Báo TQ xuyên tạc gì về phát biểu của Thủ tướng Nhật Bản?

31/05/2014 06:58
Đông Bình
(GDVN) - Thủ tướng Shinzo Abe nhấn mạnh lại tuyên bố ủng hộ Việt Nam trước đó, đồng thời khẳng định Nhật Bản sẽ đóng góp cho hòa bình của khu vực và thế giới.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu tại Đối thoại Shangri-La tối ngày 30 tháng 5 năm 2014
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu tại Đối thoại Shangri-La tối ngày 30 tháng 5 năm 2014

Tờ Văn hối Hồng Kông-Trung Quốc ngày 31 tháng 5 đăng bài viết tuyên truyền, xuyên tạc cho rằng, những năm gần đây, mỗi lần Trung Quốc và các nước khác xảy ra tranh chấp chủ quyền, Nhật Bản luôn "nhảy vào trước tiên", "chia rẽ, ly gián", “thêm dầu vào lửa", lôi kéo những nước này, tìm cách cùng đối phó với Trung Quốc. Những tính toán này còn chưa đạt được thành công hoàn toàn.

Theo bài báo gào thét, trong bối cảnh Mỹ thực hiện chiến lược "tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương", Nhật Bản cũng "rục rịch", tìm cơ hội tham gia vấn đề Biển Đông. Năm 2012, sau khi xảy ra sự kiện đối đầu bãi cạn Scarborough giữa Trung Quốc và Philippines, Nhật Bản đã luôn chống đỡ cho Philippines trong vấn đề Biển Đông, không chỉ cung cấp viện trợ quân sự và kinh tế cho Philippines, mà còn nhiều lần lên tiếng ủng hộ chính quyền Benigno Aquino về mặt ngoại giao.

Theo bài báo, hành động lần này của Nhật Bản không chỉ kích thích, lôi kéo Philippines đối kháng với Trung Quốc, mà còn muốn chuyển hóa sức ép mà Trung Quốc gây ra cho Nhật Bản trong vấn đề đảo Senkaku.

Trung Quốc cho máy bay chiến đấu Su-27 áp sát máy bay do thám của Nhật Bản trên biển Hoa Đông, gây căng thẳng cho Nhật Bản
Trung Quốc cho máy bay chiến đấu Su-27 áp sát máy bay do thám của Nhật Bản trên biển Hoa Đông, gây căng thẳng cho Nhật Bản

Tháng 5 năm nay, sau khi Trung Quốc và Việt Nam "xảy ra tranh chấp biển ở Hoàng Sa" (thực chất là Trung Quốc xâm lược vùng biển chủ quyền của Việt Nam), cỗ máy tuyên truyền được Bắc Kinh giật giây cho rằng, việc Nhật Bản hy vọng "liên Việt kháng Trung" (liên kết với Việt Nam đối phó Trung Quốc) đã lộ rõ hoàn toàn.

Theo bài báo thì vấn đề này vốn là do hai nước Trung Quốc và Việt Nam giải quyết (tức là giải quyết song phương), nhưng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lại "nói ra nói vào", "vung chân múa tay".

Báo Hồng Kông - Trung Quốc tuyên truyên bịa đặt và lừa đảo là, ông Shinzo Abe đã "bất chấp thực tế", chỉ trích Trung Quốc đơn phương tiến hành khoan thăm dò ở "vùng biển mà Trung Quốc và Việt Nam đều chủ trương chủ quyền" (đây là vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, không có tranh chấp theo miệng lưỡi của Bắc Kinh) làm leo thang quan hệ căng thẳng, thậm chí tuyên bố "Nhật Bản sẽ không cho phép dùng thực lực hoặc uy hiếp làm thay đổi hiện trạng".

Báo Trung Quốc ly gián cho rằng, Nhật Bản coi mâu thuẫn Trung-Việt là cơ hội quan trọng để "chia rẽ, ly gián". Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida còn có kế hoạch thăm Việt Nam trong thời gian tới, cho thấy lập trường của Nhật Bản là muốn hợp tác chặt chẽ hơn với Việt Nam để bảo đảm an toàn ở biển Hoa Đông và Biển Đông, đồng thời sẽ xác nhận đẩy nhanh đàm phán có liên quan đến việc Nhật Bản cung cấp tàu tuần tra cho Việt Nam.

