Những tên cướp biển mang truyền thống AQ

02/06/2014 09:31
Xuân Dương
(GDVN) - Tính cách AQ cộng với máu cướp biển khiến lãnh đạo và truyền thông TQ cứ nói bừa, thiên hạ bịt tai hay xỉ mũi cũng mặc kệ miễn là dân Trung Quốc tin là được.

Trong một phát biểu liên quan đến nhận định của Tổng thống Mỹ Obama: “Nước Mỹ sẽ giữ vai trò lãnh đạo thế giới ít nhất là 100 năm nữa”, Tần Cương, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung quốc nói: “Xem ra cảm giác làm "đại ca thế giới" cũng không tệ. Trong lịch sử Trung Quốc cũng đã từng làm "đại ca thế giới", mà không dưới trăm năm. Bắc Kinh đã có nhiều bài học và kinh nghiệm về sự thịnh suy trong lịch sử”.

Có lẽ cái thời “Trung Quốc làm đại ca thế giới” mà Tần Cương nhắc đến là thời đế quốc Nguyên-Mông, khi đó các đạo quân Mông Cổ chinh phục đất đai từ Á sang Âu, lập nên triều nhà Nguyên ở Trung Quốc. Có điều Tần Cương quên rằng đó là thời kỳ mà đất nước Trung Hoa bị ngoại bang đô hộ.

Dù có bá quyền đến đâu, thì Trung Quốc cũng nên nhớ các bài học ngoan cường của người Việt trong bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Trên hình là minh họa khởi nghĩa Hai Bà Trưng.
Dù có bá quyền đến đâu, thì Trung Quốc cũng nên nhớ các bài học ngoan cường của người Việt trong bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Trên hình là minh họa khởi nghĩa Hai Bà Trưng.

Chẳng cứ Tần Cương, có lúc người ta còn cho rằng Thành Cát Tư Hãn là anh hùng dân tộc Trung Quốc, đến nỗi Graeme Baker đã phải viết: "Bây giờ có một vài người Mông Cổ ở Trung Quốc, họ có quyền công dân Trung Quốc nhưng điều đó không làm cho người Mông Cổ của thời đại Thành Cát Tư Hãn trở thành người Trung Quốc. Nếu cháu trai của bạn di chuyển đến Mỹ và trở thành một công dân Hoa Kỳ, sẽ không có nghĩa là bạn và cha của bạn là người Mỹ". 

Không chỉ Thành Cát Tư Hãn, truyền hình Trung Quốc còn xây dựng một bộ phim nhiều tập (đã chiếu tại Việt Nam) cho rằng Càn Long, vị vua nổi tiếng triều Thanh không phải người Mãn mà người Hán họ Trần ở Chiết Giang. 

Nếu người Mông Cổ nói rằng Bắc Kinh là đất đai của họ vì tám trăm năm trước Thành Cát Tư Hãn đã xây dựng nên vương triều Nguyên và ngự trị tại đây thì ông Tần Cương sẽ trả lời thế nào? Liệu cái cách thức nhận bừa Thành Cát Tư Hãn và Càn Long là người Trung Quốc chỉ là “tính cách AQ” của giới tinh hoa hay còn chứa đựng ẩn ý sâu xa rằng những gì dính đến Trung Quốc đều thuộc về Trung Quốc, đừng ai hy vọng đòi lại cái gì !!!

Ông Tập Cận Bình, Chủ tịch Trung Quốc từng không dưới hai lần khẳng định: “Thái Bình Dương đủ rộng cho cả Mỹ và Trung Quốc”, thế có nghĩa là dưới con mắt của họ, thiên hạ không còn một quốc gia nào khác, Thái Bình Dương là chỉ dành cho hai nước lớn. 

Chợt nhớ lại năm 1980, người Nga cho ra lò bộ phim “Những tên cướp biển của thế kỷ 20”. Đó là  bộ phim ăn khách nhất Liên Xô với 87,6 triệu lượt người xem. Năm 2003, người Mỹ xây dựng bộ phim “Cướp biển vùng Caribê 1” và lập tức cũng trở thành một phim ăn khách đến nỗi phải làm tiếp các phần 2,3,4.

