Ngư dân toàn thế giới, không ai làm điều ác như đâm chìm tàu bạn

04/06/2014 14:32
HOÀNG QUÂN
(GDVN) - Ngư dân toàn thế giới, không có ai đi đâm chìm tàu cá của nhau, dù họ mang quốc tịch nào. CHỉ có giả danh, đội lốt mới làm điều ác độc như vậy...

Sáng 4/6, PV Báo GDVN đã có cuộc phỏng vấn ông Bùi Văn Tiếng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP Đà Nẵng về sự việc tàu cá ĐNa 90152TS bị tàu Trung Quốc đâm chìm ngoài vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam vào chiều ngày 26/5 vừa qua và đã được đưa vào bờ vào chiều ngày 2/6. 

Tàu cá ĐNa 90152TS đã được đưa lên bờ tại âu thuyền Thọ Quang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng vào chiều ngày 2/6. Ảnh H.Q
Tàu cá ĐNa 90152TS đã được đưa lên bờ tại âu thuyền Thọ Quang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng vào chiều ngày 2/6.
Ảnh H.Q

PV: Thưa ông, con tàu ĐNa 90152TS của chủ tàu Huỳnh Thị Như Hoa (trú quận Thanh Khê, Đà Nẵng) bị đâm chìm giữa vùng biển Hoàng Sa vừa qua, dưới góc độ của người nghiên cứu lịch sử thì ông có đề xuất cụ thể như thế nào đối với số phận của con tàu này khi chính quyền và các cơ quan chức năng chưa đưa ra các quyết định cuối cùng?

Ông Bùi Văn Tiếng: Tôi thấy đây là một sự kiện lịch sử. Và con tàu này “trong họa có phúc”; thoát chết từ Biển Đông trước những “tàu quen” chứ không phải “tàu lạ”. Tôi nghĩ nó trở thành bằng chứng lịch sử. Dưới góc độ lịch sử, tôi hoàn toàn tán thành nhiều ý kiến của ngư dân, của ngay chính chủ tàu này cũng như của Hội Nghề cá TP Đà Nẵng và của rất nhiều cán bộ, Đảng viên, nhân dân TP Đà Nẵng, muốn giữ lại nguyên vẹn tất cả thương tích của con tàu này để làm bằng chứng lịch sử nhằm đấu tranh chống lại “chính trị cường quyền”.

Hiện nay Đà Nẵng đang có chủ trương xây dựng “Nhà trưng bày Hoàng Sa”, tôi nghĩ đây là cách để người Đà Nẵng góp thêm hiện vật cho điểm trưng bày này.

Lãnh đạo TP Đà Nẵng nhiều năm nay đã được người dân rất ca ngợi về những quyết định tương tự. Ví dụ như là thay vì phá dỡ toàn bộ cây cầu dã chiến của Mỹ bắc qua sông Hàn (cầu Nguyễn Văn Trỗi - PV) vào thập niên 60 của thế kỷ trước thì đã giữ lại nguyên trạng để trở thành “bảo tàng chiến tranh” ngoài trời nhằm gợi lại trong ký ức của người Đà Nẵng những năm tháng quê hương bị ngoại bang chiếm đóng.

Tôi nghĩ lãnh đạo TP Đà Nẵng lần này chắc là sẽ xem xét và quyết định chấp nhận đề nghị mà tôi cho là rất hợp lòng dân về việc “giữ nguyên con tàu không sửa chữa” để trở thành một bằng chứng tố cáo tội ác của tàu Trung Quốc cố tình đâm chìm thảm hại ngư dân chúng ta.

Ông Bùi Văn Tiếng, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP Đà Nẵng. Ảnh H.Q
Ông Bùi Văn Tiếng, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP Đà Nẵng. Ảnh H.Q

PV: Có người nói rằng, thời gian rồi cũng sẽ làm mờ đi những vết tích trên hiện vật nhưng không bao giờ làm cho ký ức, những vụ việc đó quên đi trong trí nhớ của mỗi người. Phải chăng gợi ý và đề xuất của ông về việc giữ lại con tàu này nhằm một mục đích mang tính giáo dục truyền thống về lâu dài, thưa ông?

Ông Bùi Văn Tiếng: Đúng thế. Tôi cũng đã từng trả lời báo chí rằng tôi không tin hay là khó tin những hung thủ trên con tàu gây tội ác đó lại là những ngư dân thứ thiệt. Bởi vì ngư dân thứ thiệt trên toàn thế giới là họ có một tín ngưỡng mang đậm màu sắc tâm linh, không ai làm điều ác nói chung và đặc biệt làm điều ác với đồng nghiệp của mình trên biển cả. Chỉ có cướp biển mới coi thường mạng sống của con người giữa đại dương mênh mông. Chính vì vậy, con tàu này nếu được giữ nguyên trạng, tôi nghĩ trước hết nó nhằm giúp cho người Đà Nẵng lưu giữ một ký ức về một hiểm họa trên biển cả, không chỉ là thiên tai mà còn là sự ngang ngược bất chấp đạo lý và pháp lý của một thứ “tàu quen” chứ không phải là “tàu lạ” như lâu nay ta vẫn gọi.

“Vết thương” trên thân tàu ĐNa 90152TS. Ảnh H.Q
“Vết thương” trên thân tàu ĐNa 90152TS. Ảnh H.Q

PV: Như thế thì ông đánh giá như thế nào về giá trị của hiện vật lịch sử này?

Ông Bùi Văn Tiếng: Tôi nghĩ đây là một hiện vật rất có ý nghĩa không chỉ trong trước mắt. Ví dụ như nếu Việt Nam chúng ta, Chính phủ chúng ta quyết định khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế nào đó thì đây chính là bằng chứng.

Theo tôi được biết Biên phòng chúng ta đã quay được những thước phim rất có giá trị về việc con tàu của Trung Quốc đâm vào tàu chúng ta. Nó hoàn toàn khác với luận điệu của người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Tôi nghĩ những phát ngôn đó có thể đáp trả bằng một câu hết sức dân dã của chị chủ tàu Huỳnh Thị Như Hoa là “nói thế thì con nít cũng không nghe lọt tai” – một câu nói rất là Quảng Nam nhưng mà rõ ràng là nó hết sức thuyết phục. Tôi tiếc và thấy tội nghiệp cho một người phát ngôn của một đất nước lớn, một cường quốc mà là rất nhỏ nhen, rất sai trái so với sự thật của sự việc.

PV: Xin cảm ơn ông!

HOÀNG QUÂN