Trung Quốc đang dùng vũ lực làm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông, đòi biến vùng biển khôngn có tranh chấp thành có tranh chấp, bất chấp luật pháp quốc tế
Trung Quốc đang dùng vũ lực làm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông, đòi biến vùng biển khôngn có tranh chấp thành có tranh chấp, bất chấp luật pháp quốc tế

Theo bài báo, những điều này gây chú ý đặc biệt cho Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Trung Quốc vừa lên tiếng la lối om sòm rằng, các phát ngôn có liên quan của Nhật Bản "bưng bít sự thực, làm đảo lộn phải trái, mục đích là có ý đồ can thiệp tranh chấp Biển Đông, đạt mục đích chính trị đen tối". Đồng thời, Trung Quốc cũng đòi Nhật Bản chấm dứt tất cả lời nói và hành động “khiêu khích”, dùng hành động thực tế để bảo vệ hòa bình, ổn định khu vực.

Tờ Tân Kinh báo Trung Quốc ngày 31 tháng 5 cũng có bài viết cho rằng, tại Đối thoại Shangri-La tối ngày 30 tháng 5, Thủ tướng Shinzo Abe đã có bài phát biểu chính và khẳng định mạnh mẽ: “Nhật Bản vĩnh viễn không cho phép hành vi dùng vũ lực thay đổi hiện trạng”. Theo báo Pháp thì lời nói này nhằm vào Trung Quốc. Đây là lần thứ hai trong tuần qua, ông Shinzo Abe bày tỏ thái độ  như vậy.

Theo bài báo, vào ngày 23 tháng 5, trong cuộc gặp với Phó Thủ tướng Việt Nam Vũ Đức Đam, khi nói đến việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, ông Shinzo Abe cũng đã có phát biểu tương tự, lên tiếng ủng hộ Việt Nam.

Nhật Bản sẽ cung cấp tàu tuần tra cho Việt Nam, Philippines để đối phó với tham vọng bành trướng lãnh thổ của cướp biển Trung Quốc và mối đe dọa an ninh hàng hải trên Biển Đông
Nhật Bản sẽ cung cấp tàu tuần tra cho Việt Nam, Philippines để đối phó với tham vọng bành trướng lãnh thổ của cướp biển Trung Quốc và mối đe dọa an ninh hàng hải trên Biển Đông

Ngày 30 tháng 5, Thủ tướng Shinzo Abe cho biết, ông sẽ nói rõ, hành động hàng hải và quân sự đơn phương của Trung Quốc là không thể chấp nhận, hơn nữa, Nhật Bản có thể đóng góp cho hòa bình của khu vực châu Á-Thái Bình Dương và thế giới.

Ông nói: “Tôi sẽ trình bày chi tiết trong bài phát biểu, trong cấu trúc ngoại giao và an ninh mới, Nhật Bản có thể đóng góp cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương và thế giới”.

Theo bài báo, tuyên bố của ông Shinzo Abe không chỉ thể hiện trên giấy. Trước đó, chính phủ Nhật Bản cho biết, đang nghiên cứu kế hoạch đẩy nhanh cung cấp tàu tuần tra do Nhật Bản chế tạo cho Việt Nam. Mặt khác, Nhật Bản đã đồng ý cho Philippines mượn tiền mua 10 tàu tuần tra của Nhật Bản.

Tuyên bố của ông Shinzo Abe được Philippines hưởng ứng nhiệt liệt. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gazmin cho biết: “Chúng tôi bày tỏ ca ngợi hành động của Nhật Bản. Họ cũng đang bảo vệ lợi ích của mình”.

Klee, chuyên gia vấn đề Nhật Bản, Đại học Auckland, New Zealand cho rằng, ông Shinzo Abe đang tận dụng tình hình khu vực Biển Đông hiện nay, tăng cường quan hệ với các nước Đông Nam Á, “hành động này đang trở nên ngày càng rõ ràng”. Một sự thực là, từ khi ông Shinzo Abe quay trở lại làm Thủ tướng Nhật Bản vào năm 2012 đến nay, ông đã dành nhiều thời gian đến thăm cả 10 nước ASEAN, báo Pháp gọi đây là “ngoại giao lấy lòng ASEAN”.

Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida (trái) sắp thăm Việt Nam, hai bên sẽ tăng cường hợp tác để bảo vệ hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông.
Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida (trái) sắp thăm Việt Nam, hai bên sẽ tăng cường hợp tác để bảo vệ hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông.
Đông Bình