Trong phim của Mỹ, Jack Sparrow mặc dù là một tên cướp biển khét tiếng nhưng người xem không có cảm giác căm ghét, vẫn còn thấy một cái gì đó nhân văn trong con người tên cướp sừng sỏ nhất vùng Caribê ấy.

Có thể chủ đề cướp biển không những thu hút nhiều người xem mà còn gây được thiện cảm. Nên gần đây giới lãnh đạo Bắc Kinh muốn qua mặt Nga và Mỹ, không cần dựng phim mà tiến hành dàn dựng một vụ cướp biển thực sự, ấy là việc đưa dàn khoan dầu khí 981 vào hoạt động sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền  kinh tế của Việt Nam. 

Trung Quốc cũng khác nào cướp biển khi đem giàn khoan, tàu chiến xâm lấn vùng biển Việt Nam. Trong ảnh là tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Việt Nam, khi tàu Việt Nam tiếp cận giàn khoan 981 để tuyên truyền, ngăn chặn hành vi trái phép của phía Trung Quốc trên vùng biển Hoàng Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam.
Trung Quốc cũng khác nào cướp biển khi đem giàn khoan, tàu chiến xâm lấn vùng biển Việt Nam. Trong ảnh là tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Việt Nam, khi tàu Việt Nam tiếp cận giàn khoan 981 để tuyên truyền, ngăn chặn hành vi trái phép của phía Trung Quốc trên vùng biển Hoàng Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam.

Khi bị Việt Nam và những người hiểu lẽ phải trên thế giới phản đối, họ la lên rằng đó là vùng biển mà cha ông họ đã khai phá từ thời nhà Hán, rằng phần lớn những bằng chứng lịch sử chỉ rõ, quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam) từ xưa đến nay là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc… Hóa ra Tần Cương và những bậc trưởng bối của ông ta lại cũng quên một điều, rằng từ đời nhà Hán, sau khi đàn áp cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, Mã Viện đã cho dựng cái cột đồng đánh dấu biên giới quốc gia giữa Giao Chỉ (Việt Nam) và nhà Hán (Trung Quốc). 

Sách Đại Minh nhất thống chí đời Minh ghi: “Cột đồng dựng ở động Cổ Lâu thuộc Khâm Châu (Quảng Tây), còn theo Gia Khánh trùng tu nhất thống chí đời vua Gia Khánh nhà Minh, thì cột đồng dựng ở núi Phân Mao ở về phía tây Khâm Châu… 

Năm 1540, vì nhiều lý do Mạc Đăng Dung buộc phải cắt đất cho nhà Minh nên từ đấy núi Phân Mao mới thuộc về Trung Quốc. Thế có nghĩa là đất Giao Chỉ xưa còn có cả Quảng Đông, Quảng Tây ngày nay, còn lâu nhà Hán mới có chủ quyền ở hai tỉnh này chứ đừng nói đến Biển Đông hay Hoàng Sa, Trường Sa. “Tính cách AQ” cộng với máu cướp biển khiến người ta cứ nói bừa, thiên hạ bịt tai hay xỉ mũi cũng mặc kệ miễn là dân Trung Quốc tin là được.

Người Việt, cũng như người Hoa ngày xưa sùng bái rồng, những gì tôn quí nhất đều gắn với hình tượng rồng. Ví dụ, chỗ vua ngồi là bệ rồng, áo vua mặc thêu chín con rồng… Sau khi chế độ phong kiến sụp đổ, rồng trở nên mất thiêng, thế là người Trung Quốc chọn mèo. Cố lãnh đạo Trung Quốc - Đặng Tiểu Bình nói: “Mèo trắng, mèo đen không quan trọng, miễn là bắt được chuột”. Sau một thời gian giấu mình chờ thời, nay mèo đã biến thành sư tử. 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một bài phát biểu tại Paris nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với Pháp nói: "Hôm nay con sư tử đã thức dậy. Nhưng đó là con sư tử hòa bình, dễ chịu, văn minh". Trở thành sư tử có lẽ vẫn chưa thỏa mộng vì sư tử mà xuống nước là chết đuối nên bây giờ giới lãnh đạo Bắc Kinh lại muốn trở thành “giun biển”. 

