Môn Sử từ học đến thi đều đánh đố thí sinh

03/06/2014 17:47
Ngọc Quang (Thực hiện)
(GDVN) - TS Trịnh Ngọc Thạch: "Với cách dạy như hiện nay mà ra đề như thế thì không liên quan đến nhau, học sinh không đủ kiến thức để làm bài".

Bên lề kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 13, TS Trịnh Ngọc Thạch - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chia sẻ về những bất cập trong giảng dạy môn lịch Sử. Theo TS Thạch, cách dạy Sử hiện nay ở nhiều nơi gần giống dạy chính trị, khiến học sinh sợ.

Ngày hôm qua, ở nhiều hội đồng thi tốt nghiệp THPT môn Sử chỉ có một thí sinh hoặc không có thí sinh lựa chọn môn này. Điều đó phản ánh điều gì, thưa ông?

TS Trịnh Ngọc Thạch: Thứ nhất, chúng ta đã cho học sinh lựa chọn các môn thi tốt nghiệp THPT thì không có quyền bắt phải thi môn nào. Chọn môn nào là tùy thuộc vào thí sinh.

Tuy nhiên, với trường hợp cụ thể của môn Sử, tôi cho rằng cách dạy hiện nay làm học sinh chán Sử, sợ môn Sử. Cách dạy hiện nay theo kiểu bắt học sinh thuộc lòng các sự kiện, nên các em không thể nhớ hết được. Nếu học sinh nói sai có khi lại vi phạm về chính trị nên các em không nói được. Lịch sử gần với chính trị lắm. Vì vậy, các em học sinh mới sợ. Để thay đổi thực trạng đáng buồn này thì trước hết phải mới cách dạy, giúp các em tiếp cận bằng những hướng khác, để môn Sử thực sự là môn khoa học, trở thành nền tảng của nhiều môn học khác.

TS Trịnh Ngọc Thạch - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
TS Trịnh Ngọc Thạch - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Đề thi Sử tốt nghiệp THPT hôm qua có một ý như sau: “Tại sao Liên Hợp quốc xác định một trong những nguyên tắc hoạt động là giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình? Từ nguyên tắc này, hãy liên hệ với việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam hiện nay”. Ông đánh giá thế nào về câu hỏi này?

TS Trịnh Ngọc Thạch: Với cách dạy như hiện nay mà ra đề như thế thì không liên quan đến nhau, học sinh không đủ kiến thức để làm bài. Các thầy có thể hiểu, nhưng ra đề như vậy có thể lại đánh đố học sinh.

Thưa ông, năm 2011 đã có hàng nghìn điểm 0 môn Sử, và cho tới nay thì hầu hết học sinh không lựa chọn môn Sử. Các nhà khoa học đã nói quá nhiều, nhưng hình như không có sự đổi mới?

TS Trịnh Ngọc Thạch: Nói là đổi mới nhưng có thấy đổi mới đâu. Sách giáo khoa vẫn thế, thầy vẫn thế. Nếu học sinh không theo thầy, theo sách giáo khoa thì sẽ bị điểm 0. Vì vậy, không đổi mới sách giáo khoa, không đổi mới thầy thì cách học Sử không thay đổi nên học sinh sẽ không chọn. Điều này rất nguy hiểm, vì như vậy rất có thể thế hệ trẻ sau này không còn ý niệm về lịch sử đất nước nữa, các em chỉ học qua loa vì đâu còn bắt buộc phải thi nữa.

Trong khi đó môn Sử không chỉ giúp các em hiểu được lịch sử của đất nước qua các thời kỳ, hiểu để thực sự yêu quê hương mình, mà còn là nền tảng khoa học cơ bản giúp các em vững vàng khi lựa chọn học các ngành nghề khác sau này.

Hôm qua, tôi xem ti vi thì thấy có trường hợp 1 em thi Sử ở hội đồng thi trường THPT Quang Trung (Hà Nội). Điều đó là rất lãng phí, 20 cán bộ chỉ để phục vụ cho 1 em học sinh thi Sử.

Bản thân môn Sử khô khan, đấy là thực tế và cách dạy ở nhiều nơi, nhiều trường lại giống như dạy một môn chính trị nên các em càng khó tiếp thu, không thích học. Vì vậy các em không lựa chọn môn Sử là đúng.

Bây giờ đổi mới cách dạy như thế nào? Theo tôi nên dạy Sử theo hướng là tạo cho các em tham gia vào sinh hoạt thực tiễn, cho các em đóng vai vào các hoạt động thực tiễn, các sự kiện đã qua của dân tộc. Còn dạy như dạy chính trị thế này thì không bao giờ thay đổi được.

TS Trịnh Ngọc Thạch cho rằng, với cách dạy hiện nay mà ra đề thi như ý b câu 3 là làm khó cho thí sinh, vì các em không đủ kiến thức để làm bài.
TS Trịnh Ngọc Thạch cho rằng, với cách dạy hiện nay mà ra đề thi như ý b câu 3 là làm khó cho thí sinh, vì các em không đủ kiến thức để làm bài.

Thực tế, hiện đang có những giáo viên không có trình độ về môn Sử lại đi dạy Sử. Ông có thấy đó là một bất cập?

TS Trịnh Ngọc Thạch: Đề án đổi mới lần này có đặt vấn đề đào tạo lại đội ngũ giáo viên. Trước hết đào tại lại phương pháp giảng dạy, đào tạo kiến thức.

Thực tiễn cho thấy, do thiếu giáo viên nên có những địa phương lấy rất ồ ạt, nhưng lại không có các khóa đào tạo cho giáo viên, từ đó dẫn tới hệ quả đáng tiếc như ngày nay.

Có ý kiến cho rằng những sinh viên kém mới đi học Sử, ông nghĩ sao?

TS Trịnh Ngọc Thạch: Nói như vậy thì không đúng. Nhưng nếu chúng ta cứ dạy Sử kiểu này thì những ai học vẹt, học thuộc lòng sẽ chọn môn Sử. Tôi thấy có rất nhiều giáo viên Sử nói rất trôi chảy về số liệu, nhưng lại không hiểu gì cả, đấy là sự thật và ngành giáo dục phải sớm giải quyết triệt để vấn đề này. Chúng ta thấy đấy, nhiều nhà ngoại giao nói về Sử rất hay, rất am hiểu về lịch sử, mặc dù họ đâu có học chuyên Sử.

Trân trọng cảm ơn ông!

Ngọc Quang (Thực hiện)