấn đề này, ông Najib cam kết sẽ tiếp tục điều tra, đó là trách nhiệm của Malaysia với gia đình các hành khách, đồng thời sẽ phối hợp chặt chẽ với các bên.

Ngoài ra, Thủ tướng Malaysia Najib cũng đã có cuộc hội đàm với đồng cấp Trung Quốc, ông Lý Khắc Cường. Theo ông Cường, hai bên cần nỗ lực thực hiện mục tiêu kim ngạch thương mại song phương 160 tỷ USD vào năm 2017; tăng cường hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng, kết nối; cùng thúc đẩy xây dựng khu ngành nghề Khâm Châu và khu ngành nghề Kuantan – các dự án hợp tác của hai nước.

Ông Cường cũng cho là phải tiếp tục mở rộng sử dụng đồng bản tệ trong thương mại và đầu tư song phương, mở rộng giao lưu hàng không, quốc phòng, tư pháp, an ninh chấp pháp, hợp tác nông nghiệp, nhân văn; phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề quốc tế, thúc đẩy quan hệ Trung Quốc-ASEAN và hợp tác Đông Á, thúc đẩy cái mà Bắc Kinh đã vẽ ra với thế giới là“hòa bình, ổn định và phát triển” của khu vực.

Ngày 30 tháng 5 năm 2014, Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Trương Đức Giang hội kiến với Thủ tướng Malaysia Najib
Ngày 30 tháng 5 năm 2014, Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Trương Đức Giang hội kiến với Thủ tướng Malaysia Najib

Ông Najib cho biết sẵn sàng mở rộng hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư, tài chính, xây dựng hạ tầng cơ sở, nông nghiệp, xe hơi, nhân văn với Trung Quốc, cùng mở rộng thị trường các nước ASEAN, tích cực tham gia xây dựng con đường tơ lụa biển thế kỷ 21, chuẩn bị xây dựng ngân hàng đầu tư hạ tầng cơ sở châu Á.

Về vấn đề Biển Đông, theo tuyên truyền của báo Trung Quốc, hai bên “nhất trí thông qua đàm phán trực tiếp giữa các nước đương sự để giải quyết vấn đề, tránh áp dụng các hành động làm cho tình hình thêm phức tạp và mở rộng”, “thiết thực bảo vệ hòa bình và ổn định của Biển Đông”.

Hai bên còn ký kết các văn kiện hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế thương mại, văn hóa, khoa học công nghệ, đầu tư. Hai bên tuyên bố thiết lập tổng lãnh sự quán tại Nam Ninh thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) và Penang, Kota Kinabalu của Malaysia.

Ngoài ra, ông Najib cũng đã có cuộc gặp với Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Trương Đức Giang. Được biết, ông Najib thăm Trung Quốc từ ngày 27 tháng 5 đến ngày 1 tháng 6 năm 2014.

Liên quan đến vấn đề Biển Đông, nhìn vào các phát biểu của lãnh đạo Trung Quốc như trên, nhận thấy, Trung Quốc coi hành động của nước khác trên Biển Đông là “khiêu khích”, trong khi họ đang mưu đồ xâm lược vùng biển của nước khác thì họ cho là “bảo vệ hòa bình, ổn định Biển Đông”.

Máy bay Trung Quốc tham gia xâm lược vùng biển chủ quyền của Việt Nam
Máy bay Trung Quốc tham gia xâm lược vùng biển chủ quyền của Việt Nam

Trung Quốc tiếp tục nhắc lại chủ trương đàm phán tay đôi với từng nước yếu hơn họ để dễ bề chi phối và thu lợi, không chấp nhận đa phương, quốc tế hóa.

Nói chung, mỗi khi nghe Trung Quốc nói gì thì luôn thấy chữ “hòa bình” được thốt lên, nhưng quan trọng và thực tế là phải nhìn vào hành động của Trung Quốc. Trên thực tế, Trung Quốc đã làm gì? Đã dùng vũ lực xâm lược quần đảo Hoàng Sa, một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam; đã dùng sức mạnh cưỡng chiếm bãi cạn Scarborough từ tay Philippines..

Hiện nay, Trung Quốc đang dùng sức mạnh để xâm lược vùng biển chủ quyền của Việt Nam… Họ cho giàn khoan Hải Dương 981, tàu chiến, máy bay quân sự và nhiều loại tàu khác vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam đòi khoan dầu, đòi ăn cướp vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Trung Quốc đang vì "hòa bình, ổn định ở Biển Đông" là như vậy đấy.

Đông Bình