Để hiểu chuyện này cần nhớ lại chuyện Trạng Quỳnh thi vẽ, nhúng cả hai tay vào nghiên mực, ngoằng một cái Trạng vẽ ra mười con giun. Lại nữa trong một cuộc thi Piano quốc tế, một nghệ sĩ kết thúc bản nhạc bằng cách cùng một lúc gõ 11 phím, hóa ra không phải chỉ dùng mười ngón tay mà nghệ sĩ nọ còn dùng cả cái mũi của mình để nhấn thêm một phím.   

Bản đồ về đường 9 đoạn do Trung Quốc tự vạch ra là vô giá trị
Bản đồ về đường 9 đoạn do Trung Quốc tự vạch ra là vô giá trị

Người Trung Quốc giỏi hơn Trạng Quỳnh ở chỗ ngoằng một cái họ vẽ ra được những mười một con giun, ấy là cái đường lưỡi bò nguyên thủy có mười một nét. Không hiểu khi đó họ có phải dùng mũi như chàng nhạc công nọ để vẽ cái con giun thứ mười một không? Sau này hai con giun ở Vịnh Bắc Bộ bị chết yểu nên chỉ còn chín con mà họ gọi là đường chín đoạn. Gần đây, lũ giun này đẻ thêm được một con nên xuất hiện đường mười đoạn kéo lên phía trên đảo Đài Loan. Cứ cái đà này vài chục năm nữa, lũ giun mà đẻ vô tội vạ thì cái “đường n đoạn” ấy sẽ ôm hết cả quốc gia vạn đảo, thậm chí lũ chuột túi rồi cũng bị lũ giun cho vào rọ chưa biết chừng.

Thế giới, trong đó có cả người Việt lúc đầu thấy chỉ có hơn chục con giun ngọ nguậy ở Biển Đông thì xem thường không chấp, đến khi cái dàn khoan 981 xuất hiện thì mới thấy cái lũ giun ấy quả là “thiên hạ đệ nhất giun”. Đệ nhất không phải chỉ ở chỗi lũ giun ấy chui vào nhà, vào bụng người ta để ăn bám, ăn cướp, mà còn ở chỗ nó lại còn kéo đàn kéo lũ nào là máy bay, tàu chiến, tàu ngầm đến tận cửa nhà người ta rồi la lên rằng: chủ nhà đang cướp của cướp.

Nói thế có quá lắm không? Xin thưa hãy tìm hiểu kế thứ 8 trong 36 kế của Tôn tử: “Vô trung sinh hữu (không có mà làm thành có). Kế “Vô trung sinh hữu” là từ không mà tạo thành có. Thiên hạ thái bình, không có chiến tranh thì làm gì có anh hùng xuất hiện, muốn trở thành anh hùng thì phải “chọc trời khuấy nước”. Chọc trời thì  còn phải chờ mua công nghệ, nếu không mua được thì tìm cách “thó cáy”. Do vậy, trước mắt hãy chơi trò khuấy nước. Có điều người tính không bằng trời tính, khuấy nước biển Đông có thể chưa ăn tên lửa nhưng biết đâu một cơn bão lớn hay một cột sóng thần sẽ nhấn chìm cái “lãnh thổ di động ấy” cũng nên, ai mà biết được dưới đáy biển có gì?

Các cụ ngày xưa có câu: “Đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”. Đối phó với những kẻ vừa thâm hiểm, vừa mặt dày nếu chỉ dựa vào chính nghĩa mà không có thực lực thì cầm chắc cái thua. Để bảo vệ tổ quốc trước một kẻ địch mạnh lại ở ngay sát nách, cần có  bạn, cần có người ủng hộ ta cho dù sự ủng hộ của họ xuất phát từ quyền lợi của chính họ. 

Mặc áo giấy hay cởi trần không quan trọng, miễn là không kẻ nào dám nhòm ngó giang sơn gấm vóc mà tổ tiên người Việt để lại cho con cháu hôm nay. 

Xuân Dương